Khoa học & Công nghệ

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế

Đức Tâm 17/10/2024 - 18:48

(TN&MT) - Ngày 17/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp số Việt Nam đi ra thế giới - Cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập” nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế.

Hiện nay doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra thế giới, mang sản phẩm, giải pháp và dịch vụ "Made in Vietnam" chinh phục thị trường quốc tế.

dsc08540.jpg
Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 3 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới bằng việc tổ chức hội nghị, diễn đàn trong và ngoài nước, thiết lập gian hàng tại các nước và kết nối doanh nghiệp với đối tác quốc tế. Các chương trình này đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

Sau hơn 20 năm, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã được khẳng định với rất nhiều doanh nghiệp được thế giới biết đến như FPT, Viettel, CMC, VNG, ... Mặc dù ngành phần mềm Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, song nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như các cơ hội mà quá trình chuyển đổi số đem lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay nhiều cường quốc sản xuất công nghệ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu đang dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam để tránh những bất ổn từ Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam có tiềm năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.

toan-canh-hoi-nghi.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Sự gia nhập của các công ty công nghệ lớn đã mở ra cơ hội cho Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lương cao. Thông qua các mô hình đào tạo phối hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ và trường đại học Việt Nam, bao gồm các chương trình nghiên cứu, thực tập cho sinh viên vừa tốt nghiệp, đã giúp Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo cho chuyên ngành CNTT, cải thiện chất lượng nhân lực công nghệ trong nước.

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bên cạnh việc kí các thỏa thuận về thương mại đầu tư, những văn bản hiện nay đã có sự điều chỉnh, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp của Việt Nam khi đầu tư kinh doanh sang nước ngoài.

dsc08548.jpg
Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Chung, xu hướng chủ động thu hút đầu tư từ Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Điển hình như Cộng hòa Séc đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về các doanh nghiệp Việt Nam và tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Để thương hiệu Made in Vietnam đến với thị trường năm châu, các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam không chỉ bứt phá bằng những công nghệ mới như bán dẫn, blockchain, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, mà tiếp tục cần sự dẫn dắt một cách bài bản. Xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số Made in Vietnam cùng mang tri thức và công nghệ số đi chinh phục thế giới cũng là mục tiêu mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang thực hiện.

Đức Tâm