Tài nguyên

Cục Địa chất Việt Nam đề xuất rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chuyên môn kéo dài

Mai Đan 02/10/2024 - 16:16

(TN&MT) - Sáng 2/10, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam báo cáo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên về tình hình thực hiện và phương án đề xuất rà soát điều chỉnh của các nhiệm vụ chuyên môn kéo dài.

Cụ thể, các nhiệm vụ gồm: Đánh giá tiềm năng các diện tích có triển vọng nhất vùng quặng thiếc Lâm Đồng - Khánh Hòa; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng magnesit, dolomit và wolastonit vùng Tây Sơ Ró, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai; Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang; Bay đo từ phổ gamma và trọng lực Lào Cai - Yên Bái tỷ lệ 1:50.000 - 1:25.000; Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Tú Lệ, thuộc tỉnh Sơn La và Yên Bái.

Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kan Nack (thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định); Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất tỷ lệ 1/100.000 vùng biển 0-30m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn (Thanh Hóa); Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ IaMer, tỉnh Gia Lai; Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

img_0170.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Ngày 12/7/2024, Cục đã có Công văn số 1263/ĐCVN-KHTC gửi Bộ về việc đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện 9 nhiệm vụ chuyên môn cấp Bộ chuyển tiếp; tiếp theo, ngày 25/7 Cục đã có buổi làm việc với Vụ Kế hoạch - Tài chính trao đổi, thảo luận về nội dung điều chỉnh, rà soát cắt giảm 9 nhiệm vụ nêu trên. Trên cơ sở ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Cục Địa chất Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, cắt giảm và đề xuất các phương án.

img_0161.jpg
Ông Lê Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Theo đó, Cục Địa chất Việt Nam đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ đến hết năm 2024 đối với 5 đề án sau: Đánh giá tiềm năng các diện tích có triển vọng nhất vùng quặng thiếc Lâm Đồng - Khánh Hòa; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng magnesit, dolomit và wolastonit vùng Tây Sơ Ró, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai; Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang; Bay đo từ phổ gamma và trọng lực Lào Cai - Yên Bái tỷ lệ 1:50.000 - 1:25.000;Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất tỷ lệ 1/100.000 vùng biển 0-30m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn (Thanh Hóa).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhất trí với đề xuất này, đồng thời yêu cầu Cục Địa chất Việt Nam chủ động hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Khoa học công nghệ sớm trình Bộ phê duyệt.

img_0166.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Cục Địa chất Việt Nam cũng kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2026 đối với 3 đề án: Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Tú Lệ, thuộc tỉnh Sơn La và Yên Bái; Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kan Nack (thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định); Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất tỷ lệ 1/100.000 vùng biển 0-30m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn (Thanh Hóa); Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ IaMer, tỉnh Gia Lai.

Riêng đối với dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cục xin ý kiến Thứ trưởng về việc gia hạn và tiếp tục thi công khu B2 đến hết năm 2025.

Về 2 đề xuất trên, Thứ trưởng đồng ý với đề xuất kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2026 với 3 đề án Lập bản đồ và đến hết năm 2025 với dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mai Đan