Biến đổi khí hậu

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam

Khánh Ly 03/10/2024 - 17:45

(TN&MT) - Hôm nay, ngày 3/10 đánh dấu kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2024). Nhân dịp này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam qua các thời kỳ.

Bức thư bày tỏ: Trong suốt chặng đường 79 năm xây dựng và phát triển, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam từng thời kỳ, từng thế hệ đã không ngừng cống hiến, đóng góp, chung tay cùng xã hội vì sự phát triển bền vững đất nước. Công tác khí tượng thủy văn ngày càng được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, ghi nhận thông qua kết quả công tác dự báo, cảnh báo. Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam luôn khẳng định vai trò và có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, chủ động và trách nhiệm với các nước thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới.

anh-1.jpg
Ngày 3/10 đánh dấu kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2024)

Nam 2024 được dự báo là một năm biến động với nhiều thiên tai khắc nghiệt. Ngay từ đầu năm, thời tiết, thủy văn, hải văn đã có những diễn biến phức tạp, dị thường. Các loại hình thiên tai xảy ra ở khắp các vùng miền của Tổ quốc, trên biển Đông và từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến khu vực Nam Bộ. Đặc biệt, cơn bão số 3 (YAGI) vừa qua là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra, và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn bày tỏ tin tưởng sâu sắc: Với bề dày truyền thống, tinh thần đoàn kết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập thành tích hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2025). “Công tác khí tượng thủy văn sẽ ngày càng đáp ứng được đẩy đủ các mục tiêu, yêu cầu phát triển của đất nước và phục vụ thiết thực đời sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân” – bức thư có đoạn viết.

thumbnail_anh-12.png
Quan Trắc viên Trạm Khí tượng Hải văn Đảo Cô Tô, Đài KTTV Đồng bằng và Trung du Bắc bộ dũng cảm trong gió bão truyền dẫn số liệu quan trắc về đất liền phục vụ kịp thời dữ liệu cho việc ra bản tin dự báo bão sáng 7/9/2024. Ảnh: Hoài Linh

Cũng trong dịp này, Ngành Khí tượng thủy văn đón tin vui: Tổ chức Khí tượng Thế giới vừa công nhận Trạm Thủy văn Hà Nội (đặt tại TP. Hà Nội), Trạm Thủy văn Châu Đốc (đặt tại tỉnh An Giang) có lịch sử quan trắc trên 100 năm. Cùng với Trạm Khí tượng Phù Liễn (đặt tại TP. Hải Phòng), Việt Nam đã có 3 trạm được gắn biển có lịch sử quan trắc trên 100 năm.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, Trạm Khí tượng Phù Liễn, Trạm Thủy văn Hà Nội, Trạm Thủy văn Châu Đốc đều đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Được xây dựng ít nhất 100 năm; có hoạt động liên tục ít nhất một yếu tố khí tượng tính từ khi bắt đầu hoạt động đến nay và đang hoạt động bình thường tính đến thời điểm đề cử; trạm được quan trắc, vận hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới; có bộ dữ liệu lịch sử, có tọa độ địa lý thực tế, hoặc có nguồn gốc cụ thể gồm độ cao, thành phần khí tượng được xác định và đơn vị khí tượng, cũng như lịch trình quan trắc.

Trải qua hơn 100 năm hoạt động, 3 trạm đã quan trắc số liệu phục vụ công tác dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ… góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Đây là niềm tự hào của ngành khí tượng Việt Nam và cũng là sự khẳng định, ghi nhận đối với những đóng góp tiêu biểu của ngành khí tượng Việt Nam với thế giới.

z5881089131298_d0ed88f6211942b22e89d87cac7cb894.jpg
Cán bộ Trạm thủy văn Hà Nội đón đoàn công tác khí tượng thủy văn từ Trung Quốc đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm cuối tháng 9/2024

Trong những năm qua, Tổ chức khí tượng thế giới đã lựa chọn Việt Nam là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á (RFSC Hà Nội) về thời tiết nguy hiểm, và Trung tâm hỗ trợ dự báo lũ quét khu vực Đông Nam Á. Đảm nhận công việc này, Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, tạo điều kiện để nước nhà nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong hợp tác với WMO, Tổng cục đã thực hiện công tác phát báo quốc tế thường kỳ, chia sẻ số liệu từ 33 trạm khí tượng bề mặt, 6 trạm thám không và 15 trạm khí hậu của quốc gia.

