Tài nguyên nước

Sóc Trăng: Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước

Lê Hùng 15/10/2024 - 10:57

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã xác định tài nguyên nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Do đó, địa phương đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Chủ động bảo vệ

Sóc Trăng ở vùng hạ lưu sông Hậu, có ba nhánh sông lớn đổ ra Biển Đông, gồm: Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh và có 72km bờ biển. Vào mùa khô những năm gần đây, do lượng mưa ít cộng với lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công chảy về hạn chế đã làm cho mực nước ở nhiều tuyến sông, kênh rạch tỉnh Sóc Trăng hạ thấp, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ngược lại, vào mùa mưa, nước mưa kết hợp triều cường chảy tràn vào các ruộng vườn rửa trôi phân bón và thuốc bảo vệ thực vật làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt ở một số đoạn sông, kênh rạch.

11b.jpg
Tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nhất là vào thời điểm mùa khô hàng năm

"Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ phân bổ nguồn nước theo thứ tự ưu tiên; hạn chế khai thác và phòng ngừa suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; đồng thời, tập trung cải thiện chất lượng nguồn nước mặt tại các sông, kênh rạch; xây dựng và nâng cấp hệ thống các công trình phòng chống hạn, mặn; tăng cường công tác trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển".

Ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng.

Từ thực trạng nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến tài nguyên nước; siết chặt quy trình thẩm định, cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt, nước dưới dất đối với tổ chức, cá nhân theo đúng quy định; đồng thời, triển khai các công trình, dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ngoài việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành các Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng năm, Sở TN&MT thực hiện thu mẫu, đo đạc hiện trường, phân tích các thành phần môi trường như nước mặt lục địa, nước dưới đất nhằm phát hiện nguồn nước khi có dấu hiệu ô nhiễm để kịp thời có giải pháp xử lý. Các số liệu quan trắc hiện nay đã được công bố định kỳ công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT, từ đó, giúp phản ánh, cảnh báo kịp thời tình hình diễn biến môi trường nước mặt cũng như nước dưới đất đến các cơ quan, đơn vị và người dân.

Để góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu dân sinh, nhất là vào thời điểm mùa khô hàng năm, tỉnh Sóc Trăng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý để giảm thất thoát, lãng phí nguồn nước; vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại do nước gây ra cũng như tận dụng tối đa các nguồn nước để phát triển sản xuất.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng cũng thường xuyên kiểm tra, khảo sát hệ thống công trình thủy lợi, trạm bơm để kịp thời duy tu, sửa chữa, nạo vét để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào mùa khô. Còn đối với những khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, Sóc Trăng chủ động xây dựng kế hoạch phân phối nguồn nước cụ thể cho vùng, từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để đảm bảo đủ nước cấp cho sinh hoạt, đặc biệt là trong thời kỳ xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập nghiêm trọng như mùa khô 2023 - 2024 vừa qua.

Kiểm soát chặt chẽ

Ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng sẽ rà soát và hoàn thiện mạng quan trắc tài nguyên nước; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các khu vực và sông, kênh rạch chính nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

11.jpg
Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng thường xuyên quan trắc để kịp thời có biện pháp xử lý khi nguồn nước mặt trên các sông, kênh rạch bị ô nhiễm

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại phân bón vi sinh thay cho các loại phân bón hóa học thông thường; thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn về cách sử dụng phân bón, cách tưới, tiêu và chăm sóc cây trồng cũng như kỹ thuật xử lý chất thải phát sinh trong sinh hoạt và chăn nuôi bằng các bể Biogas. Còn đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh yêu cầu các nhà máy phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường; khuyến khích các cơ sở sản xuất từng bước đổi mới máy móc, đưa vào các công nghệ tiên tiến dùng ít nước; bắt buộc các dự án khi trình phê duyệt phải thực hiện xong hạng mục đánh giá tác động của dự án đến môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.

Riêng đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phải thiết kế và xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt và nước mưa chảy tràn trong quá trình thi công xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động có các công trình xử lý nước thải; đặc biệt, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên phải thực hiện giám sát, quan trắc tự động nước thải đầu ra theo quy định.

Tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, đảm bảo 100% các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất phải có giấy phép; các hộ gia đình khai thác nước dưới đất phải đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định; đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khoan, đào, khai thác nước dưới đất; ngăn ngừa ô nhiễm từ các giếng khoan khai thác dưới đất và tổ chức trám lấp các công trình không còn khai thác, sử dụng để bảo vệ nguồn nước dưới đất; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng sẽ thường xuyên giám sát diễn biến mực nước, chất lượng nước tại một số khu vực khai thác nước chính, các tầng chứa nước ngầm; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất cho tưới, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các khu vực ven biển.

Lê Hùng