Đất đai

TP. Hồ Chí Minh: Tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng Bảng giá đất

Nguyễn Quỳnh (thực hiện) 15/10/2024 - 10:58

(TN&MT) - TP.HCM đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình trong quá trình xây dựng Bảng giá đất. Giá đất sẽ được xác định trên nguyên tắc thị trường nhưng phải có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM xung quanh nhiệm vụ quan trọng này.

4a.jpg
Öng Nguyễn Toàn Thắng -
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

PV: Xin ông cho biết khái quát công tác xây dựng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 của TP.HCM?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Việc xây dựng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 được TP.HCM thực hiện theo các giai đoạn và trên cơ sở căn cứ các quy định như sau:

Giai đoạn từ 1/8/2024 đến 31/12/2025: Căn cứ theo khoản 1 Điều 257 quy định Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện TP.HCM đang tiến hành điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng đến 31/12/2025. Thẩm quyền điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn này thuộc UBND TP.HCM.

Giai đoạn từ 1/1/2026 đến 31/12/2026: Căn cứ theo khoản 3, Điều 159 Luật Đất đai 2024 về xây dựng Bảng giá đất lần đầu, hiện nay, Sở TN&MT đang thực hiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án xây dựng Bảng giá đất để áp dụng lần đầu từ ngày 1/1/2026. Thẩm quyền phê duyệt Bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc HĐND Thành phố.

Nhiệm vụ xây dựng Bảng giá đất lần đầu áp dụng từ 1/1/2026 và điều chỉnh Bảng giá đất để áp dụng đến 31/12/2025 được TP.HCM tiến hành song song.

Giai đoạn từ 1/1/2027 trở đi: Cũng theo khoản 3, Điều 159 Luật Đất đai 2024, nếu thấy cần thiết, TP.HCM sẽ thực hiện điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Thẩm quyền phê duyệt cũng thuộc HĐND Thành phố.

PV: Ông có thể làm rõ sự cần thiết phải điều chỉnh Bảng giá đất trong giai đoạn từ 1/8/2024 đến 31/12/2025?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Bảng giá đất hiện hành của TP.HCM theo Quyết định 02/2020 có những hạn chế: bị khống chế bởi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; chưa cập nhật giá tái định cư, không đủ làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư theo Luật Đất đai 2024. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cũng quy định không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (được ban hành hàng năm) để xác định giá đất cụ thể mà phải căn cứ vào Bảng giá đất.

Đặc biệt, sau rà soát, TP.HCM nhận thấy mặt bằng giá đất có sự chênh lệch khá lớn giữa giá trong Bảng giá đất và giá giao dịch thực tế, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá đã được thu thập qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế của người dân.

Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2024, việc xác định giá bồi thường sẽ phải áp dụng Bảng giá đất. Giá đất tại Bảng giá đất thấp đồng nghĩa người dân nhận tiền bồi thường thấp, khiến cho người dân không đồng thuận, dẫn đến khiếu nại, ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm của thành phố.

Từ đó, TP.HCM thấy rằng cần phải điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp giá đất thực tế, đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024. Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM thực hiện theo trình tự ban hành văn bản rút gọn.

4b.jpg
TP.HCM sẽ điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành để áp dụng đến 31/12/2025

PV: Vậy, công tác điều chỉnh Bảng giá đất đã được TP.HCM thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Việc điều chỉnh Bảng giá đất được TP.HCM tuân thủ nghiêm theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 71/2024 quy định về trình tự điều chỉnh bảng giá đất.

Theo đó, Sở TN&MT là cơ quan chủ trì phải lựa chọn đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn sẽ sử dụng các phương pháp theo quy định của pháp luật để xây dựng Bảng giá đất.

Trong đó, dữ liệu giá đất hiện có được chắt lọc từ các nguồn như: giá đất để bồi thường, giá đất tái định cư, giá đất cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt và giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế.

TP.HCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng phải có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Không thể lấy 1 giao dịch "cao ngút" để chốt giá đất của khu vực mà phải căn cứ các giao dịch khác để có sự cân đối ở mức bình quân, đồng thời còn phải căn cứ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của từng quận, huyện, thành phố...

Sau khi hoàn thiện Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh, Sở TN&MT đã đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quá trình đó, Sở đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến phản biện của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Thành ủy, HĐND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương (thông qua Cơ quan thường trực Khu vực miền Nam)... nhằm ghi nhận đầy đủ các ý kiến liên quan đến Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh.

Sau quá trình lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đã tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ nội dung góp ý và hoàn chỉnh lại Dự thảo; trình Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất Thành phố (Sở Tài chính là cơ quan chủ trì) thẩm định và chuyển Sở Tư pháp thẩm định. Cuối cùng là chuyển về Văn phòng UBND thành phố thẩm tra lần cuối trước khi trình cho UBND thành phố phê duyệt.

Theo dự kiến, trong tuần này, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP.HCM sẽ tổ chức cuộc họp để thẩm định Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Quỳnh (thực hiện)