Bạn đọc - Pháp luật

Ninh Bình: Xây khu đô thị ở vùng đệm Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới?

Quán Dũng - Cao Sơn 07/10/2024 - 16:09

(TN&MT) – UBND tỉnh Ninh Bình cần nghiên cứu kỹ lưỡng về việc xây dựng KĐT Ninh Thắng I nằm trong vùng đệm khu Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An. Đáng nói, nếu dự án này được triển khai thì cánh đồng lúa có diện tích hơn 87.000 m2 tạo nên vẻ đẹp cảnh quan của Danh thắng Tam Cốc – Bích Động sẽ bị “xóa sổ”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa chấp thuận

Năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 1011/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị (KĐT) Ninh Thắng I (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) với diện tích hơn 96.000 m2 với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đô thị Hoa Lư phát triển bền vững trong tương lai.

Ngày 7/9/2023, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 635/QĐ-UBND chấp thuận Công ty Cổ phần Hoàng Long Ecogreen là Nhà đầu tư dự án. Đây là dự án nhóm B với mức đầu tư hơn 329 tỷ đồng, quy mô 54 căn nhà ở liền kề; 4 căn nhà biệt thự; 37 căn shophouse. Dự kiến, dự án Khu đô thị Ninh Thắng I sẽ được phân lô bán nền sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án đối với 178 lô đất liền kề (tổng diện tích đất 21.082 m2) 28 lô đất biệt thự (tổng diện tích đất 7.088 m2). Mật độ xây dựng từ 75 – 80%.

Dự án có tổng diện tích đất sử dụng hơn 96.000 m2; bao gồm các loại đất: Đất ở (36.569 m2), đất hỗn hợp thương mại dịch vụ (12.542 m2), đất cây xanh thể dục thể thao (3.022 m2), đất hành lang thông gió - hạ tầng kỹ thuật và đất giao thông (43.871 m2). Dự án có ranh giới phía Bắc giáp đường vào Tam Cốc – Ninh Thắng (ĐT.478B); phía Nam giáp khu dân cư và ruộng thôn Hạ Trạo; phía tây giáp ruộng lúa; phía Đông giáp đất quy hoạch khu dân cư và đường hiện trạng.

nt3.jpg
Cánh đồng lúa có diện tích hơn 87.000 m2 tạo nên vẻ đẹp cảnh quan của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động sẽ thành dự án bất động sản?

Đáng nói, toàn bộ diện tích dự án KĐT Ninh Thắng I nằm sát khu du lịch Tam Cốc – Bích Động thuộc vùng đệm của khu Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới quần thể Danh thắng Tràng An. Trong đó, hơn 87.000 m2 (87,89 % diện tích dự án) là đất nông nghiệp 2 vụ lúa, đây cũng là một phần tạo nên vẻ đẹp cảnh quan của Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận.

Ông Trịnh Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thắng cho biết: “Dự án KĐT Ninh Thắng I được thực hiện các bước từ năm 2018. Dự án này nằm trong vùng đệm của quần thể Danh thắng Tràng An”.

Ngày 31/12/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Tờ trình số 1379/UBND-VP4 do ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề nghị được thẩm định việc xây dựng KĐT Ninh Thắng I trong vùng đệm khu Di sản Tràng An.

Ngày 28/2/2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Văn bản số 762/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Ninh Bình, trong đó nêu ra một số ý kiến chỉ rõ những điểm chưa phù hợp trong đề xuất thẩm định và thực hiện dự án từ phía tỉnh Ninh Bình. Phía Bộ VHTTDL yêu cầu tỉnh Ninh Bình khi đề xuất, lập phương án và triển khai dự án cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về di sản, đảm bảo việc thực hiện đúng nguyên tắc bảo vệ di sản đã được quy định…

Qua đó, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Ninh Bình cần làm rõ sự phù hợp của dự án đối với các Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động.

Bộ VHTTDL cho rằng, đất nông nghiệp chiếm tới 87,89% diện tích khu vực lập dự án KĐT Ninh Thắng I. Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trong đó có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa. Vì vậy, đề nghị xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.

Cũng theo Bộ VHTTDL, đối với nội dung dự án hiện chưa đánh giá được các tác động cụ thể tới Di sản, đề nghị tỉnh Ninh Bình thực hiện việc đánh giá tác động theo Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972, hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và các văn bản pháp luật có liên quan.

nt2.jpg
Dù chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xong, chưa được chính quyền giao đất, nhưng Công ty CP Hoàng Long Ecogreen đã tự ý dựng hàng rào bao quanh gây khó khăn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến cảnh quan khu du lịch.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại Bộ VHTTDL vẫn chưa chấp thuận cho dự án KĐT Ninh Thắng I xây dựng trong vùng đệm khu Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới quần thể Danh thắng Tràng An.

Ông Lưu Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: “Ngày 17/9/2024 Bộ VHTTDL tiếp tục có Văn bản số 3960 yêu cầu rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng KĐT Ninh Thắng I. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo đề nghị của Bộ VHTTDL…”

Người dân lo mất kế sinh nhai

Phần lớn diện tích Dự án KĐT Ninh Thắng I được phê duyệt quy hoạch trên diện tích đất lúa 2 vụ của 117 hộ dân xã Ninh Thắng, nơi mà hơn trăm hộ dân từ bao đời nay đều sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

nt5.jpg
Nhiều người dân lo lắng việc đánh đổi ruộng lúa bằng dự án KĐT Ninh Thắng I sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Bá Viết (Đội 3, thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng) bức xúc: Gia đình tôi đang canh tác đất nông nghiệp nằm trong diện phải thu hồi để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án KĐT Ninh Thắng I, nếu Nhà nước lấy đất nông nghiệp của người dân để làm công trình phúc lợi thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí, vì sẽ mang lại cuộc sống lâu dài cho con cháu chúng tôi. Nhưng nếu lấy đất để phục vụ việc phân lô bán nền thì chúng tôi không ủng hộ với lý do mất đất là mất kinh tế, mất kế sinh nhai sẽ sinh ra nhiều hệ lụy.

