Thông tin cần biết

EVN: Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%

Nguyễn Hiền 11/10/2024 - 20:56

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ hôm nay (ngày 11/10).

Theo đó giá bán lẻ điện bình quân tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh. Mức tăng giá này, theo đại diện EVN, là để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Cụ thể: giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh.

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân và thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11 tháng 10 năm 2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

z5919857486238_4d5511a5fce73f4fd9fc17f390f8e431.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Trước đó, ngày 10/10, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện và phụ trợ, quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

duong-day-500kv.jpg
Đường dây 500kv mạch 3

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Cơ sở tăng giá điện là theo Quyết định 05 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, mức tăng sẽ cao hơn nhưng Chính phủ đã thực hiện cân đối hài hòa, giảm thiểu ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và nền kinh tế. Do vậy, với khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200kWh/tháng trở xuống có 17,4 triệu hộ (31%), thì mỗi tháng sẽ tăng thêm là 13.800 đồng/tháng. Mức sử dụng điện trên 200 - 300 kWh/tháng, tăng bình quân 32.000 đồng; với hộ sử dụng điện từ 300 - 400 kWh/tháng, mức tăng thêm là 47.000 đồng; các hộ sử dụng từ 400 kWhtrở lên là 62.000 đồng. Trả lời về việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI) như thế nào, ông Nam cho biết, sau khi tăng giá điện lần này, CPI sẽ tăng khoảng 0,04%. Đây là mức thấp nhất đã được Chính phủ và các Bộ, ngành cân đối.

z5777776019009_b5ff02534639004bfb04908ca0f6ba53_29082024131632_37(1).jpg
Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

Về tăng giá điện lần này có ảnh hưởng nhiều đến các hộ nghèo hay không, theo ông Nam cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Chi tiết QĐ 2699 xem tại đây QĐ2699

Năm 2023, giá điện có 2 lần điều chỉnh, trong đó ngày 4/5/2023 giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% và ngày 9/11/2023 giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,5%.

Nguyễn Hiền