Sức khỏe

Thái Bình: Đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi sâu vào cuộc sống

Mai Đan (thực hiện) 12/10/2024 - 09:24

(TN&MT) - Trong hơn 10 năm qua, cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Thái Bình đã tăng cường và tập trung thực hiện nhiều hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá với mong muốn đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.

Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ CKII. Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình.

0ab09596-1a8e-4450-93e2-bd9d7e3423b4.jpg
Bác sĩ CKII. Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình

PV: Thưa bà, đã hơn 10 năm kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực. Bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn tỉnh Thái Bình?

BSCKII. Lưu Thị Ánh Tuyết: Hơn 10 năm thực thi Luật PCTHTL, mặc dù có nhiều biến cố do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt mấy năm gần đây tỉnh Thái Bình phải khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 và một số dịch bệnh xu hướng gia tăng trong tình hình mới, nhưng các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các hoạt động về PCTH của thuốc lá.

Năm 2014, Thái Bình đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá của tỉnh và Chỉ thị số 28/CT-UBND về việc tăng cường thực thi Luật PCTHTL. Hàng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTH thuốc lá từ tỉnh đến huyện, xã, phường thị trấn được kiện toàn và bổ sung (1 BCĐ cấp tỉnh, 8 BCĐ cấp huyện, Thành phố, 260 BCĐ cấp xã, phường thị trấn) chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Từ năm 2015, được sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, hoạt động PCTHTL đã đạt được những hiệu quả rõ rệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân. UBND và BCĐ PCTHTL cấp tỉnh đã ban hành 55 văn bản chỉ đạo các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Theo kết quả 2 đợt nghiên cứu khoa học, năm 2015, tỷ lệ hút thuốc nam giới tại cộng đồng là 47,2%, nữ giới 0,5%; đến năm 2018 tỷ lệ ở nam là 45,3% giảm 1,9%, ở nữ là 0,4% giảm 0,1%.

Kết quả các đợt giám sát hàng năm, số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn cho thấy, số người vi phạm hút thuốc lá tại các điểm có quy định cấm hút thuốc rất ít. Hiện nay, trên các xe chở khách các tuyến của Thái Bình, không có hiện tượng hút thuốc. Tại các cơ quan, công sở, đơn vị y tế, trường học, hiện tượng hút thuốc công khai cũng rất ít... Đặc biệt, những địa phương trồng nhiều cây thuốc lào như Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Thái Thuỵ..., đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các cây ăn quả và cây gia vị thay thế cây thuốc lào.

PV: Xin bác sĩ cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã tham mưu Sở Y tế triển khai các hoạt động gì để góp phần thay đổi suy nghĩ, nhận thức trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của người dân trên địa bàn tỉnh?

BSCKII. Lưu Thị Ánh Tuyết: Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PCTH thuốc lá với những mục tiêu và hoạt động cụ thể. Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương của 8/8 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến nay, tại Thái Bình đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, cán bộ đầu mối để triển khai các hoạt động PCTH thuốc lá ngày càng đồng bộ và hiệu quả.

87dfa327-3e5a-4f97-b051-cadb083bb0c0.jpg
Kiểm tra, giám sát liên ngành về thực thi Luật PCTH của thuốc lá tại trường học

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCTHTL của tỉnh phối hợp với các cấp, sở, ngành, tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi... triển khai các hoạt động PCTHTL.

Những hoạt động gồm: Tổ chức sự kiện mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc 25-31/5, Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên mạng lưới hoạt động PCTH thuốc lá; tổ chức sự kiện Văn hóa: Tổ chức hình thức sân khấu hoá biểu diễn tại cộng đồng nhân các buổi giao lưu về “Làng văn hoá – sức khoẻ”; sự kiện Thể thao: Khiêu vũ Thể thao không khói thuốc tại 16 trường học năm 2019 -2020; Dân vũ không khói thuốc ở 16 xã tại cộng đồng năm 2021-2022; Sự kiện Du lịch: Sự kiện du lịch Lễ hội chùa Keo không khói thuốc năm 2022.

Ngoài ra còn có các hoạt động: Thi tuyên truyền viên giỏi về PCTH thuốc lá năm 2018 tại Ngành Y tế, năm 2023 tại 55 trường học; phối hợp với trường học tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, ngoại khoá; nói chuyện chuyên đề tại trường học, cộng đồng; tuyên truyền lưu động; tập huấn, vận động nông dân các hộ gia đình trồng cây thuốc lào chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phối hợp liên ngành thanh kiểm tra, giám sát thực thi Luật PCTHTL và xây dựng “Môi trường không khói thuốc”; sản xuất, cấp phát tài liệu, biển “Cấm hút thuốc”; cung cấp thông điệp truyền thông qua Bản tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - Bản tin sức khoẻ Thái Bình - Website của các sở, ngành, đơn vị - qua hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thành phố, Đài Phát thanh xã, phường - Báo Thái Bình và báo khác...

Cùng với đó là các hoạt động: Tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hàng năm giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh; phối hợp tuyên truyền thực thi Luật PCTHTL với thực thi Luật PCTH của rượu, bia và phối hợp trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là việc xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình văn hoá... Triển khai các hình thức tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại cơ sở y tế, giới thiệu dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá khu vực phía Bắc... dựa trên hệ thống y tế.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 28/6/2023 thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTHTL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh.

Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, chính quyền, tổ chức đoàn thể, cộng đồng về PCTHTL, từng bước xây dựng môi trường không khói thuốc tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng của tỉnh.

PV: Thưa bà, bà có thể chia sẻ những mô hình điểm trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh?

BSCKII. Lưu Thị Ánh Tuyết: Thái Bình chú trọng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Ngành Y tế, Ngành Giáo dục, Ngành Giao thông... để triển khai mô hình điểm về PCTHTL tại cơ sở y tế, trường học, bến xe, khu dân cư...

ba6842b5-96ef-4429-abed-49f296a84109.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn cho y tế thôn về tư vấn cai nghiện thuốc lá

Tại cơ quan, ban ngành, địa phương đã tổ chức ký cam kết thực hiện “Môi trường không khói thuốc” theo mô hình điểm và nhân rộng trên địa bàn quản lý như: Bệnh viện không khói thuốc; Trường học không khói thuốc; Bến xe không khói thuốc...; ban hành hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố quy định về việc thực hiện Luật PCTH của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá...

Từ năm 2020-2023 đã xây dựng điểm tại 29 trường học, 22 cơ sở y tế, 3 bến xe khách về môi trường không khói thuốc lá.

Kết quả giám sát giai đoạn 2015-2023, tại cơ sở y tế (Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế, Phòng khám tư nhân…) có 619/678, tương đương 91,2% đơn vị thực hiện tốt quy định về PCTHTL; tại trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT; trường liên cấp; Trung tâm Giáo dục thường xuyên) có 696/724, tương đương 96,1% trường học thực hiện tốt quy định về PCTHTL; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em có 73/76, tương đương 96% cơ sở thực hiện tốt quy định về PCTHTL; công ty xe buýt, xe khách có 54/62, tương đương 87,09% cơ sở thực hiện tốt quy định về PCTHTL.

PV: Theo bác sĩ, đâu là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định thành công trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá?

BSCKII. Lưu Thị Ánh Tuyết: Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần xác định PCTHCTL là hoạt động phải được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí của Quỹ PCTHTL- Bộ Y tế, sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo PCTHTL các cấp, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị để triển khai các giải pháp theo Kế hoạch PCTHCTL của tỉnh hàng năm.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là việc thực hiện không hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc.

Thứ ba, tiếp tục đưa nội dung PCTHCTL vào quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị, nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc gương mẫu thực hiện không hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; đưa việc hạn chế hoặc cấm hút thuốc lá tại lễ hội, đám cưới, đám tang vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; gắn với các phong trào thi đua; có lộ trình từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây hoa màu khác ở địa phương trồng cây thuốc lá.

Thứ tư, Ngành Y tế tăng cường thực hiện Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 28/5/2013 tăng cường thực thi quy định của Luật PCTHTL trong ngành y tế, tăng cường công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh tại cơ sở y tế... Ngành Giáo dục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 6036/CT-BGDĐT ngày 17/12/2014, đồng thời đưa các nội dung PCTHTL vào giảng dạy các môn học và ngoại khóa ở các trường học theo các Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2022, Quyết định số 3974/QĐ-BGDĐT ngày 1/12/2022, Quyết định số 3900/QĐ-BGDĐT ngày 17/11/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ năm, kịp thời nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường không khói thuốc, cai nghiện thuốc lá thành công... trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả những trường hợp vi phạm pháp luật về PCTHTL cần được xử lý, răn đe phù hợp.

Thứ sáu, tăng cường vai trò Đoàn Kiểm tra, giám sát liên ngành của tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định của Luật PCTHTL, nhất là việc thực hiện các quy định về quyền, nghĩa vụ công dân trong thực thi Luật, nghĩa vụ người hút thuốc lá, cấm trưng bày, bán thuốc lá, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tài trợ; ngăn ngừa việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

PV: Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào đời sống và tăng hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá, bà kiến nghị các giải pháp gì, thưa bà?

BSCKII. Lưu Thị Ánh Tuyết: Ban Chỉ đạo PCTHTL các cấp tiếp tục tăng cường chỉ đạo các hoạt động PCTHTL tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị.

a46e4cb3-529e-4aba-8a45-2a53e1e9598b.jpg
Hội thi chung kết tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trường học tỉnh Thái Bình năm 2023

Đồng thời, duy trì và tăng cường các biện pháp nâng cao năng lực cho cộng tác viên, tuyên truyền viên của mạng lưới, tăng cường tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...), các văn bản pháp luật về PCTHTL, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hướng dẫn cai thuốc lá... bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, Facebook, Zalo, Tiktok...

Hơn nữa, phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị, địa phương, khu dân cư... trong tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn, thanh niên, hội viên các tổ chức hội, tổng phụ trách Đội, người dân... ký cam kết xây dựng môi trường không khói thuốc lá, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tại Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược PCTHTL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhân rộng các mô hình điểm về xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại cơ quan, trường học, khu dân cư, nơi công cộng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện nghiên cứu khoa học đánh giá kết quả PCTHTL của tỉnh Thái Bình năm 2024 để có số liệu báo cáo, đề xuất các giải pháp phù hợp cho công tác PCTHTL của tỉnh giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTHTL, phối hợp với Ngành Công thương và các ngành, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng thuốc lá, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt những hành vi vi phạm Luật PCTHTL như: hút thuốc lá không đúng nơi quy định, nhận quảng cáo, tài trợ của các công ty thuốc lá, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Đan (thực hiện)