Biển đảo

Những mầm xanh vươn lên từ nắng gió

Phan Thị Trang Đoan - Xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh 03/10/2024 - 13:14

(TN&MT) - Người ta vẫn thường nói, với ý chí và sức mạnh của con người, không điều gì là không thể. Không ai khác, chính con người đã tạo nên những phép màu, những kỳ tích cho mình. Nhìn rặng cây mướt xanh hiên ngang giữa bão bùng, nắng gió và muôn trùng sóng vỗ Trường Sa, tôi càng tin vào điều đó - những điều diệu kỳ được làm nên từ chính bàn tay của con người.

Những đôi tay, những tấm lòng

Chắc hẳn điều gây ngạc nhiên trước hết đối với bất cứ ai đặt chân đến Trường Sa đều là “màu xanh” nơi đây. Khó có thể tin đươc giữa mênh mông biển khơi, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi nắng cháy da và gió thổi bạt người ấy lại là một “thảm xanh” với đủ các loại cây. Ngoài những cây đặc trưng vốn đã quen với điều kiện nắng gió ở đảo như: tra, bàng vuông, bão táp, mù u, phi lao... thì nơi đây còn có nhiều loại cây ăn quả như: xoài, mãng cầu xiêm, măng cụt, chuối, đu đủ, chanh, quất, dừa, dưa hấu... Lẽ dĩ nhiên, ở những vùng điều kiện khắc nghiệt như thế này, không điều gì tự nhiên mà có. Để Trường Sa hôm nay xanh là quyết tâm, nỗ lực của không chỉ những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo mà còn có sự chung tay, góp sức của cả nước.

dao-da-tay.jpg

Nhiều năm qua, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo cho đảo. Đây là một trong những chủ trương lớn, trọng tâm mà Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân triển khai thực hiện để xây dựng huyện đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Trồng, chăm sóc, nhân rộng, phát triển hệ thống cây xanh không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện môi trường sống, chất lượng sống; phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Những thảm xanh giữa trùng khơi cũng đồng thời là lá chắn sóng bảo vệ cho đảo, làm dịu đi cái nắng cái gió nơi đây.

Trung tá Phạm Tiến Điệp - Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, diện tích phủ xanh trên đảo Trường Sa hiện đạt 80 - 90%, riêng khu vực phía Đông Bắc của đảo, do điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt nên việc phủ xanh đang rất khó khăn, đơn vị tiếp tục tổ chức trồng theo hình thức lấn dần ra biển. Trung úy Đào Công Ngọc, Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa, chia sẻ: “Điều kiện khí hậu ở đảo khắc nghiệt, sóng to, gió lớn nên cây khó chăm hơn ở đất liền. Vì vậy, các chiến sĩ phải chăm sóc, che chắn cẩn thận từ lúc cây còn nhỏ. Vào mỗi buổi chiều, các đơn vị cắt cử cán bộ, chiến sĩ đi tưới cây, chăm sóc cây, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp”. Trong điều kiện khan hiếm nước ngọt, các chiến sĩ phải tiết kiệm và tận dụng nước sinh hoạt hàng ngày để tưới cây. Thiếu thốn, khan hiếm là vậy nhưng được chăm chút cẩn thận, thường xuyên nên cây trên đảo vẫn xanh, hoa vẫn luôn thắm sắc.

Đến nay, riêng đảo Trường Sa đã trồng được hàng chục nghìn cây xanh. Vườn ươm của Liên chi đoàn đảo Trường Sa có khoảng 2 nghìn cây ươm. Để chủ động nguồn cây giống cho đảo, đơn vị giao cho mỗi cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên ươm từ 5 - 10 cây/đợt, khi cây đủ độ lớn sẽ mang ra trồng. Hạt giống được lấy từ quả của các cây trồng trên đảo. Việc che chắn, cắt tỉa, chăm sóc cây được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là vào những ngày "Thứ Bảy tình nguyện", "Chủ nhật xanh"…

