Chuyển đổi Xanh

Hội nghị chuyên đề ESG 2024 tại Thái Lan: Đề xuất 4 kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi xã hội carbon thấp

Quyết Thắng 05/10/2024 - 13:58

(TN&MT) – Hội nghị chuyên đề ESG 2024 vừa diễn ra tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan với sự hợp tác của hơn 3.500 đại diện đến từ Chính phủ, khối tư nhân và tổ chức xã hội. Tại đây, các bên đã đề xuất với Chính phủ Thái Lan bốn kế hoạch nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xã hội carbon thấp.

Ông Prasert Jantararuangtong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội số, đã tham dự “Hội nghị ESG 2024: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện”, được tổ chức vào ngày 30/9/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit, Băng Cốc, Thái Lan, để lắng nghe các đề xuất nhằm chuyển đổi Thái Lan thành xã hội carbon thấp, dựa trên sự đóng góp chung từ tất cả các lĩnh vực.

Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết, tiếp nối những thành quả đang dần thành hình từ nỗ lực thực hiện của năm trước, trong hai tháng qua, hơn 3.500 đại diện từ mọi lĩnh vực đã chung sức và đóng góp ý tưởng của mình để xác định các chiến lược thúc đẩy Thái Lan nhanh chóng hướng tới xã hội carbon thấp.

Các đề xuất này đã được biên soạn và trình bày với đại diện Chính phủ Thái Lan tại Hội nghị chuyên đề ESG 2024 thông qua hai lĩnh vực chính là chuyển đổi sang năng lượng sạch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và áp dụng mô hình “Saraburi Sandbox” – thành phố carbon thấp đầu tiên của Thái Lan, làm dự án thí điểm để giải quyết các thách thức về chính sách, hệ thống công nghiệp và hạ tầng xanh, cũng như đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Các sáng kiến này đã được tóm tắt thành 4 đề xuất chính.

1-thammasak-sethaudom-chu-tich-kiem-giam-doc-dieu-hanh-scg-de-trinh-bon-de-xuat-chinh-voi-chinh-phu-thai-lan-tai-hoi-nghi-esg-2024.jpg
Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG, đệ trình bốn đề xuất chính với Chính phủ Thái Lan tại Hội nghị ESG 2024.

Đầu tiên là giải quyết các rào cản pháp lý và quy định. Chính phủ nên xúc tiến quá trình tự do hóa giao dịch năng lượng sạch thông qua hiện đại hóa lưới điện, cho phép các nhóm đối tác tiếp cận năng lượng sạch dễ dàng hơn. Các dự án năng lượng sạch quy mô lớn cần có hệ thống lưu trữ năng lượng để tăng cường tính ổn định. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra luật tổng thể toàn diện về kinh tế tuần hoàn, bao gồm toàn bộ hệ thống khuyến khích tiêu dùng bền vững.

Theo đó, Chính phủ thúc đẩy các nhà sản xuất thiết kế sản phẩm sử dụng vật liệu thay thế hoặc tái chế và quản lý chất thải hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên thực hiện các chính sách khuyến khích như giảm thuế hoặc trợ cấp, cùng với hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển các sáng kiến liên quan. Hơn nữa, việc thúc đẩy chính sách “Ưu tiên xanh” (Green Priority), nhấn mạnh vào việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể bắt đầu bằng chi tiêu công, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xanh và tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh.

Đề xuất thứ hai là thúc đẩy tiếp cận tài chính xanh. Chính phủ nên hỗ trợ phân bổ ngân sách cho việc phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp trong việc đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận carbon quốc tế. Ngoài ra, cần thành lập các cơ quan trong nước để kiểm nghiệm và chứng nhận các tiêu chuẩn đó, giúp giảm các chi phí liên quan đến tín dụng carbon. Ở đề xuất này, SCG sẵn sàng đóng vai trò cố vấn, cung cấp hỗ trợ và là đầu mối liên lạc để thúc đẩy hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau.

3-khu-vuc-trung-bay-cac-du-an-thuc-hanh-esg-cua-scg-tai-trien-lam-phat-trien-ben-vung-2024-sustainability-expo-2024-.jpg
Khu vực trưng bày các dự án thực hành ESG của SCG tại Triển lãm Phát triển bền vững 2024 (Sustainability Expo 2024).

