Biến đổi khí hậu

Định lượng thiên tai qua xây dựng cấp độ đánh giá rủi ro

Hoài Thu (thực hiện) 15/10/2024 - 10:59

(TN&MT) - Các tỉnh ven biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và vị thế sẽ còn tăng lên trong bối cảnh quốc gia tiến ra biển. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chịu tác động rất lớn của rủi ro thiên tai .

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, TS. Nguyễn Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, việc đánh giá rủi ro cũng như xây dựng cấp độ cảnh báo rủi ro thiên tai cho các vùng trọng điểm ven biển giúp chúng ta định hình, định lượng được thiên tai để chủ động ứng phó.

5a.jpeg
TS. Nguyễn Quốc Khánh -
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

PV: Xin ông cho biết tình hình thiên tai tại các khu vực trọng điểm ven biển những năm qua có những biến động, rủi ro nghiêm trọng nào?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Ở nước ta, những năm qua đã ghi nhận nhiều cơn bão do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), gây nước biển dâng cao kèm theo sóng lớn, làm tràn, vỡ đê, gây ngập lụt trên diện rộng. Trong đó có nhiều cơn bão đổ bộ vào thời điểm triều cường với nước dâng bão cao từ 1 - 2m làm vỡ đê, gây ngập úng nghiêm trọng, có thể kể đến những cơn bão như: Bão Washi năm 2005 tại Hải Phòng; bão Damrey năm 2005 tại Nam Định; bão Kalmaegy năm 2014 tại Quảng Ninh, bão Doksuri năm 2017 tại Nghệ An, Hà Tĩnh; bão Vamco năm 2020 tại Quảng Bình, Quảng Trị,...

Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; trong đó, cấp độ rủi ro thiên tai do nước biển dâng được phân thành 5 cấp dựa trên độ cao mực nước tổng cộng (nước dâng kết hợp với thủy triều).

BĐKH, nước biển dâng có xu hướng ngày càng gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ, là tác nhân gia tăng xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và ngập lụt vùng ven biển.

Theo Kịch bản BĐKH năm 2020, khi nước biển dâng lên 100cm sẽ khiến các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập từ 30 - 80% diện tích, Đồng bằng sông Hồng từ 20 - 40%. Trong bối cảnh của BĐKH, bão được dự đoán sẽ có những diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường hơn. Do đó, công tác dự báo theo cấp độ rủi ro cần xây dựng thành chiến lược làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

PV: Việc xây dựng mức độ, các cấp cảnh báo rủi ro thiên tai cho khu vực trọng điểm ven biển, đóng vai trò quan trọng như thế nào trong bối cảnh BĐKH hiện nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mức độ, các cấp cảnh báo rủi ro thiên tai nhằm phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai một cách hợp lý, phù hợp và hiệu quả hơn.

Các vùng, địa phương, lực lượng chức năng sẽ tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai để huy động sự tham gia của các thành phần, ví dụ như rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt ở cấp 4 - mức cảnh báo gần cao nhất thì phải huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân, từ đó sẽ quyết định đến hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại các khu vực ven biển, rủi ro thiên tai cận kề nhất là nước biển dâng, bão, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, bão, mưa lớn dẫn đến ngập lụt là những rủi ro thiên tai tác động nhiều nhất.

Ví dụ, đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, với mức cảnh báo rủi ro thiên tai do nước biển dâng đến cấp 5, mực nước dâng có thể từ 5-6m. Cùng một cao độ, các cấp độ rủi ro do nước biển dâng đối với các vùng ven biển sẽ khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố địa phương như địa hình, cơ sở hạ tầng, sức chống chịu và năng lực ứng phó. Điều này đòi hỏi việc xây dựng cấp độ rủi ro cần phải chi tiết hóa theo từng đặc thù địa phương.

5b.jpeg
Bản đồ phân vùng rủi ro nước dâng do bão các tỉnh ven biển Việt Nam

Theo một nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai năm 2020 của Ngân hàng thế giới và Quỹ Giảm nhẹ Rủi ro Toàn cầu (GFDRR), với xu hướng diễn biến thời tiết, khí hậu như hiện nay, tại vùng ven biển Việt Nam, sẽ có 11,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ; thiệt hại 1 triệu đô la GDP trong nông nghiệp do lũ; 42% khách sạn ven biển nằm trong khu vực bị sạt lở; một nửa số khu công nghiệp đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ lớn; 22% trường học, 26% các cơ sở y tế đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ lớn...

PV: Thưa ông, từ nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai, các cơ quan khoa học có những khuyến cáo gì để ứng phó, hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu?

TS. Nguyễn Quốc Khánh: Hiện, Viện KHKTTV&BĐKH đang triển khai một số đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về nghiên cứu phân cấp, đánh giá rủi ro các loại hình thiên tai ở Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng thử nghiệm cho khu vực Bắc Trung Bộ; Đồng thời, nghiên cứu về các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ cho khu vực ven biển, ven biển Trung Trung Bộ... góp phần đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng.

Qua đánh giá của Viện, để phòng tránh các rủi ro thiên tai, những giải pháp cấp thiết bao gồm: Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đảm bảo sức chống chịu trước các cấp bão thường xuyên xảy ra (bão kết hợp triều cường); tăng cường trồng cây chắn sóng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở cửa sông, ven biển, bảo tồn cồn cát tự nhiên ven biển...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Thu (thực hiện)