Xã hội

Trấn Yên đứng lên sau bão: Khẩn trương vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất

Việt Hùng - Thanh Ngà 29/09/2024 21:25

(TN&MT) - Huyện Trấn Yên là một trong những địa phương của tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra, trong đó nông nghiệp bị thiệt hại trên 1.600ha dâu, lúa, ngô và các cây trồng khác. Để kịp thời khôi phục sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân, huyện đã và đang tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục và gieo trồng bổ sung ngay những diện tích hoa màu bị hư hỏng.

h-1-shapo.jpg
Trấn Yên đặt quyết tâm nhanh chóng vệ sinh môi trường, ruộng đồng để sớm khôi phục sản xuất. Thiết kế: Ngọc Trâm
Clip Trấn Yên thiệt hại khá nặng nề sau bão lũ. Video: Thanh Hùng - Thanh Ngà

Dồn sức vệ sinh môi trường

Với những diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại, huyện Trấn Yên ưu tiên khôi phục các diện tích cây trồng chủ lực, trong đó có cây dâu. Ngay sau khi nước rút huyện đã tập trung vệ sinh đồng ruộng, tiến hành triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm khôi phục các diện tích dâu bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của UBND huyện Trấn Yên, toàn huyện có trên 700ha dâu bị thiệt hại, chiếm gần 70% diện tích tích dâu toàn huyện, tập trung chủ yếu tại các xã ven sông Hồng như: Việt Thành, Y Can, Quy Mông, Đào Thịnh, Báo Đáp, Minh Quân…

dau-chet.jpg
Những ruộng dâu bị ngập nước sau trận lụt lịch sử. Ảnh Thanh Hùng
dau-heo.jpg
Lãnh đạo Sở TN&MT Yên Bái cùng lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên kiểm tra thiệt hại ngay sau khi nước rút. Ảnh: Việt Hùng

Trong những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đã huy động tối đa nhân lực phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị đầu bờ chuyển giao các giải pháp kỹ thuật cho người dân để khôi phục sản xuất dâu tằm, giảm thiểu thiệt hại.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Trần Ngọc Thư – Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Ngay sau khi nước rút, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể với từng loại cây trồng. Trong đó, các diện tích lúa và cây màu phần lớn mất trắng do ngập lâu trong nước.

Đối với các diện tích dâu, đây là cây trồng có sức sống dẻo dai, chịu ngập úng tốt hơn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp xác định tập trung tối đa nhân lực và các biện pháp kỹ thuật để khắc phục.

vs-ruong.jpg
Trấn Yên tập trung vệ sinh môi trường, ruộng đồng. Ảnh: Thanh Hùng
ruong-1.jpg
Dọn rác, củi, rều... để trả lại ruộng đồng mương máng - chuyện không dễ xong trong một sớm một chiều ở Trấn Yên. Ảnh: Thanh Hùng

Đồng thời, huyện Trấn Yên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ khuyến nông và bà con trồng dâu nuôi tằm để hỗ trợ bà con trong quá trình khắc phục và chăm sóc.

Những ngày qua, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã xuống địa bàn đồng hành với chính quyền các xã để hướng dẫn cho người dân kỹ thuật cứu cây dâu như: Khơi thông dòng chảy, vệ sinh đất không để ngập úng lâu ngày, tuốt lá, tỉa cành, chặt ngọn để cây dâu nảy mầm mới…

Ngay sau đó, huyện Trấn Yên đã kịp thời hỗ trợ người dân về giống, phân bón, chế phẩm sinh học nhằm tăng khả năng phục hồi cho cây trồng. Đối với cây dâu, huyện hỗ trợ các chế phẩm sinh học, phân bón chuyên dụng cho cây dâu để phục hồi bộ rễ và lá đối với những diện tích dâu có khả năng phục hồi và khôi phục được; các loại thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, thốc phòng bệnh, thuốc sát trùng; hỗ trợ trứng giống tằm phục vụ cho nuôi tằm ngay trong năm 2024. Đồng thời, đưa 10 tấn hạt ngô giống ngắn ngày gieo trồng trên 500ha; các loại giống rau gieo trồng khoảng 300ha.

dong-ruong.jpg
Đồng ruộng khô trắng, thách thức phục hồi không nhỏ với Trấn Yên. Ảnh: Việt Hùng

Mệnh lệnh xuống đồng, khôi phục sản xuất

Với tinh thần khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp, đến nay sau hơn 10 ngày cơ bản diện tích dâu bị ngập úng đã xanh trở lại, hơn 450ha cây màu khác đã được giao trồng.

Gia đình bà Trần Thị Tuyết - Thôn Phú Lan, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cấy 6 sào lúa nước, do lũ dâng cao và kéo dài nhiều ngày, nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình bị mất trắng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gia đình. Ngay sau nước rút, cả gia đình tập trung cắt bỏ cây lúa bị gãy đổ và trồng lại 5 sào ngô và một sào rau vụ đông.

