Kinh tế

Thừa Thiên - Huế: Kinh tế chuyển biến tích cực

Văn Dinh 05/10/2024 - 15:16

(TN&MT) - 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP bình quân của Thừa Thiên - Huế ước đạt 7,34 %, xếp thứ 6/14 các tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, giải ngân vốn đầu tư công đạt 52 % kế hoạch (cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc). Đặc biệt, mới đây, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương nhận được sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, địa phương cùng với quyết tâm nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước; GRDP Quý III ước tăng 9,82 % so với cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 7,34 %, xếp thứ 6/14 các tỉnh/thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước.

459186551_478130988549504_8823086534435844242_n.jpg
AEON MALL Huế vừa được đưa vào hoạt động, là Trung tâm thương mại AEON MALL đầu tiên
tại miền Trung. Ảnh: VĂN DINH

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,62 %, chiếm tỷ trọng 29,92 % trong cơ cấu GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 ước tăng 14 %; tính chung 9 tháng ước tăng 4,8 % so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,9 %. Ngành xây dựng tăng trưởng mạnh, ước tăng 16,35 % so với cùng kỳ. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như bia, dệt may,… tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, ước đạt 22.981 tỷ đồng, bằng 68,3 % kế hoạch, tăng 9,6 % so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.720 tỷ đồng, bằng 74 % dự toán, bằng 64 % chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,6 % so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6.104 tỷ đồng (trong đó có 12 dự án FDI với vốn đăng ký 35,6 triệu USD), tăng 14 dự án và tăng hơn 1.000 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Có 602 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.561 tỷ đồng, tăng 10,5 % về lượng và giảm 31% về vốn so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2024 là 3.616,479 tỷ đồng/6.957,879 tỷ đồng, đạt 52 % kế hoạch; cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (là 40,5 %), xếp thứ 19/63 tỉnh thành cả nước.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” để bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được chăm lo tốt. Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, đạt gần 90 % kế hoạch; trong đó, đưa gần 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

z5333847336938_79cc1b647e6190a3f9e96aeb390e037d.jpg
Nền kinh tế Thừa Thiên - Huế có sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong 9 tháng đầu năm 2024.
Ảnh: VĂN DINH

Đến nay, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, với cách làm khoa học, bài bản đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, sự thống nhất rất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 này.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả 4 Tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo quy định. Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ để xử lý và tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng,…để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong kêu gọi và thu hút đầu tư.

“Tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên 13.600 tỷ đồng. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm như Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2… Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Bình chia sẻ.

Văn Dinh