Xã hội

Hà Nội của ta

Nhà thơ Anh Ngọc 10/10/2024 - 10:20

(TN&MT) - 70 năm với một đời người là một cái mốc khổng lồ - nó như một bài văn đã làm xong cả phần mở đề lẫn thân bài, chỉ còn đợi thêm thắt vài câu kết luận véo von như đeo nốt cái hoa tai nữa là hạ dấu chấm được! Vâng, 70 năm dài lắm chứ, dài hun hút như bản quyết toán thu chi của cả một đời người với hàng ngàn vạn con số cộng, trừ, nhân chia, được mất, buồn vui, sướng khổ, nước mắt và nụ cười…

Thế rồi từ một cuộc đời của một con người là chính ta, ta suy ra sự sống còn của cả một thành phố, không, cả một Đại thành phố - Thủ Đô - trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa… của cả một quốc gia nay đã ngót ngét 100 triệu dân…, thì 70 năm tồn tại ấy trong vòng tay của một đất nước độc lập, tự do… là dài hay ngắn đây?

screenshot_1728459741.jpg

Thưa, nói ngắn thì cũng rất ngắn!

Vào cái mùa Thu năm 1954 ấy, những người Hà Nội từng có mặt ở thành phố này, mà nay cỡ trên dưới 80 tuổi, dường như chẳng ai quên nổi những hình ảnh cuối cùng khi những tên lính viễn chinh Pháp kéo nhau về phía cầu Long Biên, leo lên xe tải bịt bùng, hướng về Hải Phòng, để rồi lên tàu há mồm dông thẳng ra Biển Đông, giơ tay chào “vĩnh biệt” chứ không phải “tạm biệt” cái xứ sở mà họ đã cay cú lăn xả vào hòng nuốt chửng nhưng đã bị đánh bật ra không cách gì bám nổi…

Trong những buổi chiều lang thang trên các dãy phố cũ xưa của Hà Nội, còn nhớ có lần tôi được ngồi tào lao quán cóc với một cụ già đã trải qua cảnh ấy. Trong câu chuyện của cụ, tất cả đều tươi rói như thể chúng vừa diễn ra năm ngoái, năm kia gì đó thôi… Lại có lần tôi ngồi đối diện với một người - không biết nên gọi là gì đây - vì trông vị ấy rất trẻ và rất khỏe. Ấy thế mà một lúc sau, cái “ông anh” ấy đã làm tôi trố mắt khi bảo rằng mình sinh đúng ngày Giải phóng Thủ đô!!!

Vâng, với sự tồn tại của một thành phố thì 70 năm ngắn thế đấy bạn ạ!

Nhưng, nói dài thì nó cũng dài khủng khiếp luôn!

Này nhé….

Vào cái ngày 10/10/1954 ấy, khi từ các phía cửa ô ở phía Tây và Tây Bắc thành phố Hà Nội xuất hiện những anh Bộ đội Cụ Hồ áo quần xanh sắc lá cây rừng và trên vành mũ vẫn phất phơ cành lá ngụy trang, những người con của Trung đoàn Thủ Đô ngày nào rời Hà Nội ra đi trong đêm tối, vượt cái giá rét cắt ruột của mùa đông năm 1946, với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giờ đây đang rầm rập bước đi trong tiếng ca vang lừng “Tiến về Hà Nội”. Những người dân Hà Nội bao năm sống âm thầm trong bóng đêm của thành phố bị ngoại xâm chiếm đóng đã đón các anh bằng tất cả những gì đẹp nhất mình có được, từ những tà áo dài trắng nuột nà của các cô thiếu nữ Hà Thành thanh lịch, đến những bó hoa tươi thắm vừa hái từ vườn nhà hay mua vội ở chợ Đồng Xuân…

Tiếp đó là một khoảng lặng kéo dài non mười năm giữa hai cuộc chiến tranh, một khoảng lặng mà thực chất không một phút bình yên. Hà Nội những ngày hòa bình ngắn ngủi ấy là trăm công ngàn việc của Thủ đô một đất nước tạm thời bị chia cắt.

Vâng, dài lắm chứ, những ngày Hà Nội và miền Bắc vừa lo tiến hành công cuộc dựng xây đời sống và xã hội mới, vừa dồn sức lực cho một cuộc chiến tranh đang nóng bỏng ở phía Nam sông Bến Hải.

Là người có mặt ở Hà Nội những năm đầu thập kỷ 60, tôi đã nghe ra cái âm thanh thì thầm trong lòng mỗi người dân Hà Nội đang luôn hướng ra chiến trường, đang gắng hết sức mỗi người làm việc bằng hai, lo toan bằng hai, căm giận bằng hai và yêu thương cũng bằng hai…

screenshot_1728460281.jpg

Người Hà Nội đã bắt đầu nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rít trên đầu. Và lúc lúc, từ nóc Nhà hát Lớn lại vang lên tiếng còi báo động, tiếng loa phóng thanh nhắc đồng bào xuống hầm, và rồi tiếng pháo cao xạ rền vang, đêm đêm, đạn vạch đường bay như vạn ánh sao sa…

Người Hà Nội chia thành nhiều ngả, trẻ em, người già sơ tán về nông thôn, ngả lên đường vào Nam trực tiếp chiến đấu cùng miền Nam ruột thịt, ngả ở lại bám cơ sở sản xuất, xây dựng, nhưng cây súng không một phút rời tay…

Những khẩu pháo cao xạ loại nhỏ được đưa lên tầng thượng các nhà máy và trường học, các tay súng trường dân quân tự vệ nhằm thẳng máy bay địch… Hà Nội ngày đó là một lưới lửa phòng không dày đặc và kỳ lạ hiếm có trong thế kỷ hai mươi.

