Môi trường

Bình Thuận triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020: Thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh

Đình Du 15/10/2024 - 10:57

(TN&MT) - Bình Thuận đang nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh.

Triển khai đồng bộ

Để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 đồng bộ và hiệu quả, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 18/8/2021 triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 quy định chi tiết các nội dung được giao trong bảo vệ môi trường để các địa phương trên địa bàn thực hiện.

6b.jpg
Học sinh, sinh viên thu gom rác thải biển

Theo Sở TN&MT Bình Thuận, Sở đã triển khai nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý về môi trường các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã và tổ chức, cá nhân.

Sở cũng tham mưu cho HĐND tỉnh Bình Thuận ban hành Nghị quyết về phí thẩm định các hồ sơ môi trường và Quyết định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời đề xuất tổ chức các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, nhất là về xử lý chất thải rắn.

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị được thu gom, xử lý theo quy định là 90% và đến năm 2030 là 95% theo kế hoạch số 3781/KH-UBND ngày 8/11/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thu gom, phân loại, tái chế và xử lý CTRSH khoa học, mục tiêu nhằm hạn chế thải bỏ, thúc đẩy tái chế để tiết kiệm tài nguyên rác, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, hạn chế tối đa chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2024, UBND cấp huyện, xã nhanh chóng ban hành chương trình kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế CTRSH phù hợp.

Hiện các địa phương trên địa bàn đã và đang quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH để đưa vào hoạt động đúng theo yêu cầu kỹ thuật quy định.

Đồng thời, kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã. Phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng yêu cầu, đảm bảo thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại bao gồm: tần suất, thời gian và tuyến thu gom vận chuyển CTRSH có lịch trình cụ thể.

Tăng tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn

Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu năm 2025, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị 100% kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt 70%, ở các xã đạt 30%. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.

6a.jpg

Mặc dù tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống và phát triển kinh tế nhưng công tác quản lý bảo vệ môi trường Bình Thuận vẫn còn vướng một số khó khăn.

Kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa đa dạng được nhiều nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường, chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, vốn viện trợ từ ODA cũng còn hạn chế.

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực, trong đó, có lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, gắn với thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế xã hội môi trường. Khuyến khích các hoạt động hợp tác công - tư tham gia, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết: "Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT khuyến khích các địa phương phát động phong trào thu gom chất thải tái chế từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các điểm công cộng... thông qua các hội, đoàn thể và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế theo quy định. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động trên được sử dụng để duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động và các hoạt động khác phục vụ cho công tác phân loại CTRSH tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra".

Ngày 10/9 vừa qua, đoàn khảo sát thực tế về vị trí đề xuất xây dựng bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh tại huyện Bắc Bình do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Thuận Phan Văn Đăng dẫn đầu đi thực tế 3 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt 3 xã gồm: Sông Lũy, Sông Bình, Phan Điền thuộc huyện Bắc Bình.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đề xuất cần khảo sát vị trí mới xây dựng bãi chôn lấp xử lý rác sinh hoạt phù hợp quy chuẩn về đường giao thông, điện, nước, kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xã hội; Tập trung tăng cường xử lý mùi hôi theo đề xuất các ngành chức năng, đảm bảo môi trường trong khu vực trước khi xây dựng bãi chôn lấp rác thải mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại xã Hồng Liêm huyện Hàm Thuận Bắc, dự kiến đấu thầu vào đầu năm 2025, khi đi vào hoạt động, nhà máy có thể thu gom rác thải cho các xã huyện Bắc Bình giáp ranh Hàm Thuận Bắc.

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, khuyến khích các hoạt động hợp tác công - tư để chung tay tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả.

Đình Du