Tin tức

Thảm họa Làng Nủ - Góc nhìn khoa học

Khánh Ly 03/10/2024 - 17:47

(TN&MT) - Tại hội thảo khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh"vừa diễn ra, nhóm nghiên cứu thuộc nhiều trường đại học đã khuyến nghị cần xem xét lại cảnh báo ngưỡng mưa có thể gây trượt lở, lũ quét.

Đồng thời khuyến cáo, khi rủi ro trượt lở đạt đến mức rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; di chuyển dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Xác định các biểu hiện trước trượt lở quy mô lớn

Đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ và một số khu vực trọng điểm tỉnh Lào Cai, PGS. TS. Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Vị trí xảy ra trượt lở là từ đỉnh núi Con Voi; Khối trượt có quy mô rất lớn chưa từng được ghi nhận với độ sâu mặt trượt lớn nhất khoảng 40-50m. Trong quá trình tràn xuống khối đất đá bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp (chỉ rộng khoảng 100m) cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km.

461800855_964543015715336_5530998324559030567_n.jpg
PGS. TS. Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin về nguyên nhân ban đầu xảy ra thảm họa ở Làng Nủ

Thời gian xảy khởi đầu của trận sạt trượt nhiều khả năng rơi vào ngày 9/9. Riêng trong ngày này, lượng mưa tích lũy ở khu vực xã Bảo Khánh là 500 mm, và tăng lên 633mm vào ngày hôm sau 10/9 (bằng 1/4 lượng mưa trung bình năm của toàn tỉnh Lào Cai). Đến 6 giờ sáng 10/9, do áp lực của nước dâng lên mà đập tạm bị vỡ, lũ bùn đá tràn và lan rộng xuống phần địa hình phẳng bên. Một số vị trí nhà dân bên dưới vẫn an toàn do vị trí đủ cao so với dòng suối, vượt trên tầm ảnh hưởng của lũ bùn đá.

“Có thể thấy lượng mưa 1 giờ lớn hơn 40mm và lượng mưa tích lũy hơn 250 mm có thể gây trượt lở/lũ bùn đá” - PGS. TS. Nguyễn Châu Lân nhận định và kiến nghị nên xem xét về cảnh báo ngưỡng mưa. Đồng thời, xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để tìm cách phòng tránh an toàn

Theo GS.TS Đỗ Minh Đức, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), với trường hợp thôn Làng Nủ, nhóm nghiên cứu tập trung vào trượt lở quy mô lớn, lũ bùn đá và lũ quét do nghẽn dòng, kèm các tai biến dọc theo dòng chảy trên đất dốc. Khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự như Làng Nủ không phải là cá biệt, mà ngược lại, khá phổ biến ở khu vực miền núi Việt Nam.

untitled.png
Minh họa cơ chế trượt lở quy mô lớn tại khu vực Làng Nủ

Đặc biệt, một dấu hiệu nhận biết là dòng suối từ trên núi chảy xuống bị uốn cong nhiều lần, thể hiện trong quá khứ từng có khối trượt và lấp đi dòng chảy cũ, khiến dòng chảy mới phải uốn cong để chảy qua khối trượt đó. Khi khảo sát khu vực quanh Làng Nủ, các nhà khoa học cũng báo cáo với lãnh đạo địa phương về việc một số khu dân cư đang nằm cạnh những con suối bị uốn cong liên tục, nhà ở vị trí thấp ven suối. Kế hoạch tái định cư cần đưa cả các hộ dân này vào chứ không chỉ riêng Làng Nủ.

GS.TS Đỗ Minh Đức chia sẻ, để phòng rất cần phát hiện sớm biểu hiện thiên tai, đặc biệt là tình huống trượt lở đất đá quy mô lớn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo, công tác này cần chuyên gia có chuyên môn trong tránh các lĩnh vực liên quan. Còn với điều kiện thực tế của đa phần nhà quản lý và cơ quan địa phương chủ yếu dựa trên biểu hiện về địa hình, địa mạo, bề ngoài mặt đất... Trước mắt, một dấu hiệu tiên quyết của trượt lở quy mô lớn là xuất hiện khe nứt tách ra trên sườn dốc (do tích lũy biến dạng). Điều này có thể phát hiện bằng cách thường xuyên kiểm tra thủ công, sử dụng máy bay không người lái... Khi thấy có dấu hiện cần lập tức di chuyển người dân đến nơi an toàn.

Khi phát hiện các vị trí đã hình thành vết nứt, cần che phủ bạt, hoặc HDPE, dùng thép đóng ghim xuống để không cho nước ngấm tiếp tục vào khe nứt. Đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước, không cho nước ngấm trực tiếp vào khu vực có vết nứt. và tiến hành thoát nước ngang ở khu vực mái dốc.

Cần lưu ý, một số khe nứt sẽ không dẫn ngay đến trượt lở, sau đó, người dân canh tác sản xuất có thể xóa dấu vết khe nứt trên mặt đất. Nhưng một khi đã xuất hiện khe nứt, sườn dốc sẽ không thể tự “liền lại” được nữa và nguy cơ trượt lở luôn tiềm ẩn. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện việc trồng rừng sản xuất, đặc biệt là cách trồng và khai thác cây keo lai trên đất dốc dẫn đến là cái nguy cơ hình thành khối trượt quy mô lớn. Trong bối cảnh mưa bão rất phức tạp như hiện nay, các địa phương cần hết sức lưu ý các taluy đường giao thông, nhà ở, các mái dốc rừng sản xuất đã qua một vài lần khai thác và trồng lại, vị trí công trình, tháp viễn thông, đường dây tải điện… trên các sườn dốc.

461879661_964542869048684_6781035105075399542_n.jpg
GS.TS Đỗ Minh Đức, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chai sẻ về các biểu hiện trượt lở quy mô lớn, lũ bùn đá, lũ quét do nghẽn dòng

Mặt khác, cần hết sức phòng tránh hiện tượng nghẽn dòng. Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp ít nhất gần 20 trường hợp lũ bùn đá, lũ quét do nghẽn dòng và hậu quả thiệt hại đều rất nghiêm trọng. Cách phát hiện là rà soát thường xuyên hệ thống sông suối và nhờ đó có thể phát hiện sớm. “Kinh nghiệm này chúng tôi đã áp dụng tại miền Trung, bằng cách thành lập các tổ, đội xung kích và khi mưa lớn thì họ chủ động rà soát tất cả các dòng chảy. Khi phát hiện cây cối, đất đã lấp dòng chảy thì khơi thông và cảnh báo đến người dân” - GS.TS Đỗ Minh Đức chia sẻ.

Bài toán quy hoạch và cảnh báo sớm

Chia sẻ thông tin tại hội thảo, theo PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Chủ tịch Hội địa chất công trình và môi trường Việt Nam, thực tế, chưa có quốc gia nào trên thế giới có thể là dự báo một cách chính xác thời điểm xảy ra trượt lở, lũ quét mà chỉ có thể cảnh báo một khoảng thời gian nhất định, sớm ngày nào hay ngày đó. Thậm chí, thông tin cảnh báo đến được với người dân dù trước chỉ 1 phút thôi cũng có thể cứu được nhiều người.

461874738_964542892382015_2326190933405230695_n.jpg
Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện, trường, hội chuyên ngành và người dân quan tâm đã tham dự hội thảo

Về cảnh báo sớm, mặc dù đã có hệ thống cảnh báo, các bản đồ, dự báo nguy cơ trượt, sạt lở đất đá, thậm chí cụ thể đến từng xã và từng thôn song còn chiếm tỉ lệ nhỏ. Trên bình diện chung, mức độ chi tiết chưa cao nên hiệu quả cảnh báo sớm còn hạn chế. Mạng lưới quan trắc còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư. Mật độ trạm, điểm đo dày thì đương nhiên mức đầu tư sẽ lớn. Đó là chưa kể đến chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị để đảm bảo thông tin truyền về thường xuyên, liên tục.

Theo GS.TS Đỗ Minh Đức, hiện nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có trang web cảnh báo sạt lở, lũ quét theo thời gian thực. thông tin tại dây có thể giúp cảnh báo nguy cơ xảy ra trượt lở nông, còn sạt lở quy mô lớn và nghẽn dòng thì ít phụ thuộc vào tác động của mưa, hay nói cách khác, mưa không phải yếu tố chính nên việc dự báo cũng sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đây là thông tin ban đầu hữu ích cho cơ quan phòng chống thiên tai của địa phương và người dân, kết hợp theo dõi thông tin lượng mưa từ các đài khí tượng hoặc truy cập một số phần mềm để đưa ra quyết định chuẩn bị ứng phó.

picture1.png
Trang web thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở theo thời gian thực http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/

PGS.TS nguyễn Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, công cụ và công nghệ cảnh báo hiện nay đã được thương mại hóa, có thể gửi thông tin theo thời gian thực. Địa phương có thể dựa trên bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá để xem xét vấn đề đầu tư thiết bị phục vụ cảnh báo sớm tới từng khu dân cư thôn, bản trong khu vực có nguy cơ cao và cần được ưu tiên.

Thông thường có thể lắp đặt hệ thống đo mưa, lớn hơn nữa là hệ thống giám sát dịch chuyển đất hoặc sử dụng vệ tinh theo dõi. Mỗi khu vực có đặc điểm tự nhiên, địa chất khác nhau nên không thể áp đặt dùng hệ thống hay thiết bị cảnh báo giống nhau, cần phải lựa chọn yếu tố phù hợp để theo dõi. Ví dụ, khu vực có nguy cơ trượt lở khối lớn, nhiều nước sử dụng thiết bị đo trực tiếp dưới khối trượt. Những thiên tai có thể giám sát ở trên mặt đất như lũ bùn, lũ quét thì có thể sử dụng thông tin đo lượng mưa kết hợp bản đồ cảnh báo...

