Văn hóa

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Văn Dinh 07/10/2024 - 14:31

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được thực hiện một cách toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều di sản thay đổi, hồi sinh, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thừa Thiên - Huế có hệ thống di sản phong phú, phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều loại hình khác nhau. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm.. cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm.

Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Từ năm 1996 đến nay, đã có gần 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu như Điện Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh… đã được tu bổ, phục dựng; với số tiền hơn 2.265 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương.

baoton-1.jpg
Huế là địa phương nổi tiếng về di sản, với 8 di sản đã được UNESCO vinh danh

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã và đang thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nhằm thực hiện các mục tiêu gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực I di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, cách mạng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ được tiến hành thường xuyên. Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo gần 40 công trình di tích tại các huyện, thị xã và TP. Huế.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế, giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã nhận được hơn 8 tỉ đồng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị.

baoton-2.jpg
Điện Kiến Trung rất đẹp và uy nghi, một trong những công trình vừa được tu bổ

Nói về Quỹ bảo tồn di sản Huế, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng là Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản Huế cho hay, thời gian tới, với nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực cho Quỹ; nhưng trước hết là tuyên truyền để cộng đồng hiểu thêm nội dung ý nghĩa của Quỹ qua đó cùng chung tay cho công cuộc bảo tồn di sản. Không phải là ủng hộ quỹ số tiền nhiều hay ít, mà quan trọng là bày tỏ sự quan tâm đến di sản của mọi tầng lớp nhân dân.

“Bối cảnh kinh tế đang còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị rất quan tâm đến bảo tồn di sản Huế nhưng không có nhiều nguồn lực. Trung tâm sẽ kết nối, phát động đến các doanh nghiệp có điều kiện và tâm huyết với di sản văn hóa; đồng thời cũng có thể kêu gọi một số tỉnh, thành trong nước ủng hộ Quỹ. Ý nghĩa lớn chính là đóng góp cho quỹ của quốc gia chứ không riêng gì cho Huế, vì di sản Huế là của cả đất nước. Quần thể Di tích Cố đô Huế rất nhiều dự án cần được tu bổ và rất cấp thiết, nên từ nguồn lực của Quỹ để lựa chọn phân bổ phù hợp tùy theo quy mô, tính chất của công trình di tích cần trùng tu, bảo tồn. Quỹ Bảo tồn di sản Huế không chỉ dành cho các di tích ở Quần thể Di tích Cố đô Huế mà còn nhiều di tích văn hóa, di sản phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Trung nhấn mạnh.

baoton-3.jpg
Việc bảo tồn di sản tại Cố đô Huế giúp phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện
cho phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên - Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Trên cơ sở Nghị quyết 54, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất Cố đô, xây dựng một TP. Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực và cả nước, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ. Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần xây dựng tỉnh theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”…

Đến nay, Thừa Thiên - Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế -1993 – Di sản vật thể; Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam - 2003 - Di sản phi vật thể; Mộc bản triều Nguyễn - 2009 - Di sản tư liệu; Châu bản triều Nguyễn - 2014 - Di sản tư liệu; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - 2016 - Di sản tư liệu; Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế - 2024 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt)

Văn Dinh