Môi trường

Những người giữ “đất lành” cho Voọc

Lan Anh 10/10/2024 - 10:19

(TN&MT) - Hơn 10 năm qua, không quản ngại nắng mưa, đường sá vất vả, những đôi chân của Nhóm tiên phong bảo vệ Voọc chà vá chân xám đã đi khắp núi rừng Tam Mỹ Tây (Quảng Nam) để âm thầm bảo vệ loài động vật quý hiếm này khỏi sự truy đuổi của các thợ săn. Họ gắn bó với công việc bảo tồn một cách tự nguyện bằng cả tấm lòng vì tình yêu với con “dộc”, với cánh rừng gắn bó từ tuổi thơ...

Tình yêu với loài thú “hiền khô”

7h sáng khi mặt trời đã nhô khỏi đỉnh đồi, tôi theo chân Nhóm tiên phong bảo vệ Voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây bắt đầu công việc tuần tra định kỳ hàng tháng. Họ mang theo nước uống, thức ăn và cây rựa lên xe máy rời nhà. Vượt quãng đường gần 2km ngoằn nghèo đầy đá và bùn đất nhão nhoét sau trận mưa đêm, cả đoàn dừng lại, bỏ xe ngoài bìa rừng keo để bắt đầu đi bộ đến núi Hòn Dồ. Đó là nơi ghi nhận có nhiều Voọc chà vá chân xám sinh sống, bên cạnh những hòn Dương Bông, hòn Ông, hòn Dương Bản Lầu.

tam-my-tauy7-copy.jpg
Những "người hùng" thầm lặng của đàn Voọc ở Tam Mỹ Tây

Chưa kịp để tôi “hoàn hồn”, chú Võ Ngọc Danh (65 tuổi) - một trong những thành viên đầu tiên của nhóm hồ hởi kể, Voọc xuất hiện tại khu vực rừng núi ở Tam Mỹ Tây từ khá lâu, hơn hai mươi năm trước, những người dân đi làm rẫy thỉnh thoảng vẫn bắt gặp chúng. Bà con “gọi đại” là con dộc để phân biệt với khỉ. Điều đặc biệt là không giống như những loài thú hoang dã thường phá hoại cây trồng, loài vật này “hiền khô” và sống có “tôn ti trật tự” theo bầy nên người dân rất thương.

“Hồi đó rừng già còn nhiều, chúng dạn người lắm. Cứ tầm 2h chiều, chúng ra ngồi cả đàn, đứa thì ngồi vắt vẻo, đứa thì lộn nhào qua lại nhìn rất vui mắt. Thế nhưng, có một dạo nạn săn bắt thú rừng diễn ra khá phức tạp, số lượng Voọc bắt đầu giảm dần. Lúc ấy trong lòng mình thấy thương cho những con vật hiền lành thế là cùng nhau bảo vệ chứ không ai biết nó quý hiếm” - chú Danh nhớ lại.

Thời điểm mang tính chất bước ngoặt đối với người dân Tam Mỹ Tây nói chung và những người vẫn ngày đêm âm thầm bảo vệ đàn Voọc nói riêng là năm 2017, khi Green Việt vào đây để nghiên cứu về loài vật này theo đề nghị của ngành Kiểm lâm. Và điều khiến cho tất cả vỡ òa ngạc nhiên, loài vật bấy lâu nay người dân ra sức giữ gìn chính là loài Voọc chà vá chân xám - một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thuộc danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Con đường từ bìa rừng keo vào đến rừng già cũng không dài nhưng khó đi vì toàn đồi núi dựng đứng. Trước khi đi sâu vào rừng già, chúng tôi đến chòi canh Voọc, được dựng lên trên chính mảnh đất trồng keo của chú Danh tự nguyện hiến, bởi đây là nơi quan sát được toàn bộ khu vực Hòn Dồ.

“Voọc thường ra ăn vào các thời điểm mát trong ngày là 5 - 8h sáng và khoảng 4 - 6h chiều. Voọc nó ăn nhiều loại lá nhưng khoái nhất là lá mơ, còn con cái trong kỳ sinh đẻ hoặc con non thì rất thích ăn lá sâm đất. Nó cũng chỉ chọn ăn quả già chứ không ăn quả chín nẫu vì sợ đau bụng. Mỗi đàn Voọc chà vá chân xám có 1 con đực đầu đàn. Voọc đầu đàn tướng tá to, mặt oai và luôn ngồi ở vị trí cao nhất để quan sát, chăm lo cho cả đàn. Mà chỉ có con đực đầu đàn mới được giao phối với các con cái trong đàn thôi”. Nghe câu chuyện của chú Danh, đôi lần tôi giật mình bởi như đang nghe tập tính của loài Voọc từ một nhà bảo tồn.

