Lạng Sơn: Xử lý người đứng đầu để xảy ra vi phạm về khoáng sản
(TN&MT) - Tỉnh Lạng Sơn kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản số 1429/UBND-KT về việc đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành liên quan đến hoạt động khoáng sản. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý công tác khai thác khoáng sản đối với các khu vực, vị trí mỏ, bảo đảm đúng cao độ, phạm vi, khối lượng đã được cấp phép.
Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ TN&MT bảo đảm đúng thời hạn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT rà soát tổng thể chính sách, pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan (nhất là pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản) trong quá trình hoàn thiện xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảm đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tới các địa phương và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đấu giá tài sản.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát tham mưu điều chỉnh và trình phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để đảm bảo căn cứ cấp phép hoạt động khoáng sản. Thường xuyên rà soát, xem xét giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thuê đất hoạt động khoáng sản; các trường hợp chậm triển khai xây dựng cơ bản mỏ… nhằm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường đối với các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; xử lý các tồn tại, vi phạm theo quy định.
UBND các huyện và thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật về khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự chuyển biến trong quần chúng nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tích cực tố giác các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản.
Có biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân nơi có khoáng sản để góp phần tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án khai thác, chế biến khoáng sản.
Thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương có khoáng sản ở khu vực giáp ranh trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông.
Nghiêm cấm lợi dụng việc cấp phép khai thác khoáng sản, nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng…