Văn hóa

Huế - thành phố Festival của Việt Nam

Văn Dinh 02/10/2024 - 13:10

(TN&MT) - Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa, tạo nhiều dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế, xứng đáng là nơi được công nhận thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam.

Cố đô Huế lâu nay được xem là là thành phố di sản khi sở hữu nhiều di sản thế giới. Di sản, văn hóa và lễ hội cũng được địa phương xác định là thế mạnh, động lực để xây dựng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế. Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2000 đến nay, Festival Huế đã tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế; mỗi năm (tổ chức năm chẵn với định kỳ 2 năm/lần) đều để lại một ấn tượng, một sức hấp dẫn riêng, xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam.

14.jpg
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa

Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Từ Festival năm 2000 chỉ có khoảng 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước cùng ít đoàn nghệ thuật quốc tế thì qua từng năm, con số ấy tăng lên cực kỳ ấn tượng nhất là giai đoạn trước COVID - 19. Đến Festival 2024 (Tuần lễ Festival) có gần 30 đoàn nghệ thuật đến từ các nước Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sự phát triển về số lượng các đoàn nghệ thuật đã khẳng định Festival Huế ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút và lan toả trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá.

Đặc biệt, từ năm 2022, Festival Huế được tổ chức theo định hướng lễ hội 4 mùa; lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách, mang đến đến hiệu quả kinh tế - xã hội.

Dù “4 mùa lễ hội” nhưng kế thừa và phát huy thành công của các kỳ festival trước đây, Festival Huế vẫn còn đó Tuần lễ Festival, là bữa tiệc đầy sắc màu văn hóa trong kỳ Festival Huế và mới đây nhất diễn ra vào tháng 6 vừa rồi. Những thay đổi ngày càng rõ nét qua các kỳ Festival, người dân, du khách có thể thỏa sức thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại các sân khấu mở nằm dọc hai bờ sông Hương, trung tâm TP. Huế... Hình thức biểu diễn, sân khấu thay đổi thiết kế nhằm tăng tính tương tác, để Festival Huế tiếp tục là “cầu nối” giữa văn hóa và nghệ thuật.

12.jpg
Bữa tiệc đầy sắc màu văn hóa tại Festival Huế

Tham gia Tuần lễ Festival Huế 2024 vào tháng 6 vừa qua, chị Trần Thu Hà (đến từ Quảng Nam) chia sẻ rằng, đây là lần thứ 2 đến với Festival Huế và cảm thấy lễ hội rất thú vị, đặc sắc, mang nét riêng. “Có lúc mình tham dự mà trời mưa nhưng đã cho mình trải nghiệm không khí mưa Huế - một đặc sản của Cố đô; được tận hưởng không khí của sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhất của Huế. Mình hi vọng Festival Huế ngày càng thay đổi hơn, hay hơn”, chị Hà nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024 cho rằng, Festival Huế hiện đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh để có những nét tươi mới khi gắn với lễ hội 4 mùa. Các lễ hội đã diễn ra quanh năm thời gian qua, nay được hệ thống, xâu chuỗi lại, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch. Festival 4 mùa được tổ chức là để làm tăng, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, dựa trên cơ sở tiếp cận sao cho phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của công chúng, du khách gần xa. Việc trải dài cả 4 mùa trong năm sẽ tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế.

“Festival Huế là thương hiệu lớn và đã chuyển dịch dần sang hình thức Nhà nước, chính quyền địa phương “đóng vai” hoạch định, còn cộng đồng, người dân và du khách là chủ thể, từ thụ hưởng sang người cùng tham gia. Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, đổi mới để có một mô hình tổ chức Festival Huế cũng như lễ hội 4 mùa chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trên các phương diện trong thời gian tới”, ông Bình nhấn mạnh.

13.jpg
Festival Huế đã được tổ chức theo định hướng lễ hội 4 mùa; trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách, mang đến đến hiệu quả kinh tế - xã hội

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, qua các kỳ tổ chức, Festival Huế không những là hoạt động văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ.

“Các số liệu cho thấy, năm 2019 là đỉnh cao, chúng tôi có khoảng 2 triệu khách quốc tế và 2 triệu khách nội địa. Đó cũng là hiệu ứng từ các kỳ Festival và chúng tôi xoay chuyển bằng cách tổ chức Festival 4 mùa, thay vì chỉ duy trì Festival một tuần như thông lệ”, ông Phương nói.

Có thể khẳng định, Festival Huế đã vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, vị trí địa lý, là dịp để giao lưu văn hóa ngôn ngữ, gắn kết tình yêu thương, đoàn kết con người của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, tạo sự hòa nhập quốc tế, đoàn kết gắn bó gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển. Con đường xây dựng, phát triển Huế - thành phố Festival, trung tâm lễ hội của khu vực và thế giới dựa trên thế mạnh di sản, văn hóa Huế là hướng đi bền vững để Huế có thể hội nhập nhưng không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay…

Festival Huế 2024 diễn ra với chuỗi lễ hội trải dài trong năm: Lễ hội mùa xuân - “Xuân Cố đô” (tháng 1 - tháng 3) nổi bật là các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống và các lễ hội dân gian. Lễ hội mùa hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 - tháng 6) với điểm nhấn là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024. Lễ hội mùa thu - “Huế vào thu” (tháng 7 - tháng 9) trọng tâm là chương trình Tết Trung thu với Hội đèn lồng Huế 2024, kết hợp hoạt động quảng diễn Lân - Sư - Rồng đường phố, trưng bày, sắp đặt, rước đèn, trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống... Lễ hội mùa đông - “Mùa đông xứ Huế” (tháng 10 - tháng 12) có điểm nhấn là Tuần lễ âm nhạc Huế 2024 và kết thúc bằng chương trình Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 - chào đón năm mới 2025.

Văn Dinh