“Khi lũ ập đến nước ngập toàn bộ diện tích lúa chuẩn bị được thu hoạch, sau mấy ngày ngâm trong nước lúa bị hỏng hết. Giờ cố gắng trồng thêm các cây ngắn ngày để sớm cho thu hoạch, mong vớt vát lại phần nào để có tiền mua mắn, mua muối”, bà Tuyết chia sẻ.

pv-0000.jpg
PV Báo TN&MT trong ruộng dâu của nông dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên ngày 29/9/2024. Ảnh: Thanh Ngà
dau-xanh-tot.jpg
Mầm dâu đã lên xanh tốt. Ảnh: Thanh Ngà

Cũng giống như gia đình bà Tuyến, một mẫu dâu của gia đình bà Vi Thị Như cũng bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút, nhờ được cán bộ huyện và cán bộ xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dâu sau lũ. Đến giờ, 8 sào dâu của gia đình bà đã xanh tốt trở lại, còn 2 sào do chìm trong nước lâu ngày gia đình đang tập trung chăm sóc phục hồi.

Theo báo cáo của xã Y Can, mưa lớn đã làm gần 300ha cây trồng các loại của xã Y Can bị ngập, lũ dâng cao khiến 31ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị vỡ, tràn; trên 24.000 con gia cầm bị chết. Với tinh thần nước rút đến đâu khắc phục đến đó, đến nay cơ bản diện tích dâu của xã Y Can đã xanh tốt trở lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND xã Y Can, Trấn Yên, đối với diện tích dâu bị ngập úng và vùi lấp cơ bản được tuốt lá và tỉa cảnh, cắt ngọn đảm bảo theo đúng kỹ thuật, đồng thời phun thuốc phục hồi cây. Đối với việc triển khai vụ đông xuân người dân đã nhận giống hỗ trợ của huyện về và đang tập trung làm đất và một số hộ dân đã trồng ngô và trồng rau.

Với tinh thần khôi phục nhanh, khẩn trương đạt về diện tích tối đa sản xuất nông nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị chuyên môn và nhân dân trong toàn huyện, nhằm bù đắp những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hoàn lưu bão số 3 và tăng thu nhập cho nhân dân. Ngành Nông nghiệp huyện Trấn Yên đã phân công 100% cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khắc phục lại vùng dâu, khôi phục đàn gia cầm; triển khai thực hiện sản xuất vụ đông, các giải pháp kỹ thuật trồng ngô đông và các loại rau màu đảm bảo kịp thời vụ.

a-thu-trong.jpg
Lãnh đạo UBND huyện cùng cán bộ xã và người dân xuống đồng phục hồi sản xuất. Ảnh: Thanh Hùng
a-thu-hoi-ro(1).jpg
Chăm chút từng mầm xanh ngô giống cho ngày mai. Ảnh: Thanh Hùng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thông tin thêm: Ngay sau khi nước rút, huyện tập trung khơi thông đồng ruộng tránh để ngập úng lâu, cùng với đó những diện tích lúa bị hỏng huyện cũng khẩn trương làm đất để trồng các loại cây ngắn ngày. Đối với 1.000ha cây rau màu bị hỏng, đặc biệt là cây dâu huyện sẽ khẩn trương lấy giống từ các xã không bị ngập úng để trồng và phát triển lại vùng dâu.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên, chính quyền các địa phương và người dân vùng thiên tai, đến nay huyện Trấn Yên đã khắc phục được 412/593ha dâu và dự kiến có thể tiếp tục nuôi tằm vào tháng 10/2024. Đối với diện tích trên 80ha dâu bị ảnh hưởng nặng sẽ tập trung chăm sóc để nuôi tằm vụ xuân 2025. Những diện tích dâu bị chết do ngập úng và vùi lấp không thể khắc phục được là 100ha sẽ được trồng lại cuối năm 2024 để đảm bảo diện tích trồng dâu nuôi tằm.

Đồng thời, để bù đắp sản lượng lương thực, huyện Trấn Yên chủ trương gieo trồng 1.000ha cây màu vụ đông trên diện tích lúa, đao giềng và cây màu bị chết, trong đó có 500ha cây ngô đông và được trồng ngay trong tháng 9. Đến nay, huyện Trấn Yên đã trồng được trên 450ha cây màu vụ đông.

Đến nay, với sự tích cực của các cấp, các ngành và chính sự nỗ lực của người dân, một màu xanh đang dần trở lại đối với các địa phương vùng thiên tai. Trấn Yên đã và đang dồn lực để phục hồi sản xuất nông nghiệp trong thời gian nhanh nhất, góp phần để người dân ổn định cuộc sống sau bão số 3 gây ra.

dau-2.1.jpg
Những "hội nghị đầu bờ" chớp nhoáng nhằm phục hồi sản xuất cho Trấn Yên. Ảnh: Thanh Hùng
Clip Màu xanh trở lại với Trấn Yên. Video: Thanh Hùng - Thanh Ngà

Và trong câu chuyện nhanh với nhóm phóng viên Báo TN&MT, cả Bí thư Huyện ủy Trần Anh Tuấn và Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Thư đều không dấu nổi xúc động khi nhắc đến sự quan tâm của các cấp và cả hàng ngàn nhà hảo tâm đã chung sức cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Trấn Yên vượt qua khó khăn của trận lụt lịch sử.

Trả lời câu hỏi, sau giai đoạn cấp bách nhất thì hiện nay Trấn Yên mong gì? Cả hai vị lãnh đạo đều mong muốn đó là các cấp và các mạnh thường quân tiếp tục dành tình cảm với Trấn Yên đặc biệt là việc hỗ trợ hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thức ăn gia xúc... để người dân Trấn Yên có thể được tiếp sức, xuống đồng, canh tác và chở đón một mùa thu hoạch đầu tiên để có thể dần ổn định đời sống, tự lực tự cường trở lại và vươn lên...

Việt Hùng - Thanh Ngà