Thứ ba là nâng cấp công nghệ và hạ tầng xanh. Chính phủ nên hỗ trợ việc sử dụng và phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng, như pin nhiệt, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo. Cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có và tận dụng tối đa tiềm năng hạ tầng xanh, ví dụ thiết lập lại mục đích cho các không gian chưa sử dụng để sản xuất năng lượng sạch. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng lưới điện cũng nên được nâng cấp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ngoài ra, cần nỗ lực nâng cấp hệ thống logistics xanh toàn diện để tận dụng các giải pháp sạch và tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí và thời gian thông qua một số biện pháp như tối ưu hóa tuyến đường và hệ thống xếp hàng phù hợp.

Hơn nữa, cải thiện hiệu quả phân loại rác thải bằng cách thúc đẩy việc phân loại rác thải nước và khô. Sáng kiến này có thể thực hiện được bằng cách thành lập các trung tâm phân loại và quản lý rác thải, kết hợp các công nghệ phù hợp, chẳng hạn như công nghệ phân loại và hệ thống xử lý rác thải.

Cuối cùng là tăng cường khả năng thích ứng và năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nỗ lực tập trung vào việc nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của lực lượng lao động về năng lượng sạch nhằm giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, việc thúc đẩy áp dụng các sáng kiến và công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau cũng rất cần thiết để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

4-tap-doan-scg-tai-hoi-nghi-esg-2024_-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-xanh-toan-dien.jpg
Tập đoàn SCG tại Hội nghị ESG 2024_ Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện.

“Tuy nhiên, những đề xuất này sẽ mang lại kết quả hữu hình hơn và phù hợp hơn với bối cảnh của Thái Lan nếu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ “Saraburi Sandbox”, mô hình thành phố carbon thấp, bằng cách tiếp tục phát huy những nỗ lực của năm vừa qua. Sáng kiến này đóng vai trò thử nghiệm, kết hợp quan hệ đối tác công – tư – cộng đồng để triển khai bốn đề xuất trong bối cảnh thực tế. Hướng tiếp cận này sẽ giúp xác định những cơ hội, hạn chế và giải pháp. Việc chính phủ thúc đẩy phân cấp việc ra quyết định và hoạt động cho các cơ quan địa phương sẽ giảm các bước thủ tục và sự mơ hồ trong quá trình triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ trên mọi khía cạnh. Qua đó, tạo ra cơ hội để mở rộng mô hình thành phố carbon thấp sang các tỉnh khác trên toàn quốc trong tương lai.”

Ông Prasert Jantararuangtong, Phó Thủ tướng Thái Lan kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội số, tiếp lời: “Chính phủ sẽ xem xét các đề xuất được đề trình hôm nay. Đối với những vấn đề có thể triển khai nhanh chóng, chúng tôi sẽ phối hợp kịp thời. Đối với những vấn đề cần hợp tác với các bên liên quan, chúng tôi sẵn sàng trao đổi kiến thức. Bên cạnh những hành động từ Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần thích ứng, chủ động tìm kiếm cơ hội và nâng cao năng lực để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng cách tích hợp các biện pháp bền vững hoặc các nguyên tắc ESG, từ đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng đảm bảo việc thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh bền vững.

2-prasert-jantararuangtong-pho-thu-tuong-thai-lan-kiem-bo-truong-kinh-te-va-xa-hoi-so-chia-se-nhung-hanh-dong-cua-chinh-phu-nham-thuc-day-thai-lan-huong-toi-tang-truong-ben-vung.jpg
Ông Prasert Jantararuangtong, Phó Thủ tướng Thái Lan kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội số, chia sẻ những hành động của Chính phủ nhằm thúc đẩy Thái Lan hướng tới tăng trưởng bền vững.

Tất cả chúng ta cần cùng nhau hợp tác để biến những thách thức, áp lực và hạn chế trở thành động lực thúc đẩy Thái Lan hướng tới tăng trưởng bền vững và nâng cao khả năng phục hồi trước những thay đổi toàn cầu trên mọi phương diện. Sự hợp tác của tất cả các lĩnh vực là chính chìa khóa thành công của quốc gia. Chính phủ sẽ khẩn trương thúc đẩy tất cả các chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội của Thái Lan, hướng tới sự phát triển cân bằng và bền vững của quốc gia, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.”

“Hội nghị ESG 2024: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện” quy tụ thành phần tham dự từ mọi lĩnh vực và những diễn giả nổi tiếng thế giới đến chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều ví dụ đa dạng về quá trình chuyển đổi hướng đến xã hội carbon thấp. Tại sự kiện, người tham dự cũng có cơ hội khám phá các triển lãm giới thiệu về cuộc sống carbon thấp. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.scg.com.

Quyết Thắng