Việt Nam đã cung cấp các bản tin cảnh báo dự báo thời tiết nguy hiểm, lũ quét và sạt lở đất cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nỗ lực đã được bạn bè quốc tế, đặc biệt là WMO và các thành viên, các nước láng giềng trong khu vực ghi nhận. Qua đó, các cơ quan KTTV quốc gia của các nước khu vực Đông Nam Á sẽ có được sản phẩm tham khảo chi tiết hơn để tăng cường chất lượng các bản tin dự báo của họ.

Ngoài ra trong khuôn khổ chương trình giám sát khí quyển toàn cầu của WMO, Việt Nam đã được đầu tư 1 trạm quan trắc, giám sát khí hậu toàn cầu đặt tại Pha Đin, thuộc Đài KTTV khu vực Miền núi phía Bắc. Trạm giám sát Pha Đin đã cung cấp kịp thời và đầy đủ dữ liệu nền phục vụ hoạt động giám sát khí hậu toàn cầu.

Cùng với hợp tác quốc tế về khí tượng, Tổng cục KTTV đã hợp tác với Liên Chính phủ (IOC) thông qua Đầu mối Viện Hải dương học, chia sẻ hoạt động dự báo hải văn, số liệu quan trắc hải văn của 2 trạm Hải văn Quy Nhơn và Vũng Tàu. Qua đó, góp phần dự báo và cảnh báo sớm sóng thần ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

461963806_837324241903934_8529368193840141798_n-1-.jpg
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Khí tượng Thủy văn thực hiện giám sát mọi diễn biến về thời tiết, thủy văn trên cả nước; dự báo và cảnh báo thời tiết thủy văn hàng ngày, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm. Ảnh: Tổng cục KTTV

2 trạm do Trung tâm phát triển châu Á Thái Bình Dương (APDC) tài trợ lắp đặt toàn bộ. Số liệu thu thập được truyền tự động qua vệ tinh từng phút và cơ quan hải dương học có thể theo dõi, kiểm tra sự hoạt động và xem số liệu của trạm qua mạng Internet.

Trong khuôn khổ hợp tác với Ủy ban sông Mê Công quốc tế thông qua Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Tổng cục KTTV đã hợp tác chia sẻ số liệu một số trạm thủy văn hạ lưu sông Mê Công tại Việt Nam cho Ủy ban sông Mê Công.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), Tổng cục KTTV được giao hợp tác về tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi số liệu, thông tin thời tiết nguy hiểm và cảnh báo sớm đa thiên tai. Đặc biệt, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin qua các các cuộc họp hiệp thương giữa hai nước khi có bão xảy ra trong khu vực.

1kttv310.jpg
Các đại biểu quốc tế thảo luận tại Hội thảo Công bố Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS)

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, Tổng cục KTTV và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã hợp tác chia sẻ số liệu giữa các trạm thủy văn trong mùa lũ thường xuyên và thông suốt. Các thông tin thủy văn này đã giúp cho hai Bên giám sát nguồn nước, giám sát, dự báo, cảnh báo lũ tại các lưu vực sông xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm thiểu rủi ro thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt gây ra, phát triển bền vững kinh tế – xã hội cho hai quốc gia và cho cả khu vực Châu Á. Hoạt động vừa đảm bảo an toàn cho người dân, sự thịnh vượng của hai quốc gia vừa củng cố, thắt chặt mối quan hệ bằng hữu hai nước láng giềng.

Thông qua nghĩa vụ quốc tế tham gia các tổ chức quốc tế thành viên, đối tác song phương, Tổng cục KTTV đã kịp thời tiếp nhận dữ liệu quan trắc KTTV của quốc tế để phục vụ công tác dự báo trong nước và chia sẻ dữ liệu của Việt Nam cho các thành viên WMO, các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực và quốc tế.

Khánh Ly