Truyền cảm hứng cho cộng đồng

Mải mê với câu chuyện của chú Danh mà tôi đã đặt chân đến “lãnh địa” của Voọc chà vá chân xám từ lúc nào không hay. Trên lối mòn dẫn sâu vào hốc núi ở Hòn Dồ có vết phân, nước tiểu và nước dãi của voọc. Anh Huỳnh Công Phương - nhóm phó nói với tôi: “Đó không đơn thuần là chất thải mà còn là cách để Voọc phòng vệ trước sự xâm hại từ bên ngoài. Con người vô tình hít phải mùi chất thải này thường dễ hắt hơi - vô tình trở thành tín hiệu cảnh báo có kẻ lạ “đột nhập” vào địa bàn, thế là Voọc tự biết cách lẩn trốn”.

tammytay1-copy.jpg
Voọc chà vá chân xám quý hiếm khu vực rừng núi Tam Mỹ Tây. Ảnh: Nguyễn Văn Linh/Green Việt

Anh Phương cho biết, hiện nay Nhóm tiên phong bảo vệ Voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây có 18 thành viên, trong đó có 10 thành viên nòng cốt. Theo lịch trình, mỗi tháng sẽ có một tổ của nhóm đi tuần tra từ 7 giờ sáng đến hơn 6 giờ chiều. Nếu người dân phát hiện những hoạt động của lâm tặc và báo tin thì nhóm cũng sẵn sàng lên đường bất kể giờ giấc.

“Công việc vất vả như vậy tại sao anh vẫn theo đến tận bây giờ” - tôi gặng hỏi.

“Khó khăn thì nhiều thật đó, “cơm nhà áo vợ”, cực lắm chứ, nhưng mấy lần đưa các đoàn chuyên gia qua đây nghiên cứu có những người họ 70 - 80 tuổi mà họ vẫn rất xốc vác, nhiệt tình, họ yêu loài vật như vậy, thậm chí khi gặp con ếch, con nhái họ cũng dừng lại để chúng đi qua thì mới đi tiếp. Nhìn họ vậy thì mắc chi anh em mình không cố gắng bỏ thêm chút công sức để bảo vệ chúng, giữ rừng quê hương” - anh Phương chia sẻ.

Không chỉ là những người bảo vệ Voọc trên những cánh rừng, những thành viên của nhóm còn là những tuyên truyền viên tích cực với cộng đồng về việc phải bảo vệ loài vật quý hiếm này. Nhờ đó, những người dân đã hiểu rõ hơn và đều ủng hộ việc bảo vệ loài Voọc của địa phương.

Băn khoăn chuyện bảo tồn

Quần thể Voọc ở Tam Mỹ Tây đang sinh trưởng và tăng số lượng cá thể, tính đa dạng loài được ghi nhận và phát hiện nhiều hơn trước đây là những đền đáp xứng đáng với sự kiên trì của nhóm. “Chúng tôi đếm được quần thể voọc ở Hòn Dồ từ 23 con vào năm 2017, đến nay đã tăng lên khoảng 77, 78 con, đó là tín hiệu tốt”, chú Danh nói.

Quần thể Voọc ở Tam Mỹ Tây đang sinh trưởng và tăng số lượng cá thể, tính đa dạng loài được ghi nhận và phát hiện nhiều hơn trước đây là những đền đáp xứng đáng với sự kiên trì của nhóm. “Chúng tôi đếm được quần thể voọc ở Hòn Dồ từ 23 con vào năm 2017, đến nay đã tăng lên khoảng 77, 78 con, đó là tín hiệu tốt”, chú Danh nói.

Nhưng trở lại với thực tại, đàn Voọc ở đây đang có một cuộc sống khá khó khăn so với đồng loại phân bố rải rác dọc theo dãy Trung Trường Sơn. Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Green Việt so sánh, tổng diện tích sinh cảnh sống của đàn voọc hơn 1.300 cá thể ở bán đảo Sơn Trà là 4.439ha trong khi ở Tam Mỹ Tây hiện chỉ là 30ha cho hơn 70 cá thể. Bên cạnh sinh cảnh hẹp, thiếu nguồn thức ăn thì quần thể nhỏ sẽ tăng khả năng giao phối cận huyết giữa các cá thể, làm hạn chế đa dạng gen dẫn đến sức sống của các cá thể bị giảm.

Trong Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa vào thành lập 60ha rừng đặc dụng ở Tam Mỹ Tây. Đây là nỗ lực của các ngành và của tỉnh Quảng Nam, nhưng trong số 60ha rừng này thì có đến 30ha rừng của dân. Điều này dẫn đến câu chuyện thu hồi, đền bù đất cho dân khá nan giải vì cần nguồn kinh phí khá lớn. Trong khi nỗ lực của cộng đồng cũng chỉ đến đây và có thể làm tốt hơn nhưng không thể làm thay được trách nhiệm của Nhà nước.

“Chậm một ngày thì nguy cơ rủi ro càng lớn. Rừng ở đây toàn bộ là rừng keo, khi người dân khai thác thì sẽ phải đốt, cộng với thời tiết nắng nóng, thiên tai, sạt lở nên diện tích 30ha sinh cảnh sống của Voọc rất mong manh. Để mở rộng và kết nối sinh cảnh cho Voọc, chính quyền cần nhanh chóng thu hồi, đền bù 30ha rừng keo tạo thành 60ha rừng đặc dụng liền lô” - ông Vỹ chia sẻ.

Trong câu chuyện dưới tán rừng, xen lẫn những niềm vui về sự phát triển của đàn Voọc thì vẫn còn đó những lo toan, trăn trở của chú Danh, anh Phương và cả ông Vỹ, làm sao để con người chung sống hài hòa với thiên nhiên. Theo lời chú Danh, việc bảo tồn Voọc để phát triển bắt đầu từ bây giờ đã hơi muộn. Nhưng nếu có khát khao, không bao giờ là muộn để bắt đầu...

Lan Anh