Tại đảo Đá Tây, từ năm 2019 đến nay đã trồng hàng nghìn cây phi lao. Thượng tá Dương Chí Nguyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, người gắn bó nhiều năm với đảo Đá Tây và luôn xem đây là ngôi nhà thứ hai để trở về, chia sẻ rằng trước đây, khi tới Đá Tây chỉ thấy một vùng trắng cát, không một bóng cây xanh. Vậy mà với nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ, sau chưa đầy 5 năm đã có “diện mạo” như bây giờ, những lối đi rợp bóng phi lao, những hàng cây ăn quả, những luống rau xanh tốt, khó có thể tin được trước kia nơi đây chỉ có cát và san hô…

Trồng cây đã khó, trồng rau quả nơi đây còn vất vả hơn nhiều. Thời tiết nắng mưa thất thường, gió bão, sóng biển,… là thách thức lớn, đòi hỏi phải làm nhà lưới che chắn, thường xuyên cải tạo đất và chú trọng việc chăm bón, tưới tiêu. Ấy vậy mà những giàn mướp, khổ qua, bầu, bí,… vẫn chi chít quả. Những vườn rau với đủ các loại cải, rau ngót, mồng tơi,... vẫn mướt xanh. Những ruộng dưa vẫn cho cơ man trái ngọt. Được biết, đến nay, lượng rau, quả trồng tại đảo gần như đủ để phục vụ bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây.

Để có được thành quả đó, trước hết là nhờ bao mồ hôi, công sức, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Bên cạnh đó, không thể không kể đến tình cảm, sự chung tay của đất liền. Hàng năm, khắp cả nước đã gửi về Trường Sa hàng chục nghìn cây giống, hạt giống; hàng chục tấn phân bón, đất trồng cũng như nguyên, vật liệu phục vụ việc trồng và chăm sóc cây, rau. Khó có thể nói hết sự xúc động khi giữa muôn trùng biển khơi, bắt gặp những vườn dừa mướt xanh của tỉnh Bình Định, Bến Tre,… trồng kỷ niệm. Hóa ra “màu xanh” nơi đây không chỉ được làm nên từ những đôi tay mà còn cả những trái tim!

Để Trường Sa mãi xanh

Những gì có được hôm nay quả thực là một kỳ tích nhưng để phủ sắc xanh lên tất cả các đảo ở Trường Sa, để màu xanh trường tồn nơi đây là một quá trình lâu dài, cần sự chung tay của đất liền và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Bởi còn rất nhiều vùng đất trống cần được phủ xanh. Bởi không phải một hạt giống gieo xuống là lên cây. Bởi không phải cứ trồng là cây sẽ lên xanh. Bởi không phải cây đã tốt tươi là có thể yên tâm. Nhiều năm, những trận bão lớn càn quét qua đảo, xô ngã gần như toàn bộ cây cối. Các cán bộ, chiến sĩ, người dân lại chung tay dựng lại từng cái cây, làm lại từ đầu. Nhìn bức ảnh của Trường Sa sau cơn bão năm 2017, khó có thể tin hôm nay, những hàng cây ấy lại có thể vững chãi vươn mình tỏa bóng mát khắp một vùng.

vuon-rau.jpg

Trường Sa cần nhiều cây giống, hạt giống, phân bón, đất trồng và đặc biệt là nước ngọt. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ, góp cây giống cho Trường Sa, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn các máy móc, thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt và lọc nước sao cho có thể sử dụng phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Nếu mỗi người đều nuôi khát vọng Trường Sa xanh, đều mong muốn và chung tay vào việc phủ xanh những hòn đảo quê hương, chắc chắn chúng ta sẽ biến mọi ước mơ thành hiện thực.

Trò chuyện với các chiến sĩ nơi đây, nhìn cách nâng niu che chắn từng chiếc lá, chăm sóc từng bông hoa mới biết “sắc xanh” có ý nghĩa thế nào với họ. Đó là màu của sự sống, của hơi ấm đất liền, của biết bao yêu thương và hy vọng. Từ bé, tôi đã được nghe câu hát “Ai trồng cây người đó có bóng mát” và hôm nay tôi tin, người trồng cây không chỉ mong bóng mát cho mình. Mỗi hạt giống gieo xuống đất, mỗi mầm cây vươn lên trong nắng gió hôm nay là mồ hôi, là công sức và cũng là bao tình cảm, niềm tin, hy vọng gửi đến cho mai sau!

Phan Thị Trang Đoan -

Xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Phan Thị Trang Đoan - Xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh