Biến đổi khí hậu

Thiên tai cực đoan dồn dập

Khánh Ly 03/10/2024 - 13:15

(TN&MT) - Tháng 9 vừa qua, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Bộ tăng gấp đôi, gấp 3 so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí có nơi cao hơn. Bão, lũ, lũ quét, sạt lở xảy ra dồn dập cho thấy áp lực của ngành khí tượng thủy văn (KTTV) ngày càng lớn. Dự báo từ xa chưa đủ mà còn phải tính toán, cảnh báo liên tục, kịp thời các yếu tố cực đoan, bằng mọi cách để chi tiết hóa khu vực có thể xuất hiện thiên tai.

Nhiều yếu tố bất thường cùng lúc

Nhìn lại tháng 9, trên Biển Đông xuất hiện 2 cơn bão và đều tác động đến đất liền Việt Nam. Bão số 3 gây gió mạnh từ câp 6 - 12, giật cấp 8 - 14 tại nhiều địa phương trên đất liền. Từ ngày 7 - 12/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến 250 - 450mm, có nơi trên 550mm.

anh-minh-hoa.jpg

Theo Bộ TN&MT, tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4 - 6 lần so với TBNN trong 10 ngày đầu tháng 9. Ví dụ, trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với TBNN cùng thời kỳ.

Do mưa lớn, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh và vượt báo động 3 (BĐ3) - mức lũ khẩn cấp, cực kỳ nguy hiểm. Một số sông vượt BĐ3 từ 3 - 4m, vượt đỉnh lũ lịch sử đã tồn tại hàng chục năm. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ TN&MT nhận định, đây là trận lũ lớn bất thường, mực nước lên nhanh (tại Yên Bái, Lào Cai trong vòng 5 - 11 giờ từ cấp BĐ1 đã lên mức lũ khẩn cấp), xảy ra trên diện rộng, thời gian ngập kéo dài trên dòng chính sông Hồng.

Tiếp sau đó, bão số 4 (SOULIK) dù suy yếu ngay sau khi vào đất liền, nhưng hoàn lưu sau bão đã gây mưa diện rộng ở Trung Bộ từ ngày 17 - 23/9. Tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi hơn 500mm, đặc biệt tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) mưa 636mm. Mưa, bão liên tục kéo theo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Khó khăn chồng chất đối với đội ngũ cán bộ KTTV khi phải liên tục căng mình, làm việc bất kể ngày đêm để dự báo, cảnh báo. Thông tin dồn dập theo diễn biến thiên tai, được cơ quan KTTV cung cấp đầy đủ, nhanh nhất đến các cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương ở khu vực Bắc Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Trong điều kiện công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các trị số cực đoan, bất thường, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan KTTV với thường trực Ban chỉ đạo PCTT các cấp, từ Trung ương đến địa phương được xem là bài học kinh nghiệm hiệu quả trong cơn bão số 3.

Theo Bộ TN&MT, ngay từ khi bão số 3 vào Biển Đông, cơ quan KTTV đã thực hiện cung cấp các bản tin bám sát diễn biến của bão, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời giúp các địa phương triển khai biện pháp phòng chống từ rất sớm, không để bị động. Khi bão đổ bộ, tần suất thông tin đến cho cơ quan Phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tăng lên từ 30 phút đến 1 giờ một lần; tăng cường các bản tin chuyên đề cho các điểm nóng, diễn biến phức tạp.

Cơ quan KTTV cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ về gió mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó. Ngôn ngữ thông tin, truyền thông về tác động của bão, mưa lớn, lũ được sử dụng theo hướng dễ hiểu, giúp hành động ứng phó đúng mức.

Khó khăn còn nhiều, trước mắt, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình KTTV, tăng cường và nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là thiên tai: mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét; truyền tải thông tin đa dạng trên nền tảng công nghệ số và cung cấp kịp thời cho các cơ quan, tổ chức.

Công tác điều tra, khảo sát tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá sẽ được triển khai nhằm khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để cảnh báo. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu...; thời gian mùa lũ phù hợp với quy định và ưu tiên dành dung tích cắt giảm lũ cho hạ du.

Để nâng cấp và đổi mới hệ thống cảnh báo, Bộ TN&MT đề xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy để nâng cao độ chính xác của các mô hình dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với lũ lụt, bão và sạt lở đất. Bổ sung thêm các trạm quan trắc tự động với các công nghệ quan trắc thế hệ mới, nhất là ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác, kịp thời. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phương thức ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai kết nối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng các chương trình giáo dục và truyền thông về biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai nhằm nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp tự phòng ngừa và bảo vệ trước thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát lại các quy hoạch, chiến lược của địa phương bao gồm quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, quy hoạch phòng chống thiên tai đặc biệt tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua...

Khánh Ly