Đồng Nai: Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023
(TN&MT) - Ngày 11/10, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại Đồng Nai.
Dự Hội nghị có ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; lãnh đạo, báo cáo viên các phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo phòng chuyên môn các sở, ban, ngành; đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên phòng TN&MT các huyện, thành phố; đại diện Lãnh đạo UBND cấp xã; đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia của Cục Quản lý tài nguyên nước truyền đạt một số nội dung, gồm: Tổng quan những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Tổng quan về những điểm mới của Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.
Giới thiệu tổng quan về Luật và những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023, bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Mê Công, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).
Trong đó, nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh gồm: Ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định Luật quy hoạch và Luật Tài nguyên nước; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh;
Ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TN&MT công bố ; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Chỉ đạo Sở TN&MT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác tài nguyên nước; Thanh tra tài nguyên nước, kiểm tra tài nguyên nước;…
UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước gồm: Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện kê khai khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt (khoản 4, Điều 52, Luật Tài nguyên nước). Việc kê khai thực hiện từ 01/7/2026 (khoản 4, Điều 85 Luật Tài nguyên nước).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thực hiện đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô nhỏ và vừa (khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP). Hoàn thành thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày 30/6/2026 (trường hợp đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ) và trước 30/6/2027 (đối với công trình thủy lợi đã xây dựng, khai thác trước 01/01/2013 và công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nếu chưa có giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật tài nguyên nước 2023 và quy định của giấy phép.
Giới thiệu về những điểm mới của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP và Thông tư 04/2024/TT-BTNMT, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng quản lý lưu vực sông Nam Trung Bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Nghị định 54 quy định về cấp phép như việc xử lý các hành vi vi phạm không có giấy phép thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước (thực hiện độc lập với quá trình cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước).
Trên cơ sở những nội dung được trình bày tại Hội nghị, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thực hiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.