Ông Lưu Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, cho biết: Dự án KĐT Ninh Thắng I là dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện Hoa Lư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo thống kê có 117 hộ liên quan đến giải phóng mặt bằng và đất công ích của xã. Tổng diện tích thu hồi hơn 96.000 m2, trong đó diện tích đất lúa hơn 87.000 m2. Tháng 11/2023, UBND huyện đã ban hành Thông báo thu hồi đất nông nghiệp và tổ chức họp dân triển khai kế hoạch thu hồi đất giải phóng mặt bằng và phổ biến chế độ chính sách bồi thường. Đơn giá bồi thường theo quy định là 70.000 đồng/m2… Hiện nay có 79 hộ dân chưa phối hợp trong công tác điều tra, khảo sát, đo đạc , kiểm đếm giải phóng mặt bằng. Các hộ dân này có ý kiến không đồng thuận với mức giá bồi thường và cho rằng mức giá chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương. 11 hộ dân đã đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng và đã nhận tiền (chiếm 10% diện tích dự án). 38 hộ dân đã đồng ý ký biên bản kiểm đếm, đo đạc giải phóng mặt bằng.

“Hiện dự án KĐT Ninh Thắng I chưa hoàn thiện thủ tục về pháp lý, chưa được UBND tỉnh Ninh Bình giao đất, đã hết thời hạn thực hiện đầu tư xây dựng từ tháng 1/2024, chủ đầu tư đang xin gia hạn thực hiện dự án. Đến khi nào dự án tiếp tục được triển khai thì chúng tôi sẽ phối hợp tiếp tục thực hiện các bước giải phóng mặt bằng…”, ông Minh cho biết thêm.

nt4.jpg
Mặc dù chưa được UBND tỉnh Ninh Bình giao đất, nhưng Công ty CP Hoàng Long Ecogreen đã thực hiện việc san lấp dự án KĐT Ninh Thắng I

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù chưa được UBND tỉnh Ninh Bình giao đất để thực hiện dự án nhưng Công ty CP Hoàng Long Ecogreen đã tiến dựng hàng rào tôn giáp với đường vào Tam Cốc – Ninh Thắng khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Trinh (trú tại Đội 4, thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng) cho biết, gia đình có thửa ruộng 744 m2 (3 xào 2 thước bắc bộ) nằm trong diện phải thu hồi, giải phóng mặt bằng của dự án KĐT Ninh Thắng I. Từ những năm 2021, chúng tôi đã được mời ra họp và được phổ biến với mức giá đền bù 75 triệu đồng/sào. Cuối năm 2023, đầu năm 2024 tiếp tục mời người dân ra nhà văn hoá để kiểm đếm diện tích nhưng do giá đền bù thấp, không thỏa đáng nên gia đình tôi không đồng ý.

Trước đó, ngày 29/5/2024 Công ty CP Hoàng Long Ecogreen đã tự ý đổ đất, đá san lấp tại một số vị trí đất lúa của các hộ gia đình khi chưa được chính quyền giao đất.

Về vấn đề tự ý san lấp dự án khi chưa được giao đất, ông Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công ty CP Hoàng Long Ecogreen, cho rằng: “Chúng tôi không hề thực hiện san lấp mặt bằng. Việc đổ đất, đá là công ty hoàn trả mặt bằng sau khi di dời 92 ngôi mộ…”.

Nhưng khi làm việc với chính quyền địa phương, thì phóng viên đã nhận được thông tin trái ngược hoàn toàn với ý kiến của vị Giám đốc này.

Theo Văn bản số 1069/UBND-TNMT ngày 29/5/2024 của UBND huyện Hoa Lư, qua kiểm tra tình hình xử lý vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Ninh Thắng đã phát hiện Công ty CP Hoàng Long Ecogreen có hoạt động san lấp đất, đá cấp phối trên một số vị trí đất có diện tích khoảng 2.000 m2 (một phần đất lúa của hộ dân và đất do UBND xã Ninh Thắng quản lý) đã được UBND huyện Hoa Lư thu hồi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa làm thủ tục giao đất cho công ty thực hiện dự án.

Ông Trịnh Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thắng cho biết: Công ty CP Hoàng Long Ecogreen có về xã đề nghị được san lấp một số diện tích đất 5% của xã quản lý để làm khu ươm cây… Sau đó, công ty đã thực hiện san lấp phần đất do xã quản lý, trong quá trình san lấp phía Công ty CP Hoàng Long Ecogreen đã tiện thể san lấp thêm 1 số diện tích đất lúa của người dân đã được thu hồi”.

Như vậy, không chỉ quy hoạch xây dựng khu đô thị trong vùng đệm của khu Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới quần thể Danh thắng Tràng An, UBND tỉnh Ninh Bình còn đang muốn “biến” hơn 87.000 m2 đất trồng lúa 2 vụ của hơn 100 hộ dân thành đất dự án bất động sản, nguy cơ “xóa sổ” một phần vẻ đẹp cảnh quan của Danh thắng Tam Cốc – Bích Động là có thể xảy ra.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Quán Dũng - Cao Sơn