Kinh tế

Đồng Nai phát huy "3 tiên phong" để trở thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước

Theo Chinhphu.vn 03/10/2024 - 20:00

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 451/TB-VPCP ngày 3/10/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai.

Đồng Nai phát huy
Một góc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Thông báo kết luận nêu rõ, Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược của Vùng Đông Nam Bộ; đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ kết nối Vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, là mắt xích quan trọng trong liên kết Vùng thông qua kết nối đa phương tiện: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành; mệnh danh là thủ phủ công nghiệp với số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, có nguồn nhân lực dồi dào; là vùng đất văn hóa lịch sử lâu đời ở phương Nam với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, kết hợp cảnh quan thiên nhiên sinh thái đa dạng, là "Lá phổi xanh" giữa miền Đông Nam Bộ với Khu dự trữ sinh quyển đa dạng loài động vật, thực vật quý hiếm.

GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đồng Nai tăng 6,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 3/6 của Vùng Đông Nam Bộ và xếp thứ 25/63 cả nước. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 15,6 tỷ USD, tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,71%; xuất siêu 4,3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 9 tháng đạt 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Công nghiệp tiếp tục phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, vốn đầu tư trong nước là điểm sáng, 9 tháng năm 2024 đã đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn hơn 42 nghìn tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Thu hút FDI đạt 1,089 tỷ USD, tăng 34%.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức Tỉnh cần quan tâm có giải pháp. Kinh tế có mức tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, thâm dụng nhiều lao động. Thu hút FDI lớn nhưng chất lượng, giá trị gia tăng không cao, hàm lượng khoa học - công nghệ thấp...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ, lãnh đạo bám sát quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới phục vụ phát triển nhanh, bền vững. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực.

Phát huy "3 tiên phong"

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước; là tỉnh văn minh, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu cả nước.

Đồng thời, phát huy "3 tiên phong": (i) tiên phong trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục; thích ứng biến đổi khí hậu; (ii) tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, cho Vùng và cả nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; (iii) tiên phong trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, nhanh, bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, không có ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng Nai ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; trung tâm nghiên cứu phát triển, công viên khoa học; trung tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Thực hiện cấp mỏ nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm quốc gia trong Vùng và khu vực.

Phát huy vai trò là trung tâm giao thương quan trọng của Vùng

Tỉnh Đồng Nai cần tăng cường liên kết Vùng, quốc gia và quốc tế; phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Vùng; nghiên cứu đề xuất cơ chế theo quy định để sớm đưa vào khai thác hiệu quả, đúng tiến độ, phát huy tính liên kết cụm sân bay: cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng hàng không lưỡng dụng Biên Hòa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường. Chú trọng đối thoại, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, làm tốt công tác an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kịp thời thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, các đối tượng yếu thế, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Tập trung phát triển mạnh hơn nữa về nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân.

Tăng cường bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường trồng và bảo vệ, quản lý rừng, nhất là rừng đầu nguồn, trong đó đặc biệt tập trung quan tâm bảo vệ vùng dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh.

Đến 31/12/2025 cơ bản hoàn thành dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông báo kết luận nêu rõ: Đây là công trình sân bay quốc tế, kết nối với thế giới, có quy mô rất lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Công trình triển khai trong điều kiện khó khăn, các đơn vị chưa có kinh nghiệm triển khai, chủ đầu tư còn khó khăn về vốn, quá trình triển khai gặp đại dịch COVID-19, do đó, đòi hỏi phải triển khai một cách khoa học hơn với cách làm mới, cách tiếp cận mới và phải dịch chuyển thời gian hoàn thành Dự án.

Mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2025 phải cơ bản hoàn thành Dự án để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong trong thời gian tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, nhà thầu xây dựng lại đường gantt tiến độ làm cơ sở điều hành, giám sát quá trình thi công với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đấy, có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức sắp xếp, bố trí việc thi công trên công trường phải khoa học để đến ngày 31 tháng 12 năm 2025 cơ bản hoàn thành nhà ga và các dự án thành phần; phân công công việc phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Các liên danh, nhà thầu chính tích cực triển khai, kêu gọi các nhà thầu phụ, huy động các lực lượng thi công, đặc biệt các nhà thầu trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ công tác thẩm tra, thẩm định, kiểm toán các hạng mục công trình (nghiên cứu việc kiểm toán song song với quá trình thanh toán các gói thầu), tránh thất thoát, lãng phí.

Phát động cuộc thi đua cao điểm 450 ngày đêm trên công trường, đưa Dự án về đích vào ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Theo Chinhphu.vn