Biển đảo

Làm gì để biển xanh như ký ức

Lê Trần Khánh Linh - Địa chỉ: Trường Đại học Quảng Bình (Đồng Hới, Quảng Bình) 15/10/2024 - 10:56

(TN&MT) - Hãy giữ lại màu xanh của biển, bằng cách chung tay giảm thiểu rác thải và phân loại rác hằng ngày. Hãy để bạn bè quốc tế nhớ đến chúng ta như là một đất nước xanh - sạch - đẹp và văn minh, mà không phải là một trong những đất nước đang bị ô nhiễm biển hàng đầu. Hãy để thế hệ tương lai được vui sống mà không phải gồng mình gánh chịu những hậu quả môi trường do một phút tiện lợi của chúng ta...

Biển xanh thời thơ ấu

Từ tấm bé, tôi đã yêu biển như yêu dòng sữa mẹ. Dòng sữa trắng trong nuôi lớn cơ thể tôi, còn biển xanh bồi đắp cho tâm hồn tôi thêm phong phú. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu nghe mẹ kể về biển. Lúc đấy, tôi cứ ngẫm nghĩ, chắc là biển cũng chỉ to hơn cái bể bơi phao của nhà hàng xóm một chút. Và nước biển chắc cũng chỉ cao hơn cái bụng tôi là cùng. Ấy thế mà, khi thực sự đứng trước biển, tôi mới biết mình ngây thơ. Cát vàng óng ánh, mềm mịn, đẹp như tấm lụa satin cao cấp. Thứ cát ấy thơm một hương thơm rất đặc biệt. Tuổi thơ tôi gọi ấy là mùi nắng ấm.

13c.png
Rác thải tấp vào bãi biển Quảng Bình hồi tháng 9/2024

Mẹ cầm chắc tay tôi, dặn dò tôi phải cẩn thận, phải theo sát bên mẹ. Nhưng cái tuổi nghịch ngợm ấy sao mà nghe lời cho được. Tôi nhanh chóng rút tay khỏi lòng bàn tay mẹ. Bàn chân nhỏ bé của tôi bước thoăn thoắt. Tôi dẫm lên cát mềm, háo hức chạy ào về phía biển xanh rộng lớn kia với tâm trạng háo hức yêu thích.

Sẽ không sao nếu biển vẫn luôn rất xanh, sạch và thơ mộng như lần đầu tôi đến... Cho tới một ngày tôi trượt chân ngã khi đang chạy trên bãi cát, một mảnh thủy tinh lớn cắm chặt dưới cát khiến tôi choáng váng, cảm giác "chấn động" vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Tôi sững sờ nhận ra, biển không còn "xanh" như tôi nghĩ. Trong làn nước mát kia đã lẫn vào bao nhiêu rác thải? Dưới bãi cát kia đã vùi bao nhiêu mảnh thủy tinh, kim loại...? Liệu còn bao nhiêu đứa trẻ phải trải qua cảm giác đau như tôi khi phải ngắm nhìn bãi biển tuổi thơ từng rất đẹp, nay lại "giãy giụa" trong ô nhiễm?

Lúc ấy, tôi mới hiểu rằng màu xanh của biển cũng cần được gìn giữ và bảo vệ. Một cú ngã đủ khiến tôi choáng váng, vậy hệ sinh thái với vô vàn sinh vật biển bị mất nhà, bị hành hạ vì nhựa trôi dạt và mắc kẹt trong cơ thể thì sao? Cuộc sống của chúng đã bị đảo lộn nhiều đến nhường nào vì ô nhiễm môi trường biển?

Những con số gây sốc về ô nhiễm môi trường biển

Tình trạng ô nhiễm biển đã báo động từ lâu trên toàn thế giới. Mỗi ngày đều có vô số những bài báo viết về biển trong nguy cơ "hấp hối" đe dọa.

13g.png

Theo tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada), có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương. Trung bình mỗi người dân châu Âu thải ra gần 180kg rác thải bao bì/năm và một nửa trong số đó là đồ nhựa dùng một lần. Ủy viên phụ trách môi trường EU Virginijus Sinkevicius gọi việc rác thải bao bì tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là điều "không thể chấp nhận".

