Khoáng sản

Phước Sơn (Quảng Nam): Ngăn chặn khai thác vàng trái phép

Võ Hà 18/10/2024 - 10:52

Huyện Phước Sơn là “thủ phủ” vàng của tỉnh Quảng Nam, có trữ lượng lớn thứ hai cả nước. Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; tổ chức chốt chặn và xử lý dứt điểm các điểm nóng.

Nhiều vướng mắc, khó khăn

Theo UBND huyện Phước Sơn, khoáng sản vàng phân bố theo sông, suối hầu hết trên địa bàn các xã; vàng gốc phân tán nhỏ lẻ, có 17 khu vực quy hoạch phân tán nhỏ lẻ, phân bố trên địa bàn 6 xã với tổng diện tích là 196,7 ha; có 1 mỏ khai thác công nghiệp tại thôn 4, xã Phước Đức với diện tích 7,95 ha (do Công ty TNHH Vàng Phước Sơn khai thác).

Tính đến 31/12/2023, tại địa bàn có 12 điểm mỏ của 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản và 3 điểm mỏ với 3 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò. Đến nay, có thêm 1 doanh nghiệp hết thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc kể từ ngày 31/6/2024 và Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.

vang2.jpg
Hoạt động khai thác vàng trái phép ở Phước Sơn diễn ra phức tạp

Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, chính quyền huyện Phước Sơn đã triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; tổ chức chốt chặn và xử lý dứt điểm các điểm nóng.

Địa phương cũng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch kiểm tra, tăng cường quản lý, phối hợp, chốt chặn, đôn đốc thực hiện các nghĩa vụ, quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản...

6 tháng đầu năm, địa phương đã tổ chức 18 đợt kiểm tra, truy quét tại các điểm khai thác khoáng sản có phép và không phép tại khu vực bãi 5A, bãi Khe Tăng (xã Phước Thành), bãi Cây Đa (xã Phước Lộc), bãi 38 (xã Phước Hòa), xã Phước Xuân (khu vực dọc Sông Đăk Mi 4), xã Phước Hiệp (khu vực ngã ba Đông Dương), xã Phước Đức. Qua đó, đã phá hủy nhiều phương tiện, máy móc sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép (80 lán trại, 25 tấm bạt, 29 máy nổ, 10 củ điện, 26 cối xay, 4 cối dập, 4 máy tời, 4 dàn khoan hơi, 1 dàn rùng, 4 xe rùa, khoảng 1.000m ống nước và 800m dây điện).

Tuy nhiên, UBND huyện Phước Sơn thừa nhận vẫn còn quá nhiều vướng mắc, chồng chéo, bất cập từ các văn bản, quy định về quản lý, khai thác khoáng sản. Tình trạng khai thác trái phép vẫn xảy ra ở một số xã với quy mô nhỏ. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đúng giấy phép môi trường đã phê duyệt. Việc đôn đốc, giám sát công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với điểm mỏ hết thời gian cấp phép khai thác vẫn còn chưa quyết liệt.

Cần quản lý chặt

Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, mặc dù đã nỗ lực song công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của địa phương còn nhiều hạn chế do địa hình là rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên việc tuần tra, kiểm tra lâm phận, địa bàn của một số xã, các chủ rừng gặp nhiều khó khăn, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối với một số trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

vang1.jpg
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng rất khó để ngăn chặn

Ngoài ra, chính quyền một số xã chưa quyết liệt, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, xử lý thiếu kiên quyết, việc tham mưu của một số cơ quan chưa kịp thời. Ý thức chấp hành chấp hành pháp luật về BVMT của một số doanh nghiệp chưa cao. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn dưới luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số đơn vị còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm về cho địa phương

Một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là tình trạng "tái chiếm" mỏ khoáng sản hết phép. Do đó, địa phương kiến nghị với UBND tỉnh đối với các doanh nghiệp đã hết thời hạn giấy phép khai thác phải thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường; đối với các trường hợp hết thời hạn giấy phép thăm dò nhưng kéo dài thời gian lập thủ tục cấp phép khai thác cũng xem xét không cấp phép khai thác, yêu cầu dừng toàn bộ dự án.

Đồng thời, phải xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố ý chây ì, kéo dài thời gian và không thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khi hết phép khai thác.

Địa phương cũng kiến nghị Cục Thuế Quảng Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra lắp đặt trạm cân và camera giám sát đi kèm với nhiệm vụ theo dõi trữ lượng khoáng sản khai thác. Xử lý nghiêm doanh nghiệp kê khai phát sinh thấp hoặc không phát sinh sản lượng trong 2 hay 3 năm liên tiếp, chậm thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ có sản lượng khai thác kê khai nộp thuế trung bình hai năm liên tiếp dưới 60%...

truy-quet-1.jpg
Tiêu hủy lán trại và vật dụng khai thác vàng trái phép ở Phước Sơn

“Qua thực tế kiểm tra việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát khoáng sản nguyên khai tại các dự án KTKS (đã kiểm tra tại 03 đơn vị), UBND huyện Phước Sơn nhận thấy hầu hết các khu vực khai thác khoáng sản ở nơi không có mạng Internet cáp quang, mạng internet 4G rất yếu hoặc không có internet nên việc thiết lập đường truyền kết nối trực tiếp để truyền dữ liệu phục vụ công tác giám sát sản lượng khai thác không hiệu quả, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Vì vậy, kiến nghị việc tính thuế theo trữ lượng áp trên mức khoán theo công suất cấp phép”, ông Xoan cho biết.

Võ Hà