9.jpg
Câu chuyện môi trường

Hàng quán, rác thải... làm xấu hình ảnh đôi bờ Tô Lịch

Thùy Dung - Thu Trang 10/10/2024 - 01:17

(TN&MT) - Từng có khoảng thời gian, hai bên bờ sông Tô Lịch (TP. Hà Nội) được chỉnh trang, xử lý tình trạng tập kết rác thải trái phép và đưa vào hoạt động tuyến đường đi bộ ven sông đẹp đẽ, lịch sự. Vậy mà vài tháng trở lại đây, những bãi rác tự phát đã xuất hiện trở lại, cùng với tình trạng lấn chiếm vỉa hè xảy ra một cách công khai, khiến bộ mặt đô thị của Thủ đô càng trở nên nhếch nhác...

Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), chảy về hướng Nam qua các quận/huyện Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín rồi hợp lưu với sông Nhuệ tại địa phận hai xã Khánh Hà và Hòa Bình thuộc huyện Thường Tín.

Hàng ngày, bất cứ ai lưu thông dọc theo tuyến đường có sông Tô Lịch chảy qua đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các điểm tập kết rác tự phát, không được kiểm soát. Rác thải sinh hoạt, nhựa, vật liệu khó phân hủy tích tụ, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Mùi hôi thối bốc lên từ những đống rác gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực.

Sau đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại:

picture1.jpg
Thực trạng tập kết rác ven bờ sông Tô Lịch tại nhánh sông thuộc địa phận quận Hoàng Mai (ảnh chụp lúc 15h ngày 8/10/2024). Ảnh: Thu Trang
2(1).jpg
3.jpg
Một số hình ảnh rác thải bị người dân vứt tràn lan trên vỉa hè tại địa phận quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân (ảnh chụp lúc 15h ngày 8/10/2024). Ảnh:Thu Trang

Bên cạnh đó, nhiều khu vực vỉa hè bị quây lại, biến thành bãi đỗ xe tự phát, vi phạm quy định về sử dụng đất công cộng. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến người đi bộ.

4.jpg
5.jpg
Một số hình ảnh bãi trông xe tự phát dọc 2 bờ sông trên đường Kim Giang.(ảnh chụp lúc 15h ngày 8/10/2024). Ảnh: Thu Trang

Tình trạng hàng quán trà đá, bán đồ dùng lấn chiếm vỉa hè cũng đang gây cản trở giao thông, chiếm dụng lối đi của người đi bộ. Người dân và du khách gặp khó khăn trong di chuyển, trong khi chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn đề này.

6.jpg
7.jpg
Hình ảnh các tiểu thương bán hàng tự phát bày hàng hóa tràn lan chiếm gần hết đường của người đi bộ(ảnh chụp lúc 15h ngày 8/10/2024). Hình ảnh: Thu Trang

Đến tối, những xe rác được tập kết tại các điểm dọc bờ sông Tô lịch càng nhiều, gây lấn chiếm lòng đường, bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị của cả một dòng sông biểu tượng văn hóa ở Hà Nội.

8.jpg
Hình ảnh những xe rác tập trung, lấn chiếm lòng đường khu vực bờ sông quận Cầu Giấy vào giờ cao điểm (ảnh chụp lúc 18h ngày 8/10/2024). Ảnh: Thùy Dung

9.jpg
Những bao tải, cành khô chất đống lề đường cạnh sông Tô Lịch. Ảnh: Thùy Dung
11.jpg
Những đoạn thân cây bị chặt để ngổn ngang không có người dọn(ảnh chụp lúc 20h ngày 8/10/2024). Ảnh: Thùy Dung
12.jpg
Những hàng, quán ăn bên kia đường vứt rác chất đống tại các gốc cây cạnh bờ sông (ảnh chụp lúc 18h ngày 8/10/2024). Ảnh: Thùy Dung

Sông Tô Lịch từng là một trong những cảnh quan đẹp của Hà Nội, giờ đây bị bao phủ bởi sự ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng, Điều này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của một con sông gắn liền với lịch sử thành phố mà còn gây mất mát lớn về mặt cảnh quan đô thị.

Sự xuống cấp của hai bờ sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề về môi trường, mà còn là sự mất mát của giá trị văn hóa và ký ức đô thị. Những câu chuyện, kỷ niệm về một dòng sông xanh trong, thanh bình dường như đang dần bị lãng quên trong sự ồn ào, hối hả của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát.

Việc ngăn chặn xả thải trực tiếp từ các hộ dân và doanh nghiệp là rất quan trọng, cần các cơ quan chức năng địa phương hạn chế tối đa việc lấn chiếm vỉa hè làm điểm tập kết rác, bãi để xe và các hàng quán ven bờ để trả lại cho hai bên bờ sông một khung cảnh sạch sẽ, gọn gàng và rộng rãi phục vụ người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường.

Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc quyết hơn, nên chăng, chính cộng đồng cần “giải cứu” sông Tô Lịch, chỉ bằng những hành động đơn giản như: Từ chối vào những hàng quán ven đường, có lấn chiếm bờ sông, không xả rác, vứt rác bừa bãi mà đưa vào thùng rác hoặc nơi tập kết đúng quy định.... Việc tăng cường ý thức của người dân về tầm quan trọng của dòng sông Tô Lịch, về bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông là một điều thiết yếu, đặc biệt là đối với người dân sống xung quanh hai bên bờ sông.

Chỉ cần mỗi người dân sinh sống tại Hà Nội đều có ý thức và hành động bảo vệ sông Tô Lịch, có niềm tin thay đổi về một không gian sống lành mạnh thì chắc chắn, sông Tô Lịch sẽ lại hiện diện như một biểu tượng của Hà Nội vào một ngày không xa. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội chung tay vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh, văn hóa, hiện đại.

Thùy Dung - Thu Trang