Đất đai

Lâm Đồng: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng

Đình Du 04/10/2024 - 17:46

(TN&MT) - Tỉnh Lâm Đồng vừa tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa đặt mục tiêu trồng trên 334 ha rừng, đất lâm nghiệp.

bv-rung.jpg
Thời gian tới, Lâm Đồng đặt mục tiêu trồng trên 334 ha rừng, đất lâm nghiệp

Thực hiện đề án “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khôi phục và phát triển rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Lâm Đồng đang có nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể cơ quan chức năng sẽ bố trí lực lượng tại chỗ kiểm tra, tránh bị tái lấn chiếm rừng. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt kế hoạch phải khôi phục lại độ che phủ rừng với diện tích hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện giải toả cho được khoảng 20.000 ha, diện tích còn lại thực hiện trong các năm tiếp theo.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại, khối lượng lâm sản thiệt hại mỗi năm giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Như Việt - Trưởng ban Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 14.110 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 56,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TP Đà Lạt. Quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương gặp khá nhiều khó khăn nhất định do địa bàn rộng, tương đối phức tạp khi khu vực rừng giáp ranh với đất sản xuất, khu đất ở trên địa bàn khá nhiều.

Đối với công tác giải toả diện tích rừng bị lấn chiếm, Ban quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá trị đất trên địa bàn cao nên người dân lấn chiếm thường có những thủ đoạn khá tinh vi, không hợp tác. Việc lấn chiếm thường lấn từng diện tích rất nhỏ, sau đó đưa cây trồng đã lớn vào trồng để đánh lạc hướng và thường gây khó khăn trong việc xử lý hành chính, thậm chí có những người có hành vi chống đối lực lượng giải toả.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng dù làm việc trong môi trường khá nguy hiểm nhưng lại khá mỏng, nhiều nơi thiếu biên chế không thể tuyển dụng được đủ do các chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng hiện còn rất nhiều hạn chế, trong khi công việc đặc thù khá nặng gánh và nguy hiểm.

Năm 2023, cơ quan, chức năng đã kiểm tra, phát hiện 653 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 136,20 ha (trong đó diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới 104,20 ha/520 vụ, diện tích đất lâm nghiệp bị tái lấn, chiếm 32,0 ha/133 vụ), diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp đã tổ chức giải tỏa là 110,70 ha, diện tích còn lại là 25,50 ha chưa giải tỏa.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh phát hiện 378 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 80,97 ha trong đó diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới là 43,38 ha/218 vụ; diện tích đất lâm nghiệp bị tái lấn, chiếm 37,59 ha/ 160 vụ, diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp đã tổ chức giải tỏa là 71,45 ha, diện tích còn lại là 9,52 ha chưa giải tỏa, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 74 vụ, tương ứng tăng 24%, diện tích tăng 15,04 ha, tương ứng tăng 23%.

Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng. Cần chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư cả nhân lực và vật lực và cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giải quyết các khó khăn đang đối mặt thời gian qua.

Đình Du