Tiếng dân

Quảng Nam: Dân “kêu trời” với cơ sở chế biến gỗ nằm giữa khu dân cư

Lan Anh 04/10/2024 - 11:38

(TN&MT) - Vài tháng trở lại đây, từ khi Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ (Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam) hoạt động chế biến gỗ trở lại, người dân ở khố phố Xuân Nam, phường Xuân Chung, TP. Tam Kỳ lại tiếp tục phải thường xuyên chịu đựng mùi hóa chất, khói bụi ô nhiễm cùng tiếng ồn….

Bất an vì ô nhiễm

Khói bụi gỗ, khí thải, mùi sơn PU độc hại và tiếng ồn gây bệnh nan y cho nhiều người là những gì mà người dân ở khối phố Xuân Nam, phường Xuân Chung, TP. Tam Kỳ phải chịu đựng nhiều năm nay bởi Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ hoạt động ngay giữa khu dân cư. Không chịu thấu mức độ ô nhiễm, người dân địa phương đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

tamky.jpg
Người dân ở khối phố Xuân Nam, phường Xuân Chung, TP. Tam Kỳ bức xúc vì Xí nghiệp chế biến gỗ nằm giữa khu dân cư gây ô nhiễm

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, ở khối phố Xuân Nam cho biết, xí nghiệp hoạt động cả ngày lẫn đêm, mùi hôi nồng nặc len lỏi vào từng ngôi nhà, người lớn trẻ em đều không thể chịu đựng nổi. Do đó họ thải khí mùi sơn gây mùi hôi nồng, khó thở. Đã có nhiều người dân xung quanh xí nghiệp mắc bệnh viêm phổi, đường hồ hấp và bệnh ung thư, trong đó có một số người đã chết.

Cách đây, vài tháng xí nghiệp này hoạt động trở lại, tiếp tục xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm, người dân địa phương đã gửi đơn lên UBND phường Trường Xuân. Mặc dù, lãnh đạo xí nghiệp đã hứa đầu tư cải tiến thiết bị xử lý khí thải hạn chế ô nhiễm thế nhưng hiện nay vào ban đêm người dân ở gần ống khói vẫn cảm nhận được mùi hôi vào nhà.

tamky3.jpg
Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ chế biến gỗ ngay giữa khu dân cư

“Thời gian xí nghiệp hoạt động nhiều nhất lúc trưa và rạng sáng tầm 1-2h khi người ta ngủ, chính quyền không thể có mặt để kiểm tra. Họ nói mình đi kiểm tra nhưng khi đó thì doanh nghiệp đã dọn hết rồi. Bản thân tôi đã bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề, phải ra Huế điều trị 2 lần rồi. Doanh nghiệp nói đi mà mãi không thấy di dời. ”, bà Nguyễn Thị Kim Yến bức xúc nói

Nhà cách Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ khoảng 50m, chị Nguyễn Thị Hồng, ở khối phố Xuân Nam cho hay, mỗi lần phía xí nghiệp này thải khói bụi ra môi trường theo gió bay vào nhà dân.

“Họ hoạt động mạnh vào ban đêm, tôi thấy mùi hôi, khét rất khó chịu như là có cả lưu huỳnh. Sống gần xí nghiệp này tôi rất lo lắng về sức khỏe người thân trong gia đình. Người dân ở đây mong muốn xí nghiệp sớm di dời đi nơi khác để trả lại môi trường trong sạch cho dân bởi khu dân cư này hình thành trước khi có xí nghiệp đi vào hoạt động”, bà Nguyễn Thị Hồng bức xúc.

tamky4.jpg
Theo phản ánh của người dân, ống khói của xí nghiệp thường xuyên xả thải khói gây bụi và có mùi hôi

Theo quan sát của chúng tôi, Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ đang hoạt động bên trong có máy móc gây tiếng ồn. Cạnh đó hệ thống ống khói từ trong nhà máy chỉ cách khu dân cư hơn 100m khiến người dân sinh sống gần khu vực này lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật.

Cấp thiết di dời xí nghiệp?

Mới đây, sau khi có phản ánh của người dân về tình trạng tái diễn ô nhiễm của Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ vào cuối tháng 8/2024, UBND phường Trường Xuân đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo xí nghiệp và nhân dân. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo phường Trường Xuân đã ghi nhận ý kiến của người dân vấn đề còn tồn tại lớn nhất hiện nay là khói và mùi hôi của Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ.

Theo lộ trình di dời thì phải thực hiện trong 2 năm theo Nghị quyết HĐND TP.Tam Kỳ năm 2020-2025. Do vậy đề nghị Xí nghiệp khắc phục hệ thống ống khói và hạn chế tối đa mùi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trạm Y tế phường thống kê số người dân bị bệnh tật do ảnh hưởng từ năm 2019 đến nay để báo cáo UBND TP. Tam Kỳ.

Lý giải về tình trạng tái ô nhiễm thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ cho biết, đầu tháng 8/2014 xí nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian ngừng nghỉ vì không có đơn hàng. Về phản ánh khói và mùi hôi gây ô nhiễm của người dân là do công nhân dùng củi đốt để sấy gỗ chứ không có tình trạng sử dụng giẻ và lốp xe để đốt. Hiện nay doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống lò sấy công nghệ hiện đại nên đã hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên về lâu về dài, xí nghiệp sẽ di dời để không ảnh hưởng đến người dân.

tamky5.jpg
Người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm với phóng viên

“Hiện nay doanh nghiệp đã làm thủ tục di dời ra khỏi khu dân cư nhưng không thể thực hiện ngày một ngày hai vì thủ tục rất rườm rà. Theo dự kiến vào quý I/2027, xí nghiệp sẽ di dời đến vị trí khác”, ông Quảng cho biết.

Đại diện phòng TN&MT TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, hiện nay đã có chủ trương di dời Xí nghiệp Lâm đặc sản đến địa điểm mới là KCN Chợ Lò (huyện Phú Ninh) phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường. Huyện Phú Ninh cũng đã chấp nhận thủ tục đầu tư của Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ. Việc di dời sẽ được thực hiện trong thời gian sớm để xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm.

Lan Anh