Văn hóa

Tri ân những chiến sĩ cách mạng: Câu chuyện về cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò

Đức Tâm 08/10/2024 - 18:52

(TN&MT) - Không gian trưng bày "Bàng ơi...!" tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò không chỉ là nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử, mà còn là nơi khơi gợi tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với những điều bình dị, thân thuộc của người Việt.

Bước chân vào không gian trưng bày "Bàng ơi...!" tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, lòng tôi chợt lắng lại, những câu chuyện lịch sử như hiện ra trước mắt, thấm đẫm trong từng tư liệu, hình ảnh và cả những tán bàng xanh thẫm, như những chứng nhân của một thời đấu tranh oai hùng.

Bàng - loài cây bình dị, có mặt ở hầu khắp các con phố, đường làng, lại trở thành “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến bao cảnh sống gian khổ và những cuộc đấu tranh hào hùng của tù chính trị Hỏa Lò năm xưa.

z5909220241350_dee9ccd4bb1e45515aa87f054f200eaa.jpg
Không gian trưng bày "Bàng ơi...!" tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đức Tâm

Từ gốc đến ngọn, lá, cành, quả bàng đều được người tù trân quý, tận dụng trong cuộc sống sinh hoạt. Bàng không chỉ che mát, mà còn gắn bó, nuôi sống, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho hàng ngàn chiến sỹ, góp phần không nhỏ lập bao chiến công trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.

Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Gốc cây bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp vào. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập Chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò.

Cành bàng rụng xuống, qua những bàn tay khéo léo đẽo, gọt đã trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả.

Lá bàng là nguồn dược liệu quý. Mỗi khi được ra sân, tù chính trị thường tìm cách hái vội những búp bàng non hay lá bàng bánh tẻ, lén giấu trong người, ngậm trong miệng để đem về phòng giam, chia cho bạn tù. Quả bàng được nhặt về, chia cho những người bị đau ốm…

z5909207516503_e9e882c29b3ce3ff4d31ab49de5bdc63.jpg
Người dân tham quan trưng bày "Bàng ơi!" tại không gian của di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đức Tâm

Điểm nhấn của trưng bày chính là hình ảnh những cây bàng được minh họa theo bốn mùa, từ sắc xanh mơn mởn của mùa xuân, xanh thẫm của mùa hè, vàng úa của mùa thu cho đến sắc đỏ trầm buồn của mùa đông. Hình ảnh ấy như tái hiện lại vòng đời của cây bàng, cũng là vòng tuần hoàn của thời gian, của lịch sử.

Những pano hình tròn lồng vào nhau, cách điệu thành hình chiếc lá, khéo léo dẫn dắt người xem vào từng câu chuyện về loài cây đặc biệt này. Góc trưng bày "Bàng ơi...!" với những khối chữ lớn, màu sắc đan xen, là nơi thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm.

z5909209924508_cdc2ede7fb0019c76e1d8c6b03598b8f.jpg
Thông qua tạo hình cây Bàng trong di tích, nhiều bạn trẻ đã hiểu hơn loài cây bình dị của Việt Nam. Ảnh: Đức Tâm

Trưng bày “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về: những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, Bàng nơi đảo xa và Bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, giúp chúng ta thêm hiểu và yêu hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát xanh.

Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sỹ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.

z5909207423922_da340ab2c02823c9fc5821f0b7b79d11.jpg
Hoàng Đức Vương, chàng trai trẻ 23 tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh lần đầu tới tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đức Tâm

Giữa không gian trưng bày tại di tích nhà tù Hỏa Lò, tôi bắt gặp Hoàng Đức Vương, một chàng trai trẻ 23 tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh. Vương chia sẻ, chuyến tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã để lại trong cậu nhiều cảm xúc khó tả. "Vào đây rồi mới thấy sự khắc nghiệt của nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng năm xưa. Nhìn những hiện vật, hình ảnh, tôi càng thêm khâm phục ý chí, tinh thần của họ."

Lời chia sẻ của Vương khiến tôi thêm thấm thía ý nghĩa của triển lãm "Bàng ơi...!", một không gian nghệ thuật tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, là lời tri ân gửi đến các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

z5909207334058_55746b6a1e5ab9bed3529bca996c5268.jpg
Hình ảnh cây bàng 400 tuổi, có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020) tại trưng bày "Bàng ơi!"

Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép, góp phần làm rõ hơn ý nghĩa của loài cây tưởng chừng như bình dị này. Dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, bàng vẫn vươn lên mạnh mẽ, tỏa bóng mát, che chở cho con người, trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của ý chí kiên cường, bất khuất.

Rời khỏi di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, hình ảnh những tán bàng xanh mát vẫn đọng lại trong tôi. "Bàng ơi...!" - lời thì thầm của lịch sử, của những năm tháng đấu tranh gian khổ, vẫn vang vọng đâu đây, nhắc nhở thế hệ hôm nay về truyền thống yêu nước, về tinh thần bất khuất của cha anh.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 8/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!”. Trưng bày còn mở ra bức tranh rộng lớn về cây bàng trên khắp mọi miền đất nước. Từ những tán bàng xanh mát trong di tích nhà tù Hỏa Lò đến những cây bàng kiên cường nơi hải đảo xa xôi, bàng trong thơ ca, hội họa. Từ đó khơi gợi tình yêu thiên nhiên và lòng tự hào dân tộc.

Đức Tâm