Đầu tư - Tài chính

Thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm

Theo Chinhphu.vn 16/10/2024 - 22:27

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 16/10/2024 thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm được nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế (Tổ công tác).

Thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm- Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác

Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.

Các Ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hậu Giang, Cần Thơ.

Đề xuất phương hướng giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành

Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.

Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.

Các thành viên Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác

Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

Các cơ quan có thành viên tham gia Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cá nhân khác tham dự cuộc họp của Tô công tác.

Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Tổ trưởng hoặc Tổ phó và cử người có trách nhiệm dự họp thay.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng tính kịp thời trong điều hành của Tổ công tác. Các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật chất phục vụ các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết.

Kinh phí hoạt động của Tổ Công tác do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2024.

Theo Chinhphu.vn