Và đúng như lời tiên đoán thiên tài của Bác Hồ, khi bọn hiếu chiến ngày ấy quyết leo đến nấc thang tận cùng của tội ác thì chúng cũng không ngờ đã dâng cho lịch sử hào hùng của dân tộc ta thêm một cụm từ bất hủ - “Trận Điện Biên Phủ trên không”.

May sao, đúng hai mươi năm, đến năm thứ 21, tức mùa Xuân năm 1975, cả nước ta đã thu về một mối. Hòa Bình và Thống Nhất cùng dắt tay nhau về gõ cửa mỗi căn nhà người Việt! Hạnh phúc thay, vượt lên muôn ngàn máu lệ, cả nước ta, và Hà Nội, trái tim của Tổ quốc thống nhất đã bước sang một kỷ nguyên mới từ ngày 30/4/1975!

Vâng, rốt cuộc thì thời gian đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: 20 năm chiến tranh và chia cắt đã lùi xa, lùi sâu vào dĩ vãng…

Gần 50 năm trở lại nhịp sống hòa bình, người Hà Nội bước vào thời kỳ dựng xây và đổi mới hôm nay! Câu chuyện 50 năm dựng xây và đổi mới của Hà Nội dù viết cả cuốn sách hay nhiều cuốn sách chưa chắc đã nói hết, với một bài báo, chỉ xin được chấm phá thêm vài nét…

screenshot_1728460041.jpg

Có lẽ ví dụ điển hình nhất bao giờ cũng phải được xác thực từ chính mắt mình, tai mình… và lắng nghe chính trái tim mình. Thì như tôi đây: Khi tôi rời làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng để vào sống ở phố Nhà Binh (bây giờ tôi đã chuyển sang tòa chung cư cao cấp khác), tức là vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, khi ấy đất nước còn chìm trong gian nan thiếu thốn. Cho đến lúc này, sau hơn 40 năm có dịp trở lại thăm bà con chòm xóm cũ, thì tất cả nhà cửa tranh tre nứa lá ngày nào đã bê tông hóa và đều nhất tề vươn lên chót vót tận tầng 4 tầng 5…

Bạn sẽ nói sao về sự thay đổi này của Hà Nội? Tôi biết sẽ có khen và cũng có chê. Nhưng nhất định so với cái ngày tôi nằm trong căn nhà lợp giấy dầu, hơi mưa một tý là lấy chậu thau, xoong nồi bày ra khắp nơi để hứng dột… thì nhất định tôi xin được bỏ phiếu cho ngày hôm nay! Không thể khác! Và tôi tin, bạn cũng thế thôi. Bởi 50 năm, trong hòa bình, xây dựng, Hà Nội đã thực sự làm một cuộc lột xác ngoài sức tưởng tượng!

Minh họa cho điều này chẳng có cách nào hơn là cứ hỏi những ai đã đi xa Hà Nội từ lâu lâu một chút và nay quay về Hà Nội, nếu họ không lạc đường và tìm đường chí chết thì tôi xin bái phục!

Nhưng, như ta vẫn nói: Hạnh phúc là một đường chân trời, luôn nằm ở phía trước chúng ta và ta càng đi tới nó càng lùi dần…, chính vì thế, công cuộc tiến lên hạnh phúc của loài người, của người Hà Nội chúng ta, mãi mãi là một cuộc phấn đấu không ngưng nghỉ, mãi mãi vươn tới theo tiếng gọi của chân trời phía trước!

Tôi đã làm cái việc liều lĩnh là đem câu chuyện của 70 năm của cả một thành phố từng trải qua những biến thiên dâu bể bậc nhất trên đời… để gói lại trong mấy ngàn chữ! Một việc bất khả thi mà chỉ có trái tim quá yêu thương mới dám nhận về mình!

Để kết thúc bài viết về Hà Nội của ta, lại chỉ có cách nhờ thơ nói hộ lòng mình. Ấy là mấy câu thơ kết trong bài thơ “Hà Nội trong không gian và thời gian” mà tôi viết từ thuở đất nước còn chìm trong bom đạn, và từ một nơi xa Hà Nội hàng mấy trăm cây số, tôi đã gửi về Hà Nội cả niềm thương yêu sâu nặng và tin tưởng vô bờ của mình:

“Hà Nội ơi,

Em ở khắp nơi nơi,

Trang sách mở hay em là biển lớn,

Là vô biên, em cũng là vô hạn,

Trong đạn bom ta đã hiểu em,

Ta có em rồi, ta vẫn hãy đi tìm…

Rồi trên đống tro tàn của thời gian mục nát

Em vẫn đứng và hiên ngang ca hát”!

Nhà thơ Anh Ngọc