Biến đổi khí hậu

Phú Yên chủ động ứng phó với BĐKH

Đông Duy 17/10/2024 - 10:29

(TN&MT) - Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là khu vực có đặc điểm khí hậu thời tiết đặc trưng là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa tập trung vào 4 tháng cuối năm với lượng mưa thường rất lớn, đi kèm theo là áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt, triều cường, sạt lở,... Mùa khô nắng nóng kéo dài, gây khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng tăng. Do vậy, hàng năm Phú Yên thường chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

Nhiều giải pháp mang tính lâu dài, bền vững

Theo ông Nguyễn Thái Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, nhận thức được những tác động tiêu cực của BĐKH làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân, đồng thời, trên cơ sở những chỉ đạo, chính sách và định hướng lớn của Trung ương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, để qua đó, các cấp chính quyền và địa phương triển khai nhiều hành động và giải pháp, bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, biến đổi khi hậu đang và ngày càng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Vì vậy, tỉnh đang đề ra các giải pháp ứng phó tích cực mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.

Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm đến công tác giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, từng bước thực hiện việc lồng ghép BĐKH trong các hoạt động chuyên môn của ngành, lĩnh vực. Tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh phát triển các ngành nông, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời. Đến nay, toàn tỉnh có 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành phát điện. Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025 đã thu hút hơn 18 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia và đến nay, đã trồng 15.006.231 cây, đạt tỷ lệ 100,04% so với Kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2023 là 47,16% và phấn đấu trong năm 2024 là 47,5%. Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH của cộng đồng tỉnh đã được nâng cao.

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thường xuyên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khuyến khích mở rộng mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thích ứng BĐKH, giảm thiểu thiên tai, sự cố môi trường; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, BĐKH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Chủ động huy động nguồn lực trong và ngoài nước để tăng cường kiểm soát nguồn thải, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quán triệt và thực hiện “khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo”.

Triển khai nhiều dự án ứng phó với BĐKH

Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết, để ứng phó với BĐKH, bên cạnh xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp, việc tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê, kè và phát triển cơ sở hạ tầng bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân lầ hết sức cần thiết và cấp bách. Trong thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã huy động nhiều nguồn lực triển khai nhiều dự án, công trình kết hợp thích ứng BĐKH với phục vụ đời sống dân sinh, an ninh quốc phòng.

7.png
Đập thủy điện sông Ba Hạ (tỉnh Phú Yên)

Trong đó, một số dự án, công trình trọng điểm phải kể đến như: Một là kè chống sạt lở, bồi lấp cửa Đà Diễn do Ban quản lý các dự án đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án nhằm thực hiện mục tiêu chống sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, ổn định đời sống nhân dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực tiêu thoát lũ nhanh, giảm ngập lụt trong thành phố Tuy Hòa, đảm bảo tàu thuyền ra khơi thuận lợi để ngư dân bám biển khai thác đánh bắt hải sản phát triển kinh tế biển, hình thành bến bãi cho tàu thuyền của tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận neo đậu và tránh trú bão khi có bão khẩn cấp; ứng phó với BĐKH, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho thành phố Tuy Hòa. Công trình đã hoàn thành các hạng mục đê chắn sóng phía Nam, kè biển bờ Bắc, kè sông bờ Bắc.

Hai là kè chống xói lở ven biển Xóm Rớ, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa (giai đoạn 3) do Ban quản lý các dự án đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án nhằm phòng chống giảm nhẹ thiên tai, giảm ảnh hưởng dến hệ thống giao thông ven biển, ổn định đời sống dân cư. Dự án đã được đưa vào sử dụng từ ngày 27/9/2024.

Ba là xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) do Ban quản lý các dự án đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư, với mục tiêu nâng cao cơ hội phát triển sinh kế, giảm nghèo và bất bình đẳng cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng tổng hợp thích ứng với BĐKH. Hiện nay dự án này đang trong giai đoạn triển khai đầu tư.

“Cho đến nay, cơ bản các dự án được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ nên đã kịp thời vượt qua các khó khăn về vốn, nhân lực,... nhằm nỗ lực đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình và sự thành công lớn nhất là được người dân đồng tình ủng hộ cao. Phát huy tinh thần trên, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án theo kế hoạch. Tuy nhiên với nguồn lực còn hạn chế, tỉnh Phú Yên rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của người dân, từ cơ quan Trung ương, để nhiều công trình, dự án phục vụ dân sinh, phòng chống thiên tại sớm được triển khai, hoàn thành”, ông Nguyễn Thái Hòa chia sẻ.

Đông Duy