Sức khỏe

Yên Bái: Nhiều giải pháp giảm tác hại của thuốc lá

Thanh Ngà (thực hiện) 08/10/2024 - 11:29

(TN&MT) - Năm 2024, tỉnh Yên Bái tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người dân. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

z5904438693139_c5f8c962c468334b0e3f883e5ab19451.jpg
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

PV: Thưa ông! Trong năm 2024 để tiếp tục hạn chế tác hại của thuốc lá đến sức khỏe của người dân, tỉnh Yên Bái đã triển khai các giải pháp gì?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Ngày 19/3/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức, chỉ đạo, và điều phối thực hiện các hoạt động, chương trình liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành các kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tham mưu các văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (25/5 - 31/5).

Cùng với đó, đã tích cực triển khai rất nhiều các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sản xuất và cấp phát các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, áp phích, và panô cho các cơ quan, trường học.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các đối tượng như giáo viên, cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn bản, và cán bộ làm công tác văn hóa, dân số tại các xã, phường. Trong năm 2024, ngành Y tế đã triển khai tập huấn được 4 lớp cho 120 cán bộ giáo viên. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện đang được thực hiện theo ngành dọc.

Hàng năm, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức các đợt giám sát và hỗ trợ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị đều đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, như thành lập Ban chỉ đạo, niêm yết nội dung không hút thuốc lá, và treo biển cấm hút thuốc tại các nơi quy định.

z5894501858759_ec25d2c4417bf89076a7c9ad76d1a40d.jpg
Trong năm 2024, ngành Y tế đã triển khai tập huấn được 4 lớp cho 120 cán bộ giáo viên về phòng chống tác hại của thuốc lá.

PV: Vậy xin ông cho biết những tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Trong khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại. Trong đó, có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu…Ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể như: Mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy...

Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.

Tác hại của hút thuốc lá thụ động: Hút thuốc thụ động là người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có nhiều chất gây ung thư hay chất độc hại. Có thể nói, người hút thuốc thụ động cũng phải chịu những tác hại nghiêm trọng không kém so với người hút thuốc.

Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như: Ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch…Trong đó, trẻ em, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em rất nguy hiểm. Trẻ em có lá phổi dễ bị tổn thương hơn người lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong khói thuốc lá. Do đó, các em có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, các triệu chứng hen, …

Đối với người lớn, người mẹ hít phải khói thuốc lá trong thời gian mang thai có thể bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh, ….

Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số ca tử vong trong số này là nữ giới.

PV: Trong thời gian qua, giới trẻ có xu hướng hút thuốc lá điện tử và hút thuốc lá nung nóng ngày một gia tăng? Vậy xin ông cho biết về tác hại của các loại thuốc lá này?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Thời gian gần đây, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng gia tăng ở đối tượng là giới trẻ, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài, nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức, cảm xúc, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.

Các chất độc hại được tìm thấy trong khói của thuốc lá điện tử có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Tổ chức Y tế giới khuyến cáo rằng không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe.

Tác hại của thuốc lá điện tử, giới trẻ có xu hướng hút thuốc lá điện tử và hút thuốc lá nung nóng ngày một gia tăng, vì cho rằng, hút hai loại này chỉ để nhả khói cho vui và dùng để cai nghiện hút thuốc lá điếu truyền thống. Nhưng suy nghĩ như vậy là chưa hoàn toàn đúng, bởi những tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe không thua kém gì thuốc lá điếu truyền thống.

Đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.

PV: Trong thời gian tới, để tiếp tục hạn chế tác hại của thuốc lá gây ra, Ngành Y tế tỉnh Yên Bái có kế hoạch như thế nào? Thưa ông!

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Sở Y tế tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền về tác hại, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá như: Sản xuất và cấp phát tài liệu tuyên truyền, phối hợp với báo, đài xây dựng các chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá cho cán bộ, công nhân và học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà (thực hiện)