Môi trường

Hợp tác vì sức khoẻ và tính bền vững của các hệ sinh thái

Minh Hạnh 16/10/2024 - 14:28

Ngày 16/10, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội nghị Khoa học Một sức khỏe với chủ đề “Thực tiễn quốc tế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Giáo sư Appolinaire Djikeng, Tổng Giám đốc ILRI và ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chủ trì hội nghị.

Tại đây, các chuyên gia từ 10 quốc gia cũng như đại diện từ giới học thuật, khu vực tư nhân, và các ngành nông nghiệp, y tế và môi trường đã tham gia và thảo luận về lộ trình hợp tác cải thiện sức khỏe và đảm bảo tính bền vững của các hệ sinh thái ở Việt Nam và các nước phía Nam bán cầu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Việt Châu cho biết: Hội nghị đánh dấu 25 năm ILRI chính thức hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung và sức khỏe động vật nói riêng. Sự tham gia ngày càng tích cực của ILRI Việt Nam và ILRI toàn cầu vào Đối tác Một sức khỏe Việt Nam trên các lĩnh vực phòng chống đại dịch, kiểm soát bệnh truyền lây từ động vật thông thường và động vật hoang dã sang người, an toàn thực phẩm, kháng kháng sinh thể hiện cam kết mạnh mẽ của ILRI tại quy mô quốc gia Việt Nam và cấp độ toàn cầu.

pho-vu-truong-htqt-nnptnt.jpg
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại hội nghị.

Đối tác Một sức khỏe Việt Nam, với tiền thân là Đối tác PAHI (Cúm gia cầm) năm 2003, đã có 20 năm kinh nghiệm vận hành và triển khai các hoạt động Một sức khỏe. Chương trình chính thức đổi tên thành Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người từ năm 2016.

Từ đó tới nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các thách thức sức khỏe cấp bách do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, kháng kháng sinh, ngăn chặn hành vi buôn bán, bắt giữ, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên và hợp lực đẩy lùi các mối nguy về an toàn thực phẩm.

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến Một sức khỏe, có kinh nghiệm thực hành, điều phối tốt và rất sớm so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng thực tế vận hành, Một sức khỏe Việt Nam vẫn còn những khoảng trống trong phối hợp liên ngành và hợp tác đa phương, năng lực chuyên môn, nguồn lực để thực thi và tăng cường các chính sách của các lĩnh vực trọng tâm.

msk.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Việt Nam luôn nỗ lực để tiếp tục là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến Một sức khỏe trong khu vực, thông qua vai trò chủ trì chính của Bộ Nông nghiệp và Pháp triển nông thôn cùng hai ngành đồng hành, sát cánh với ý thức và trách nhiệm cao từ Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết những thách thức phức tạp từ các bệnh lây truyền từ động vật thông thường và động vật hoang dã, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm gây ra.

Cũng tại hội nghị, Giáo sư Appolinaire Djikeng, Tổng Giám đốc ILRI cho biết: Để đạt được sự cân bằng sức khoẻ giữa con người và động vật cần có sự hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực và các cộng đồng. Hiện nay, thỏa thuận Bốn bên giữa FAO, WOAH, UNEP và WHO đã trở thành một nền tảng quan trọng giúp củng cố nhu cầu này, với mục tiêu thúc đẩy hành động Một Sức Khỏe từ cấp toàn cầu đến cấp khu vực và quốc gia. Theo đó, mục tiêu của hội thảo hôm nay là biến tầm nhìn này thành hiện thực.

Khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận những tác động sâu rộng của các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh do thực phẩm và tình trạng kháng kháng sinh. Những thách thức này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế mà còn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội và kinh tế.

msk1.jpg
Giáo sư Appolinaire Djikeng, Tổng Giám đốc ILRI, phát biểu tại hội nghị

Về vấn đề này, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Một Sức Khỏe, thông qua Mạng lưới Một Sức Khỏe ASEAN được hỗ trợ bởi Ban thư ký ASEAN, đã thể hiện cam kết của khu vực trong việc vượt qua những thách thức này thông qua nỗ lực hợp tác. Hội nghị hôm nay cũng cung cấp một nền tảng để xây dựng động lực đó.

“Thông qua các dự án trước đây và Sáng kiến Một Sức Khỏe của CGIAR, chúng tôi đã chứng minh được sức mạnh của khoa học hợp tác trong việc giải quyết các bệnh lây truyền từ động vật sang người, an toàn thực phẩm và kháng kháng sinh. Trong thời gian tới, chiến lược mới của ILRI, với ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của cả động vật và con người, hướng tới đóng góp hiệu quả hơn vào chương trình nghị sự Một Sức Khỏe toàn cầu”, GS Appolinaire Djikeng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, các bên liên quan cùng nhau thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế, áp dụng có chọn lọc và tính toán phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường năng lực và phương pháp tiếp cận liên ngành Một sức khoẻ, bao gồm cách tiếp cận Một sức khoẻ trong mối tương quan tổng thể và hài hòa giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường để tăng cường khả năng chống chịu trước các khủng hoảng đại dịch trong tương lai.

Phương pháp tiếp cận Một sức khoẻ, thông qua phối hợp đa ngành và tăng cường hợp tác đa phương trong xử lý các vấn đề đại dịch là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống đại dịch. Việc hợp tác phòng chống đại dịch với Cộng đồng quốc tế tại các Khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là các khu vực đươc coi là điểm nóng như Châu Phi và Đông Nam Á và các Khu vực có nhiều kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật tại Nam Bán cầu là các phương hướng hành động của Một sức khỏe Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, tại cuộc họp, Một sức khoẻ Việt Nam kêu gọi sự hợp tác sâu rộng với các Đối tác từ Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu nhằm cùng nhau triển khai các sáng kiến chung về Một sức khoẻ như Prezode, Health Alliance…

Minh Hạnh