"Hệ thống có hiện đại đến đâu thì đầu tiên con người vẫn phải có ý thức về việc đảm bảo an toàn cho bản thân. Đã có nhiều trường hợp có dấu hiệu sạt lở, hoặc sạt lở một lần rồi nhưng người dân vẫn ở lại khu vực sạt lở để cứu tài sản, phương tiện, để rồi lần sạt lở ngay sau đó cướp đi sinh mạng của rất nhiều người - PGS.TS nguyễn Đức Mạnh lưu ý.

Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc hay một số nước quanh Việt Nam, mỗi nước có hành động riêng nhưng họ đã xây dựng hành lang pháp lý về phòng chống thiên tai chặt chẽ và thực thi nghiêm túc, từ các hoạt động xây dựng, quản lý quy hoạch, chú trọng những khu vực nhạy cảm với thiên tai. Họ đầu tư mạng lưới quan trắc theo thời gian thực bài bản với một nguồn lực rất lớn, dưới sự điều hành trực tiếp của Ủy ban giảm nhẹ thiên tai của mỗi quốc gia. Các công nghệ sử dụng ở đây có thể là công nghệ từ xa như viễn thám, vệ tinh... Thiên tai vẫn xảy ra nhưng họ chấp nhận bỏ hạ tầng để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Đây là kinh nghiệm để Việt Nam có thể học tập.

Cần những giải pháp tổng thể

PGS.TS nguyễn Đức Mạnh, trong các kế hoạch phòng chống sẽ cần đưa ra giải pháp ưu tiên bảo vệ các cơ sở thiết yếu của địa phương, trường học, bệnh viện, nơi tập trung dân cư. Nghiên cứu được đưa ra chỉ ra trường hợp cụ thể của Làng Nủ, nhưng thực tế đối diện trong tương lai còn lớn hơn rất nhiều, bởi địa hình không nơi nào giống nơi nào, giải pháp cũng không thể áp dụng từ nơi này đến nơi khác.

Vấn đề đặt ra hiện nay là công nghệ phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai không hề nhỏ nhưng hậu quả vẫn rất thảm khốc. “Việt Nam cần có một trung tâm điều phối công tác phòng chống và ứng phó thiên tai tầm cỡ quốc gia đề điều phối thực hiện. Chúng ta có thể đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo nhưng việc tiếp nhận, xử lý thông tin để ra quyết định cần có cả hệ thống vận hành có sự tham gia của các bên liên quan. Từ đó, vừa bảo vệ an toàn, giảm thiểu thiệt hại những vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh khi thiên tai xảy ra” - PGS.TS nguyễn Đức Mạnh nhấn mạnh.

picture2.png
Một khu vực điển hình có dòng chảy uốn cong hai lần trong phạm vi hẹp, dân cư phân bố ở khu vực thấp dọc theo ven suối. Ảnh: GS.TS Đỗ Minh Đức

Về giải pháp trước mắt, theo GS.TS Đỗ Minh Đức Vấn cho rằng, Việt Nam cần chủ động ứng phó bằng cách xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực có rủi ro cao. Lưu ý các loại hình trượt lở, lũ quét khác nhau. Xây dựng bản đồ, cơ sở dữ liệu các đối tượng chịu tác động về tự nhiên, dân sinh; bản đồ rủi ro và các kịch bản ứng phó phục vụ quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn với thiên tai trên các vùng đất dốc.

Để cảnh báo sớm, do mưa là yếu tố chủ yếu kích hoạt trượt lở nên cần đầu tư tăng dày mật độ quan trắc, phát hiện sớm mưa lớn cực đoan. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc, nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông thông tin cảnh báo sớm, đảm bảo chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân trong vùng bị tác động của trượt lở nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và hiểu rõ các hành động cần triển khai khi có yêu cầu.

Các địa phương cần phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ cơ sở xã, thôn, các tổ đội xung kích phòng tránh thiên tai, như phát hiện sớm các dấu hiệu trượt lở, lũ quét. Chính quyền và người dân cần chú ý đến tính bất thường và cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn nhất.

Nhìn về trung hạn có thể ưu tiên đảm bảo an toàn các khu vực tập trung dân cư, kiểm soát tác động tiêu cực từ mưa, giảm tải tác động dân sinh lên đất dốc, trong một số trường hợp cần quy hoạch cả đường thoát nước ngầm. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn và cần xây dựng quy trình, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện… trong vùng có rủi ro trượt lở.

Trong dài hạn, các nhà khoa học đề xuát cần xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể các vùng đất dốc; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để tăng sức chống chịu và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các ngành Khoa học Trái đất trong thời gian tới.

Khánh Ly