Tài nguyên nước

Lạng Sơn: Bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên nước ngầm

Hoàng Nghĩa 11/10/2024 - 07:34

(TN&MT) - Là địa phương có tài nguyên nước dưới đất khá phong phú, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước ngầm (nước dưới đất), phòng chống nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Cần tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng nước ngầm

Theo phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là trên 530.000 m3/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất là hơn 1,7 triệu m3/ngày; tổng lượng bổ cập nước dưới đất đạt trên 1,1 triệu m3/ngày.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có gần 60 trạm bơm nước ngầm, giếng khoan cấp nước với tổng lưu lượng nước được cấp phép khai thác là hơn 24.400 m3/ngày/đêm. Nhìn chung, chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đảm bảo phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội, từ năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Điều tra, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất với diện tích trên 124.000 km2 thuộc 4 vùng, 159 khu vực hạn chế.

Phê duyệt danh mục 55 vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; phê duyệt phạm vi 59 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân trước khi khai thác phải nghiên cứu, đánh giá chi tiết đặc điểm, mức độ đáp ứng của tầng chứa nước cho từng quy mô khai thác. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Ông Bành Văn Dân - Trưởng phòng TN&MT huyện Văn Quan cho biết: những năm qua, Phòng TN&MT đã tham mưu UBND huyện chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác nguồn nước dưới đất; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn hiện tượng người dân khoan giếng nhưng không đăng ký khai thác với cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã kiểm tra, xử lý 3 trường hợp vi phạm…

Ông H. V. T, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan cho biết, giếng khoan nhà tôi được dùng để sinh hoạt và tưới tiêu mảnh vườn nhỏ của gia đình thôi, không sản xuất, kinh doanh gì. Trước đây, gia đình cũng không nắm được quy định là phải đăng ký khai thác mới được dùng, vì giếng trên đất vườn của nhà nên tôi nghĩ cứ làm thôi. Vừa qua, được cán bộ tuyên truyền, nhắc nhở, tôi đã lập hồ sơ để thực hiện đăng ký khai thác nước ngầm theo quy định.

anh-tnn-1.jpg
Lạng Sơn hiện có gần 50 giấy phép khai thác nước dưới đất còn hiệu lực, đã cấp gần 30 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất...

Lạng Sơn hiện có 4 giấy phép thăm dò nước dưới đất; gần 50 giấy phép khai thác nước dưới đất còn hiệu lực; đã cấp gần 30 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Từ năm 2023 đến nay, Sở TN&MT đã thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước gần 20 đơn vị; phát hiện, xử phạt hành chính 1 đơn vị với số tiền 40 triệu đồng.

Chấn chỉnh, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, việc người dân tự ý khoan giếng mà không đăng ký với cơ quan chức năng vẫn xảy ra tại các huyện, thành phố. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc phải chấp hành nghiêm các quy định, tự ý khoan giếng để sử dụng, nhất là tại khu vực nông thôn… Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng chưa có số liệu thống kê cụ thể về các công trình giếng khoan. Chế tài xử phạt vi phạm với hành vi này chưa cao, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa suy thoái vùng cấp nước dưới đất, hàng năm, Sở TN&MT đã ban hành văn bản gửi các địa phương yêu cầu thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Rà soát các đối tượng khai thác, sử dụng nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn thuộc đối tượng cấp phép, đăng ký khai thác nước dưới đất.

Qua tổng hợp từ các địa phương, UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước. Các lỗi vi phạm được phát hiện chủ yếu là không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định; không thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô, thời gian dự kiến thi công công trình khoan nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định...

Hiện nay, Sở TN&MT đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giám sát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước như các khu công nghiệp, làng nghề, khu vực tuyển khoáng, khu đông dân dư, khu chôn lấp chất thải, nghĩa trang, bãi rác… nếu phát hiện cần có biện pháp di dời, phòng ngừa ô nhiễm.

anh-tnn-2.jpg
Tỉnh Lạng Sơn đã khoanh định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình, tiếp tục giám sát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước dưới đất. Khoanh định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Tăng cường trách nhiệm của các hộ khai thác nước, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước dưới đất... Đồng thời, triển khai thu phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước dưới đất theo đúng quy định.

Hoàng Nghĩa