Quảng Nam: Nỗ lực phục hồi rừng từ cây bản địa
Tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp quản lý và bảo vệ rừng, trong đó chú trọng phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa. Ngoài giá trị về mặt đa dạng sinh học, đây được xem là hướng đi phù hợp để ứng phó hiệu quả với tình hình bão lũ, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.
Rừng phòng hộ Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có diện tích hơn 11.000 ha với 5.000 ha rừng trồng, 5.800 ha rừng tự nhiên. Rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ môi trường khu vực lòng hồ Phú Ninh. Hiện nay rừng tự nhiên đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam giao khoán bảo vệ cho khoảng 3.000 hộ dân và lực lượng bảo vệ chuyên trách theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thời gian qua, rừng phòng hộ Phú Ninh bị người dân lấn chiếm để trồng keo, gây suy giảm chất lượng rừng, ảnh hưởng đến chất lượng nước của hồ thủy lợi Phú Ninh. Chính vì thế, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình, dự án triển khai ở Rừng phòng hộ Phú Ninh nhằm bảo vệ và phát triển rừng, trong đó chú trọng trồng và phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa.
Ông Võ Hùng Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, Ban đã cấp phát cây giống lâm nghiệp cho người dân để trồng phân tán trong vườn rừng thuộc lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh. Tuy nhiên, hiện nay rừng trồng đang chiếm phân nửa diện tích rừng Phú Ninh. Kế hoạch thời gian tới, Ban quản lý từng bước chuyển hóa rừng trồng sang loài cây đa tác dụng, cây bản địa như tre, trám, dầu rái, lim, ươi… để phục hồi, đảm bảo nguồn nước, môi trường cũng như thích ứng khí hậu.
Khu vực rừng tự nhiên ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) hiện đang là nơi sinh sống của loài voọc Chà vá chân xám quý hiếm. Để mở rộng sinh cảnh cho loài động vật quý hiếm này và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet – thuộc Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật TP. Đà Nẵng) đã trao tặng 4.400 cây giống dổi và lim xanh cùng gần 900 kg phân vi sinh hữu cơ cho các hộ gia đình để trồng gần 5 ha rừng cây gỗ lớn. Trong đó có các hộ trồng trên rẫy giáp ranh với khu vực rừng tự nhiên đang ưu tiên bảo tồn loài loài voọc Chà vá chân xám.
Theo ông Võ Ngọc Danh, người dân thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây, với việc hỗ trợ chuyển đổi sinh kế sang trồng rừng gỗ lớn, người dân địa phương mong muốn chung tay bảo vệ môi trường sống cho loài voọc Chà vá chân xám, đồng thời, góp phần bảo vệ diện tích rừng, giữ đất và giữ nước.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet chia sẻ: Dự án được thực hiện trong vòng một năm (từ tháng 2/2024 đến tháng 2/2025) nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên xã Tam Mỹ Tây bằng cách cải thiện sinh kế và thu nhập bền vững cho người dân địa phương. Tổng vốn thực hiện dự án là 40 nghìn USD (tương đương gần 987 triệu đồng).
“5 ha rừng keo được chuyển đổi sang cây gỗ lớn để phục hồi rừng, hạn chế xói mòn, nghèo đất và cũng một phần trong đó tạo thêm sinh cảnh sống loài voọc Chà vá chân xám và động vật hoang dã. Tuy nhiên, để tạo môi trường sống voọc Chà vá chân xám, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần sớm xúc tiến việc thu hồi, đền bù diện tích trồng keo của người dân đã được Quy hoạch cho rừng đặc dụng để phục hồi rừng tái sinh tự nhiên”, ông Vỹ nói.
Song song, GreenViet cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương để giảm áp lực vào rừng như thí điểm sinh kế từ chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay quay vòng không tính lãi và nâng cao năng lực chăn nuôi và trồng trọt cho bà con. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ 9 hộ gia đình chăn nuôi thí điểm 21 con heo và 1.000 con gà giống bản địa; cung cấp 850kg thức ăn chăn nuôi heo, 2.900kg thức ăn nuôi gà và các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh. Dự án cũng hỗ trợ 10 hộ gia đình vay vốn quay vòng không tính lãi từ nguồn dự án để chăn nuôi, trồng trọt, góp phần phát triển sinh kế cho gia đình từ nguồn vốn 100 triệu của dự án.