Biến đổi khí hậu

Phát huy thế mạnh của người cao tuổi trong ứng phó biến đổi khí hậu

Khánh Ly 04/10/2024 - 14:45

(TN&MT) - Đến cuối năm 2023, hơn 6.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được thành lập trên tất cả các tỉnh, thành của cả nước; góp phần thúc đẩy sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động cộng đồng, trong đó có ứng phó với biến đổi khi hậu.

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm về Thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và già hóa dân số nhanh ở VIệt Nam, do Tổ chức HelpAge International (HAI) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 4/10, tại Hà Nội.

Việt Nam đối mặt với 2 vấn đề “nóng” nhất toàn cầu

Hai vấn đề đó là Già hóa dân số và biến đổi khí hậu.

Theo dữ liệu dân cư quốc gia năm 2023, Việt Nam hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% tổng dân số. Dự báo, đến năm 2036, cơ cấu dân số của Việt Nam dự kiến sẽ chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già" và người cao tuổi sẽ chiếm 20% dân số (với khoảng 22,29 triệu người), và rất có thể thời điểm đó sẽ đến nhanh hơn với tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ suất sinh thấp như hiện nay.

z5895712187511_b5d7262543939266134aa8bee24e0049.jpg
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Phần lớn người cao tuổi của Việt Nam (63,3%) sống ở nông thôn, nơi mà các dịch vụ chăm sóc về y tế và xã hội cho người cao tuổi còn hạn chế. Kết hợp với xu hướng di cư của người trẻ lên thành thị, người cao tuổi có nguy cơ phải đối mặt với các điều kiện sống khắc nghiệt hơn biến đổi khí hậu, và thiếu sự hỗ trợ khi thiên tai xảy ra.

Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, thực tế trên đặt ra 2 vấn đề đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu: Phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi, trong khi vẫn đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm các yếu tố rủi ro hay tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống…

z5895713042991_44515984bf95424ad0eaab81344c42d1.jpg
Ông Matthew David Jacksons, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Dân số ngày càng già đi đồng nghĩa với lực lượng người cao tuổi tại chỗ sẽ tăng lên. Phần lớn trong số họ thuộc nhóm sơ lão (60 – 69 tuổi) và trung lão (70 – 79) tuổi. Họ có sức khỏe, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng cao hơn người cao tuổi ở thế hệ trước và có thể đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Gần 20 năm qua, Tổ chức HelpAge International đã áp dụng cách tiếp cận liên thế hệ trong thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam thông qua mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau. Đến cuối năm 2023, hơn 6.500 câu lạc bộ được thành lập trên tất cả các tỉnh, thành của cả nước. Điều này cho thấy các hoạt động của câu lạc bộ đã đáp ứng nhu cầu thực tế của người cao tuổi, cũng như cộng đồng tại các địa phương.

untitled.png
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ảnh: HAI

Mặt khác, bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay cho thấy nhu cầu cần thiết phải thúc đẩy cách tiếp cận này, khuyến khích sự tham gia của cả người trẻ và người cao tuổi trong các quyết định liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu.

Thanh niên hiện chiếm 20,9% dân số Việt Nam và đang tiên phong trong nhiều hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội. Cách tiếp cận liên thế hệ hướng tới phát huy cao nhất thế mạnh của người trẻ và người cao tuổi để đồng thời giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến một hoặc cả hai nhóm tuổi, cũng như cộng đồng rộng lớn hơn. Cách làm là tập hợp người cao tuổi và người trẻ lại để cùng thực hiện các hoạt động hoặc nhiệm vụ, thúc đẩy hai bên cùng trao đổi, bàn bạc với nhau, làm việc cùng nhau, lắng nghe lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau.

Sự giao thoa, cởi mở tư duy cho các thế hệ

Theo TS Nguyễn Sĩ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), cách tiếp cận liên thế hệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn tương đối mới, nhưng các hoạt động tương tự đã được triển khai tại địa phương. Điển hình là việc xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai bao gồm nhiều bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia của đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ các cấp.

dsc00642.jpg
TS Nguyễn Sĩ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ kết quả nghiên cứu tại tọa đàm

Viện đã thực hiện một khảo sát tại tỉnh Ninh Bình và nhận thấy, nếu có sự cởi mở, khuyến khích của người cao tuổi thì thanh niên sẽ đưa ra nhiều giải pháp gắn với khoa học, công nghệ và thông tin mới hơn. Các thế hệ không có sự mẫu thuẫn hay không đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại địa phương, chỉ có sự khác nhau về vấn đề ưu tiên và cách thức triển khai.

Theo ông Linh, việc thúc đẩy sự tham gia của người cao tuổi và thanh niên trong ứng phó với BĐKH nên được lồng ghép trong hoạt động của Hội người cao tuổi và Đoàn thanh niên ở địa phương. Đây là đặc điểm tương đối khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong huy động sự tham gia của người dân, cần gắn với các hoạt động của tổ chức xã hội đã thành lập, phát huy truyền thống kết nối/liên thế hệ trong xã hội Việt Nam.

dsc00737.jpg
Các chuyên gia chia sẻ thực tiễn và giải pháp thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ tại Việt Nam

Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình truyền thông gắn với thực tế tác động của BĐKH ở địa phương trong hoạt động của các tổ chức đoàn, hội và các chương trình, dự án liên quan. Việc phát huy vai trò của từng thế hệ cần dựa vào thế mạnh của họ, giải pháp thích ứng với BĐKH cần gắn với các nhóm tuổi và gắn với quan tâm, ưu tiên của họ mới có thể huy động sự tham gia một các chủ động, hiểu quả… đặc biệt là trong thích ứng với vấn đề mưa lớn, ngập lụt. Mặt khác, chính sách ứng phó với BĐKH cần có tính bao trùm hơn, huy động được nhiều bên tham gia, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Theo ông Matthew David Jacksons, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, Chính phủ đã phát động Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam diễn ra trong tháng 10 hàng năm, nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp vô giá của người cao tuổi, đồng thời cam kết thực hiện các hành động bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, vị thế của họ trong xã hội. Đây là tín hiệu rõ ràng về việc Việt Nam luôn ưu tiên hòa nhập và bảo vệ mọi người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

dsc00551.jpg
Quang cảnh tọa đàm

UNFPA sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thí điểm và nhân rộng mô hình chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi thông qua các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Sáng kiến này không chỉ cung cấp sự hỗ trợ mà còn trao quyền cho NCT và những người chăm sóc để có được cuộc sống xứng đáng và viên mãn. Mô hình chăm sóc toàn diện là một ví dụ điển hình về giải pháp địa phương có thể thúc đẩy tiến bộ quốc gia, tăng cường vốn xã hội và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của từng người dân địa phương.

"Già hóa dân số là dấu hiệu của sự phát triển, là minh chứng cho sự tiến bộ về kinh tế - xã hội, chăm sóc y tế, cũng như cải thiện mức sống. Việc chuyển đổi từ một “xã hội già hóa” sang một “xã hội già” cho thấy yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các chính sách vừa chăm sóc người cao tuổi vừa tôn vinh những đóng góp của họ cho cộng đồng, xã hội”.

ông Matthew David Jacksons, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Khánh Ly