Bình Định: Nỗ lực quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, khoáng sản
Xác định việc quản lý Nhà trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự phát triển ổn định và bền vững của địa phương nên trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành TN&MT Bình Định đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có liên quan và đã thu được những kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Định, 9 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ; nhất là việc lập, phê duyệt quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản.
Đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành 21 Giấy phép khai thác khoáng, 4 Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác; 5 Bản xác nhận Khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình, 1 Bản xác nhận điều chỉnh, bổ sung nội dung; 7 Giấy phép gia hạn khai thác; 4 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 13 Quyết định phê duyệt trữ lượng; 28 Quyết định phê duyệt đề án và đóng cửa mỏ khoáng và 1 Quyết định trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản.
Đồng thời, phê duyệt bổ sung 10 khu vực đất san lấp, 1 khu vực mỏ cát được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông, khu dân cư, công trình thủy lợi) và 3 Khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản bổ sung vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh tại Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 09/7/2015 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, trình UBND tỉnh ban hành 11 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải nộp năm 2024 hơn 6,15 tỷ đồng. Xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp năm 2024 gửi Cục Thuế tỉnh để ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 42 doanh nghiệp với tổng số tiền phải nộp hơn 26,4 tỷ đồng.
Trong công tác thống kê kiểm kê trữ lượng khoáng sản, Sở TN&MT đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản để kiểm tra, đối chiếu sản lượng khai thác trong năm. Để tránh thất thoát, thất thu nguồn tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Bình Định cũng chủ động phối hợp Cục thuế tỉnh Bình Định cung cấp thông tin tình hình thực hiện nghĩa vụ nhà nước và sản lượng kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp năm 2023 và yêu cầu 8 doanh nghiệp phải thực hiện kê khai bổ sung thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo báo cáo thống kê kiểm kê đã nộp.
Một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực ngành TN&MT Bình Định 9 tháng đầu năm là việc đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án, công trình trọng điểm. Đến nay, UBND tỉnh đã xác nhận 17 hồ sơ đăng ký khai thác đất với tổng trữ lượng 13,3 triệu m3 và 7 hồ sơ đăng ký khai thác cát xây dựng với tổng trữ lượng 1,68 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng ban hành các văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các mỏ vật liệu đã cấp cho các nhà thầu để phục vụ thi công các Dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua tỉnh Bình Định đảm bảo đúng mục đích phục vụ thi công công trình; theo dõi, giám sát hoạt động khai thác mỏ và vận chuyển vật liệu của các đơn vị thi công theo nội dung bản xác nhận đăng ký khai thác và định kỳ hàng quý, báo cáo khối lượng khai thác của các nhà thầu cho Sở để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan Trung ương theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản, thống kê kiểm kê trữ lượng khoáng sản được tiếp tục tăng cường. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh một số tồn tại của các doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Nhờ vậy, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường của tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 rất quan trọng, Sở TN&MT đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương kiểm tra các khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản và đề xuất thu hồi giấy phép không triển khai, gây ô nhiễm môi trường và các vi phạm theo quy định. Kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp kịp thời đóng cửa mỏ khi kết thúc khai thác.Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; tham mưu đề xuất các bãi thải của các dự án. Xử lý vi phạm hành chính theo kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra kiểm tra hoạt động khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam theo chỉ đạo của UBND tỉnh.