Môi trường

Đắk Nông: Phát động dọn vệ sinh môi trường

Phạm Hoài 02/10/2024 - 17:13

(TN&MT) - Ngày 2/10, tại TP. Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ phát động, ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành cùng 600 cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động và người dân.

om.jpg
Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, tính đến 30/9/2024, toàn tỉnh ghi nhận 4.090 ca mắc SXH Dengue, trong đó, 1 ca tử vong. Số ca mắc ghi nhận tại 70/71 xã/phường/thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố - trừ xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô chưa ghi nhận ca mắc. Với 189 ổ dịch SXH Dengue trên địa bàn, hiện toàn tỉnh Đắk Nông đã có 174 ổ dịch kết thúc và 15 ổ dịch đang hoạt động. Để phòng chống SXH Dengue, công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện một cách đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã/phường/thị trấn.

2(4).jpg
Đông đảo cán bộ, học sinh, người dân tham dự

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo sát sao các địa phương, ban, ngành, đoàn thể về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue. Trong đó, tỉnh nhấn mạnh với các đơn vị về tính chủ động, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại các ổ dịch, các điểm nóng về SXH Dengue trên địa bàn tỉnh.

Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH Dengue, 8/8 địa phương đã tổ chức các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH Dengue; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại ổ dịch và khu vực nguy cơ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn và giao ban chuyên môn về công tác phòng chống SXH Dengue tại các địa phương.

dn2.jpg
Quang cảnh buổi lễ phát động, ra quân dọn vệ sinh môi trường

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Tỉnh đang trong cao điểm mùa mưa kèm theo diễn biến bất thường của thời tiết, nhiệt độ, môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, truyền bệnh SXH. Vì vậy, diệt lăng quăng, bọ gậy để muỗi không có môi trường sinh sản và phát triển để phòng, chống dịch bệnh SXH vô cùng quan trọng.

Để công tác phòng chống dịch bệnh SXH Dengue trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả thời gian tới, ông Hồ Văn Mười yêu cầu, các cấp, ngành và toàn thể người dân cùng chung tay đẩy mạnh vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống dịch bệnh; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc để phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, Ngành Y tế hướng dẫn chuyên môn cụ thể, thường xuyên để hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống bệnh dịch SXH Dengue ngay tại mỗi gia đình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức trong người dân địa phương về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch. Sau 2 tuần lễ ra quân, cần kiểm tra đánh giá lại tính hiệu quả của chương trình.

3(2).jpg
Học sinh cùng tham gia tuyên truyền tại một số tuyến đường

Sau buổi lễ phát động, ra quân dọn vệ sinh môi trường, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã tổ chức diễu hành, tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH tại các tuyến đường, khu dân cư; các đoàn thể và người dân cũng đã tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm tại khu dân cư nhằm hưởng ứng ngày ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch SXH Dengue.

Cùng ngày, gần 300 người là cán bộ, người dân huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cũng đã tham dự Lễ ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng phòng, chống sốt SXH. Huyện Đắk R’lấp là 1 trong 2 địa phương ghi nhận ca mắc SXH lớn nhất tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 893 ca mắc SXH, 85% các tổ dân phố, thôn, bon đều có ca mắc với 29 ổ dịch, 1 ca tử vong.

Phạm Hoài