Biến đổi khí hậu

Hàng không Việt Nam trước nhu cầu tín chỉ các-bon và nhiên liệu bay bền vững

Trung Nguyên 17/10/2024 - 11:23

(TN&MT) - Ngành Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Chương trình giảm và bù đắp các-bon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA) từ năm 2026 trở đi.

Tính toán sơ bộ từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy, chi phí mua tín chỉ các-bon để bù đắp lượng khí thải nhà kính của các hãng hàng không riêng trong năm 2026 thấp nhất là 5,6 triệu USD và cao nhất là 37,5 triệu USD.

Các con số này tương ứng giá mua tín chỉ các-bon từ 6 – 40 USD/tín chỉ (tương đương 1 tấn CO2). Nếu có thể mua tín chỉ trong nước, các hãng hàng không sẽ tiết kiệm khoản chi phí đáng kể, và ở chiều ngược lại, nhu cầu lớn sẽ giúp thúc đẩy đầu tư các dự án giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ các-bon mạnh mẽ hơn.

edit-321-1700637281125642117609-_1_.jpg
Ngành Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Chương trình giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA) từ năm 2026 trở đi

Hàng không “mạnh tay” giảm phát thải

Hàng không được đánh giá là một trong những ngành khó giảm phát thải nhất, chủ yếu do yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chi phí đầu tư khổng lồ và nguồn nhiên liệu xanh thay thế chưa sẵn sàng. Chương trình CORSIA do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ban hành từ tháng 6/2018, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, các quốc gia sẽ phải thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải CO2 từ các chuyến bay quốc tế hàng năm kể từ năm 2019 trở đi.

Trong giai đoạn năm 2024 – 2035, lượng phát thải CO2 từ hàng không quốc tế của quốc gia tham gia CORSIA không vượt quá 85% phát thải của năm 2019 (năm đường phát thải cơ sở), và nếu vượt sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù trừ. Việc tham gia CORSIA khá tốn kém đối với các hãng hàng không nên ICAO cũng đã chia ra các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc để các hãng hàng không dần thích ứng.

hksb.jpg
Trong giai đoạn năm 2024 – 2035, lượng phát thải CO2 từ hàng không quốc tế của quốc gia tham gia CORSIA không vượt quá 85% phát thải của năm 2019

Trong đó, giai đoạn năm 2024 – 2026, các quốc gia có thể cân nhắc tự nguyện tham gia, nhưng từ năm 2027 – 2035, việc tham gia là bắt buộc. Như vậy, nếu Việt Nam không tham gia giai đoạn tự nguyện thì các hãng hàng không Việt Nam vẫn sẽ phải bắt buộc tuân thủ các yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính đối với các chuyến bay quốc tế của mình theo CORSIA từ 1/1/2027, kéo theo nhu cầu sử dụng tín chỉ các-bon của các hãng hàng không trong nước sẽ tăng cao trong tương lai.

Cục Hàng không Việt Nam nhận định, các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện CORSIA bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. Việc tham gia CORSIA từ giai đoạn tự nguyện, dù sớm hơn chỉ 1 năm cũng đặt ra khó khăn, thách thức rất lớn về tài chính đối với các Hãng hàng không Việt Nam.

Mặt khác, việc tham gia CORSIA tương đương với việc Nhà nước Việt Nam tham gia một hiệp định quốc tế. Do đó, đây không chỉ là trách nhiệm của các Hãng hàng không Việt Nam mà cần có sự chung sức, đồng lòng, hỗ trợ của các Bộ, ban ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Điều này nhằm bảo đảm cho việc Việt Nam sẽ tham gia đúng với cam kết và trách nhiệm của một quốc gia có uy tín với bạn bè quốc tế, góp phần bảo đảm toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam, an ninh, an toàn hàng không và lợi ích chính đáng của các Hãng hàng không Việt Nam. Việc tham gia Corsia trong giai đoạn tự nguyện cũng cần đặt trong bối cảnh thực tiễn để có sự linh hoạt điều chỉnh phù hợp với chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

khach-qt.jpg
Việt Nam có nhiều đường bay quốc tế và đón hàng chục triệu lượt khách hàng năm

Thời gian qua, để triển khai các nhiệm vụ, yêu cầu theo CORSIA, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng và ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BGTVT ngày 28/9/2020 Quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng; Thực hiện MRV phát CO2 đối với các chuyến bay quốc tế, báo cáo ICAO dữ liệu phát thải các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023. Đây cũng là căn cứ để ngành hàng không triển khai lộ trình giảm phát thải trong thời gian tới và sẵn sàng tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA từ năm 2026.

Lượng khí CO2 phát thải từ ngành công nghiệp hàng không chiếm từ 2,5 - 3% tổng lượng CO2 phát thải toàn cầu. Theo thông tin trên website chính thức của ICAO, tính đến 1/1/2024, đã có 126 quốc gia tham gia CORSIA từ giai đoạn tự nguyện. Các quốc gia này nếu có các yêu cầu hỗ trợ sẽ được ưu tiên theo chương trình hỗ trợ, xây dựng năng lực và đào tạo từ ICAO và quốc gia thành viên, nhằm chuẩn bị cho việc phải thực hiện nghĩa vụ bù đắp các-bon sau này.

Cần đảm bảo nguyên tắc bù trừ tín chỉ

Nguồn hàng tín chỉ các-bon trong nước còn nhiều tiềm năng đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không. Những năm qua, Việt Nam đã có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới. Tuy vậy, một trong những vấn đề đặt ra là việc trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo CORSIA có thể ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu điều chỉnh tương ứng, tín chỉ các-bon đã chuyển giao quốc tế sẽ phục vụ cho mục tiêu giảm phát thải của nước khác hoặc tổ chức khác như CORSIA, và không được tính trùng vào NDC của Việt Nam nữa.

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, quy định hướng dẫn của quốc tế về điều chỉnh tương ứng còn chưa đầy đủ, chưa rõ về ảnh hưởng của việc trao đổi tín chỉ tự nguyện quốc tế đến việc thực hiện mục tiêu NDC của quốc gia. Các giao dịch tín chỉ các-bon ra thị trường tự nguyện quốc tế tại Việt Nam hiện nay đều không có Thư chấp thuận của Chính phủ để thực hiện điều chỉnh tương ứng.

Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia theo NDC nếu trong tương lai, có sự thay đổi trong cách tiếp cận liên kết giữa thị trường tự nguyện quốc tế và thị trường tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó bao gồm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế theo thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và bên ký kết nước ngoài – Cơ chế song phương nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia -NDC hoặc mục tiêu giảm phát thải quốc tế khác, ví dụ như CORSIA.

Dự kiến, các dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon có nhu cầu thực hiện chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế, tổ chức được cấp tín chỉ các-bon gửi đơn đề nghị cấp Thư chấp thuận đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sẽ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và xem xét, ban hành Thư chấp thuận. Đối với các dự án không được cấp Thư chấp thuận, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon chỉ được sử dụng cho mục tiêu NDC của Việt Nam, không đóng góp vào mục tiêu NDC của quốc gia khác và mục tiêu giảm nhẹ quốc tế khác.

Chuyển đổi nhiên liệu bay là ưu tiên hàng đầu

Về bản chất, việc mua tín chỉ các-bon để bù đắp đồng nghĩa với vẫn phát thải khí nhà kính ra môi trường. Hàng không thế giới đề ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm 1,8 gigaton các-bon vào năm 2050. Trong đó, 65% lượng giảm dự kiến sẽ đến từ việc sử dụng nhiên liệu hàng không vền vững (SAF), 19% không thể loại bỏ sẽ được bù đắp bằng giao dịch các-bon hoặc thu giữ các-bon. Việc áp dụng các công nghệ mới khác (bao gồm cả máy bay điện) dự kiến chỉ chiếm 13% tổng lượng giảm phát thải vào năm 2050.

anh-1(1).jpg
Một chiếc Airbus A350-1000 được tiếp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) ở Singapore Ảnh: THE STRAITS TIMES

Triển khai định hướng này, ICAO đã ban hành Hướng dẫn về nhiên liệu hàng không bền vững tới các quốc gia thành viên, đồng thời, ban hành Khung toàn cầu về hàng không và nhiên liệu thay thế - là cơ sở dữ liệu trực tuyến để chia sẻ thông tin liên quan đến nhiên liệu hàng không bền vững. Vấn đề lớn hiện nay là giá thành của SAF rất cao, gấp từ 2 - 6 lần nhiên liệu truyền thống JET A1. Nguồn cung cũng còn hạn chế và mới đáp ứng 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không toàn cầu, đi kèm thách thức về khoản đầu khổng lồ nâng cao sản lượng trong tương lai.

Cùng với ICAO, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra yêu cầu đối với các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không (chính sách Refuel EU) nhằm tăng dần tỷ lệ SAF pha trộn vào nhiên liệu hàng không thông thường được cung cấp tại các sân bay EU. Đây là một phần trong gói chính sách Fit for 55 của EU nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải 55% vào năm 2030. Những quy định này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến đến chi phí khai thác/giá vé và tính cạnh tranh của các hãng hàng không khai thác các chuyến bay trực tiếp giữa các khu vực EU và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bên cạnh việc chi phí khi tham gia CORSIA.

Trước các diễn biến quốc tế và khả năng tác động tới ngành hàng không Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Giao thông vận tải, Công thương chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong tháng 11/2024 tới đây.

Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí mê-tan và khí các-bon của ngành giao thông vận tải, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050:

- Giai đoạn 2022 - 2030: Thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng của ngành hàng không để giảm phát thải CO2. Từ 2027, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không. Đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng năng tượng và tiêu thụ nhiên liệu của các doanh nghiệp hàng không.

- Giai đoạn 2031 - 2050: Từ năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù chưa sử dụng năng lượng điện). Từ năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp các-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”.

Trung Nguyên