Thế giới

Bỉ đóng góp lớn cho việc hỗ trợ UNEP đạt nhiều cột mốc về môi trường

Mai Đan 04/10/2024 - 18:52

(TN&MT) - Trong nhiều thập kỷ qua, Bỉ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đạt được nhiều cột mốc về môi trường ở một số lĩnh vực, bao gồm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thiên nhiên, đất đai, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và rác thải.

Bỉ giúp UNEP giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Vào tháng 6/1972, hàng chục quốc gia đã họp tại Stockholm, Thụy Điển để tham dự Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Con người và Môi trường, cuộc họp toàn cầu đầu tiên về môi trường. Trong số các phái đoàn lớn nhất có Bỉ, với hơn 40 đại diện ủng hộ một thời khắc lịch sử dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Quỹ Môi trường, nền tảng tài chính của chương trình.

Vào tháng 6 năm nay, 52 năm sau, Bỉ đã củng cố thêm mối quan hệ đối tác lâu dài với UNEP, cung cấp 3 triệu euro (khoảng 3,31 triệu USD) cho quỹ chuyên đề của UNEP dành riêng để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

picture-2.jpg
Các quan chức cấp quốc gia và thành phố từ Nam Phi đạp xe qua Khayelitsha ở Cape Town

Bỉ đã đóng góp nhất quán cho quỹ chuyên đề về khí hậu kể từ khi quỹ thành lập vào năm 2022, ngoài ra còn là một trong số ít các quốc gia thành viên cũng hỗ trợ Quỹ Môi trường hàng năm kể từ khi thành lập.

Bằng cách đó, Bỉ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ UNEP đạt được nhiều cột mốc về môi trường trong nhiều thập kỷ ở một số lĩnh vực, bao gồm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thiên nhiên, đất đai, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và rác thải. Bỉ đã đóng vai trò cụ thể trong các sáng kiến ​​nhằm giảm rác thải trên biển, mở rộng nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy xử lý an toàn chất thải hóa học nguy hại.

9 triệu euro (khoảng 9,66 triệu USD) mà Bỉ đã đóng góp cho quỹ chuyên đề tập trung vào khí hậu của UNEP trong 3 năm nhằm phát triển khoa học khí hậu, hỗ trợ tăng cường tính minh bạch trong báo cáo theo Thỏa thuận Paris, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy nhiều nguồn tài chính hơn cho khí hậu.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: "Giải quyết biến đổi khí hậu đòi hỏi sự sáng tạo và nhanh nhạy khi chúng ta đang chạy đua với mốc thời gian vào năm 2030 - thời hạn cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Sự hiểu biết và hỗ trợ của Bỉ đối với vấn đề này là một phần quan trọng trong công việc của UNEP trong nhiều thập kỷ".

Ông Peter Maddens, Đại sứ Bỉ tại Kenya, Madagascar, Seychelles, Comoros, Eritrea và Somalia, Đại diện thường trực tại UNEP cho biết: "Để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác với UNEP".

Hỗ trợ nhiều sáng kiến đột phá

Bỉ là quốc gia ủng hộ chính cho các sáng kiến ​​cấp cơ sở giúp giảm nghèo và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng ở những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu trên thế giới, chẳng hạn như Châu Phi. Một trong những sáng kiến đó là Kế hoạch hành động toàn châu Phi vì sự thay đổi tích cực (PAAPAM), hợp tác với các chính phủ trên khắp lục địa để tạo ra không gian an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp, giúp giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông.

Bỉ đã giúp khởi động chương trình ươm tạo lai ghép Restoration Factory tại Kenya, từ đó chương trình này cũng được mở rộng quy mô tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda và Tanzania. Hàng năm, chương trình này kết nối những người cố vấn với những doanh nhân có ý tưởng bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái. Những mối quan hệ này giúp các công ty khởi nghiệp cải tiến mô hình kinh doanh của họ và khai thác nguồn tài chính tư nhân.

Bà Shiro Ndirangu, người điều hành Afrex Gold, một doanh nghiệp nhỏ của Kenya kết nối nông dân địa phương với thị trường quốc tế chia sẻ: “Trước khi chương trình này bắt đầu, tôi không đủ can đảm để nói về những gì chúng tôi làm hoặc đóng góp của chúng tôi cho việc phục hồi hệ sinh thái. Nhưng giờ đây, tôi có thể và được khuyến khích làm điều đó và đây là nhờ những bài học rút ra được trong các buổi tập huấn”.

Ngoài châu Phi, quan hệ đối tác của Bỉ đã hỗ trợ công việc của UNEP trong nhiều nỗ lực khác nhau, từ lập bản đồ các cơ sở hạ tầng xanh tại Thành phố Mexico đến giúp các ngân hàng nông thôn Indonesia hướng tới “thực hành xanh”, hay hỗ trợ Báo cáo về khoảng cách thích ứng hàng đầu của UNEP. Báo cáo này cung cấp thông tin cập nhật hàng năm về cách thế giới thích ứng với biến đổi khí hậu, là nguồn thông tin quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về khí hậu của các quốc gia hàng năm.

Ngoài ra, đại sứ quán của Bỉ tại Kenya là đại sứ quán trung hòa carbon đầu tiên tại Nairobi, thủ đô của Kenya, kết quả của quá trình cải tạo kéo dài 2 năm. Các cơ sở được cung cấp năng lượng bằng tấm pin mặt trời và khí sinh học, với khuôn viên có các khu vườn được tưới bằng nước mưa tái chế.

Mai Đan