Bạn đọc - Pháp luật

Đông Anh - TP. Hà Nội: Tổ hợp vui chơi, giải trí xuất hiện trên đất nông nghiệp

Phạm Thiệu - Quán Dũng 04/10/2024 - 17:45

(TN&MT) – Gần 10 ha đất nông nghiệp ở các xã: Việt Hùng, Dục Tú, Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội bị “hô biến” thành khu tổ hợp vui chơi, giải trí, nhà hàng, tổ chức sự kiện rất hoành tráng.

Thời gian vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn. Thành phố yêu cầu nghiêm túc xem xét, quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp.

nha-hang-huong-bien-1.jpg
Cụm công trình nhìn từ trên cao với nhiều hạng mục, công trình hoành tráng

Cụ thể, tại khu vực cánh đồng giáp ranh 03 xã: Việt Hùng, Dục Tú, Cổ Loa (nằm tại ngõ 160 đường Cổ Loa) thời gian vừa qua xuất hiện tổ hợp công trình vui chơi, giải trí, nhà hàng, tổ chức sự kiện rất hoành tráng mang tên Hương Biển.

Tổ hợp công trình được xây dựng nổi trên diện tích mặt nước rộng gần 10 ha gồm: Bể bơi, sân bóng, nhà hàng, khuôn viên vui chơi – giải trí, check in chụp ảnh, nơi tổ chức sự kiện… Diện tích mặt nước còn lại được sử dụng làm bến du thuyền, đua cano, đạp vịt. Trên diện tích mặt nước đó, người ta cho xây dựng những tiểu cảnh nhìn rất đẹp mắt như: Hòn non bộ, hệ thống cầu dẫn để phục vụ du khách chụp ảnh, tham quan.

nha-hang-huong-bien-6.jpg
Khu bể bơi và vui chơi dưới nước khá lớn và hiện đại

Trong vai một khách hàng có nhu cầu thuê địa điểm tổ chức sự kiện, phóng viên đã được nhân viên nhà hàng hướng dẫn rất nhiệt tình, cụ thể. Theo đó, tổ hợp nhà hàng được phân chia thành hai khu vực là khu vực miễn phí và khu vực mất phí.

Khu vực miễn phí thì khách hàng chỉ cần đặt bàn là có thể được trải nghiệm miễn phí các dịch vụ vui chơi tại đây. Khu vực mất phí được sử dụng để tổ chức các sự kiện lớn với phí thuê 600 nghìn đồng/buổi (sân khấu có thể chứa được khoảng 250 khách và đã có sẵn màn hình và loa đài). Nếu khách hàng sử dụng thêm các dịch vụ khác thì nhà hàng sẽ tính thêm phụ phí phát sinh theo dịch vụ.

nha-hang-huong-bien-3.jpg
Một góc khuôn viên được trang trí đẹp mắt với nhiều cây xanh

Một người dân sống tại thôn Thư Cưu (xã Cổ Loa) cho biết: Toàn bộ diện tích của nhà hàng Hương Biển trước kia là ruộng cấy lúa của người dân. Đây là khu vực ruộng canh tác giáp ranh 3 xã: Việt Hùng, Dục Tú, Cổ Loa. Khoảng từ năm 2022, tôi thấy người ta bắt đầu cho cải tạo, bơm nước tạo thành hồ lớn và cho xây dựng cụm công trình nổi trên đó. Từ khi công trình này hoàn thiện, nơi đây trở thành trung tâm vui chơi, giải trí và tổ chức sự kiện của cả vùng.

nha-hang-huong-bien-4.jpg
Những công trình này được lãnh đạo xã Việt Hùng giải thích là công trình tạm?!

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng thừa nhận cụm công trình nhà hàng Hương Biển được xây dựng trên diện tích đất lúa của khu vực giáp ranh 3 xã: Việt Hùng, Cổ Loa, Dục Tú và không có giấy phép xây dựng.

Ông Sáng cho biết thêm: Khu vực đó là diện tích canh tác đất lúa kém hiệu quả của 3 xã nhưng diện tích của xã Việt Hùng là lớn nhất (chiếm khoảng 70%). Mấy năm gần đây, một người địa phương tên Sơn đã tiến hành thuê mua lại toàn bộ diện tích đất canh tác của người dân 3 xã để cải tạo. Họ bơm nước để tạo thành hồ và xây dựng các công trình nổi trên đó.

nha-hang-huong-bien-2.jpg
Một góc công trình nhìn từ phía xa

Đánh giá về những vi phạm này, ông Sáng cho biết: Về cơ bản các công trình nêu trên đều là các công trình tạm chứ không phải kiên cố. Riêng sân bóng, bể bơi và khu vui chơi thì ông Sơn đều sử dụng vào mục đích công cộng, tạo khu vui chơi miễn phí cho người dân trong xã nên chính quyền và người dân rất ủng hộ. Nói chung cụm công trình này ở giữa thanh thiên bạch nhật không thể giấu được nên có gì mong anh em phóng viên thông cảm.

Để làm rõ thông tin về hướng xử lý vi phạm của chính quyền cấp trên tại cụm công trình trên, Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND huyện Đông Anh thông qua ông Lê Đăng Tốn, Phó Chánh văn phòng. Tuy nhiên từ đó cho đến nay, sau nhiều lần nỗ lực liên hệ nhưng UBND huyện Đông Anh vẫn im lặng, không phản hồi.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Phạm Thiệu - Quán Dũng