Còn ở châu Mỹ, mỗi ngày có hàng triệu lít nước thải chưa được xử lý chảy qua hẻm núi và đổ ra Thái Bình Dương, ngay phía Nam biên giới Mỹ - Mexico. Những đợt sóng mùa hè từ phía Nam lại đẩy nước biển bị ô nhiễm đi khắp nơi, chủ yếu là tới phía Bắc của Châu Mỹ. Tại California (Mỹ), cư dân sống gần bờ biển cho biết mùi hôi ở đây "giống như bị mắc kẹt trong nhà vệ sinh di động", nồng nặc đến mức đánh thức họ vào ban đêm.

13d.png

Không riêng gì các đại dương ở bên kia bán cầu, ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam cũng đang ở mức báo động đỏ. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018 Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới.

Bộ TN&MT cũng chỉ rõ, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Đáng quan ngại hơn là, loại rác chiếm tỷ trọng nhiều nhất là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi ni lông.

Bảo vệ biển xanh - Bảo vệ tương lai cho nhân loại

Chúng ta chỉ còn tương lai khi và chỉ khi còn biển xanh. Vậy liệu có còn "lời giải" nào cho vấn đề ô nhiễm biển của Việt Nam? Và nếu có thì người dân có tuân thủ và nghiêm túc thực hiện theo được hay không? Tôi nghĩ rằng, chỉ khi mỗi người dân nhận thức được bảo vệ biển xanh là vấn đề sống còn, ảnh hưởng tới thế hệ mai sau thì chúng ta mới thực hiện được các biện pháp một cách nghiêm khắc và quyết liệt.

13k.png

Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bởi vậy, muốn nên việc lớn, muốn giữ được môi trường biển xanh sạch đẹp thì người dân phải là đối tượng đóng vai trò quan trọng. Bằng cách tăng cường hoạt động tuyên truyền và triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta sẽ nâng cao được ý thức của người dân. Đồng thời, cần phải lồng ghép, tích hợp kiến thức về đa dạng sinh học cho học sinh ở các cấp học. Nếu rèn giũa từ bé, các công dân của tương lai chắc chắn sẽ ý thức hơn và hành động vì môi trường biển nhiều hơn.

Ngoài ra, cần phát triển và mở rộng các mô hình sinh kế bền vững dựa biển, bám biển. Cần có các chế tài nghiêm khắc để quản lý và xử phạt mọi hình thức gây tác động xấu đến biển.

13b.png
Biển - thế giới thú vị và kỳ lạ trong tâm hồn trẻ thơ

Ví dụ, theo số liệu Liên hợp quốc vào tháng 1/2024, những năm gần đây, Việt Nam nằm trong số các quốc gia nhập khẩu rác lớn trên thế giới. Việc nhập khẩu rác ấy không xấu, vì nước ta rất cần các loại rác thải, phế liệu như sắt, nhựa, gang, kim loại màu,... để làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, nếu quá trình xử lý rác không tối ưu, mặt trái của nó sẽ gây hệ lụy tới môi trường, trong đó có môi trường biển. Đáng quan ngại hơn, nước từ các nhà máy, khu công nghiệp, khu nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, khu kinh doanh, khu dân cư... chưa qua xử lý, đổ thẳng đi ra sông, biển. Vấn đề này cần phải được chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Cũng cần phải mở rộng việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển, bởi các nước bạn đã có nguồn lực và kinh nghiệm hơn ta rất nhiều trong vấn đề này. Đồng thời, phải tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân chuyển đổi sinh kế...

Hãy giữ lại màu xanh của biển, bằng cách chung tay giảm thiểu rác thải và phân loại rác hằng ngày. Hãy để bạn bè quốc tế nhớ đến chúng ta như là một đất nước xanh, đẹp và văn minh, mà không phải là một trong những đất nước đang bị ô nhiễm biển. Hãy để thế hệ tương lai được vui sống mà không phải gồng mình gánh chịu những hậu quả về môi trường do một phút tiện lợi của chúng ta. Hãy chung tay để trong mỗi tâm hồn trẻ thơ, biển luôn xanh như ký ức.

Lê Trần Khánh Linh - Địa chỉ: Trường Đại học Quảng Bình (Đồng Hới, Quảng Bình)