Công nghệ viễn thám: Khai mở con đường mới quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường
(E-magazine) - Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040" là công cụ pháp lý vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về viễn thám được toàn diện hơn.
Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia để hiểu thêm về những thay đổi tích cực thời gian qua trong triển khai Chiến lược viễn thám.
PV: Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai Chiến lược, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã tạo ra hành lang pháp lý và định hình không gian phát triển dài hạn cho lĩnh vực viễn thám. Chiến lược đã xác định mục tiêu cho 2 giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2040, với 6 nhiệm vụ giải pháp và 9 chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư. Chiến lược có phạm vi và đối tượng triển khai rộng trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong tổng thể các chiến lược phát triển chung của ngành TN&MT, ngành khoa học công nghệ và lĩnh vực không gian vũ trụ.
Sau 5 năm triển khai chiến lược, một số mục tiêu trong giai đoạn đầu đã đạt được 7/9 chương trình, đề án đã được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai. Kết quả đạt được cho thấy, Chiến lược đã thể hiện được hiệu quả, tác động đến sự thay đổi nhận thức, hành động của hệ thống cơ quan quản lý cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thúc đẩy phát triển ứng dụng viễn thám.
Nổi bật là, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực viễn thám đã được đẩy mạnh. Các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám được ban hành với 1 Nghị định về hoạt động viễn thám và hơn 20 thông tư hướng dẫn đã đưa các hoạt động viễn thám vào nề nếp và thúc đẩy ứng dụng viễn thám ra nhiều ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đã hình thành được các tổ chức quản lý nhà nước về viễn thám từ trung ương tới địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở trung ương là Bộ TN&MT, cơ quan thực thi là Cục Viễn thám quốc gia. Ở các địa phương là các Sở TN&MT.
Một kết quả nổi bật nữa của việc triển khai Chiến lược là chúng ta đã bước đầu làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp vệ tinh viễn thám. Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu chế tạo thành công các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, điển hình là đưa lên quy đạo các vệ tinh MicroDragon và NanoDragon.
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật về viễn thám ở nước ta đã được hình thành đầy đủ từ vệ tinh viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám. Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám đã có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng trong nước, từ dữ liệu độ phân giải trung bình và thấp phục vụ cho mục đích nghiên cứu khí hậu, thiên tai đến các dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao, siêu cao.
PV: Bên cạnh những kết quả nổi bật đó, trong quá trình triển khai thực hiện, đã có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thời gian qua, triển khai Chiến lược, mặc dù chúng ta đã hình thành được hệ thống quản lý nhà nước về viễn thám, việc phát triển ứng dụng viễn thám được các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hành lang pháp lý về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức trong quản lý phát triển ứng dụng viễn thám vẫn chưa đầy đủ, là một trong những hạn chế lớn cho công tác quản lý và thúc đẩy phát triển viễn thám từ Trung ương tới địa phương.
Qua làm việc với một số Sở TN&MT về công tác quản lý nhà nước về viễn thám, nguồn nhân lực quản lý và ứng dụng viễn thám cũng như các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám trên địa bàn các tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hầu hết việc ứng dụng viễn thám chỉ được triển khai với quy mô nhỏ, phạm vi ứng dụng hẹp tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực về viễn thám gần như chưa có, tại một số Sở TN&MT chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác viễn thám nhưng không được đào tạo cơ bản về viễn thám.
Một hạn chế nữa là mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống hoàn chỉnh các trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, trạm thu dữ liệu viễn thám với ít nhất hai trạm cho một nhiệm vụ điều khiển vệ tinh cũng như thu nhận dữ liệu viễn thám. Tuy nhiên, các trạm thu ở nước ta không được liên kết thành mạng lưới thống nhất. Các trạm thu độc lập với nhau về nhiệm vụ và mục đích sử dụng. Điều này dẫn đến các trạm thu không thể hỗ trợ, tương tác với nhau để tăng hiệu quả sử dụng cũng như giảm chi phí.
PV: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chiến lược phát triển viễn thám đề ra, cơ sở dữ liệu viễn thám đóng vai trò then chốt. Vậy Cục Viễn thám quốc gia đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu viễn thám, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thời gian qua, Bộ TN&MT phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Các biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành trong chia sẻ, cung cấp cơ sở dữ liệu các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến, quá trình hình thành và sử dụng, khai thác của các đối tượng góp phần quản lý và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai dự án xây dựng "Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia". Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám của các bộ, ngành, địa phương giao nộp về Cục Viễn thám quốc gia theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia dự kiến hoàn thành vào năm 2024 và được đưa vào vận hành bắt đầu từ năm 2025.
Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, Cục Viễn thám quốc gia đang tích cực tiến hành phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của các bộ, ngành địa phương. Khi các trạm thu này đi vào hoạt động sẽ tăng cường hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.
Đặc biệt, Cục Viễn thám quốc gia cũng đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương với giá thành rẻ, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí. Cục sẽ hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thủy (lược ghi)
Theo ông Chu Hải Tùng - Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường...) và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám của Bộ TN&MT, từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Hàng loạt nhiệm vụ đã được Cục Viễn thám quốc gia triển khai trong thời gian qua. Có thể kể đến Dự án "Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng"; Dự án "Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám"; Dự án "Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên"; Dự án "Xây dựng hệ thống giám sát bán tự động xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám và GIS"; Dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám"...
Việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu cũng cần khai thác hiệu quả từ công nghệ viễn thám.
Không những vậy, hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia giao cho Trung tâm Giám sát TN&MT và BĐKH bố trí nhân lực thường xuyên theo dõi và sẵn sàng ứng phó trong việc đáp ứng nhanh các vụ việc cần đến vai trò công nghệ cao trong cung cấp dữ liệu, số liệu, hình ảnh trực quan trong công tác phản ứng nhanh về các sự cố môi trường và thiên tai khi có yêu cầu từ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia để hỗ trợ trong công tác dự báo, cảnh báo.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Viễn thám quốc gia là cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 hỗ trợ, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các bộ, ngành và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT ở địa phương.
Xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám của thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có thể sẽ rất khác so với công nghệ hiện tại đang sử dụng và nhiều khái niệm mới về hệ thống viễn thám, công nghệ viễn thám cũng sẽ ra đời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích dự báo và nắm bắt được các xu thế đó để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ phù hợp. Việc "đi tắt đón đầu" sẽ tận dụng được tri thức của nhân loại cũng như rút ngắn khoảng cách về trình độ thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ.
Để đón đầu xu thế mới, ông Chu Hải Tùng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ ưu tiên các nhóm công nghệ chủ chốt của lĩnh vực viễn thám và tập trung sự đầu tư nghiên cứu, phát triển vào các nhóm công nghệ này. Hiện Cục đang tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát TN&MT.
Đồng thời, tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; mạng lưới trạm thu viễn thám; hệ thống lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu viễn thám; mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Cùng với đó, Cục sẽ đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.
Minh Khang
Hiện nay, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên rừng không chỉ là nhiệm vụ của một quốc gia mà đã trở thành nhiệm vụ toàn cầu. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và lưu giữ các-bon, duy trì sự cân bằng của khí quyển. Bảo vệ rừng không chỉ là cách hiệu quả nhất để đối phó với biến đổi khí hậu mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Việc xác minh tín chỉ các-bon rừng là quá trình xác nhận và kiểm tra tính hợp lệ của lượng khí thải các-bon được hấp thụ và lưu giữ bởi các khu rừng hoặc hệ sinh thái rừng. Đây là một phần quan trọng của các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng REDD+, trong đó các quốc gia hoặc tổ chức có thể nhận được tiền thưởng hoặc hỗ trợ tài chính từ các quỹ hoặc tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và quản lý rừng nhằm giảm thiểu khí thải các-bon và thúc đẩy phát triển bền vững.
Với vai trò quan trọng trong giám sát tài nguyên, thời gian qua, công nghệ viễn thám được ứng dụng mạnh mẽ trong việc giám sát và xác minh tín chỉ các-bon rừng bởi khả năng quan sát toàn cầu, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đa dạng dữ liệu, độ chính xác cao và khả năng cập nhật liên tục của nó. Cụ thể, công nghệ viễn thám có khả năng thu thập dữ liệu trên quy mô lớn, từ các khu vực rừng địa phương đến cả quy mô toàn cầu. Điều này cho phép theo dõi và đánh giá tình trạng của rừng trên diện rộng và xác định các vùng rừng có tiềm năng trong việc hấp thụ các-bon.
Không chỉ vậy, ảnh vệ tinh viễn thám đóng vai trò then chốt trong việc xác minh tín chỉ các-bon, cung cấp một phương tiện đáng tin cậy và hiệu quả để giám sát các hệ sinh thái rừng trên trái đất. Ảnh vệ tinh cho phép phát hiện và theo dõi sự thay đổi theo thời gian trong đất đai, cây trồng bằng cách ghi lại một danh sách các tham số sinh học khí hậu như độ ẩm đất, việc thay đổi mục đích sử dụng đất, giám sát sự phát triển cây, theo dõi phá rừng, ước lượng lượng sinh khối, bảo tồn tự nhiên...
Đặc biệt, sự kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học môi trường giúp nhận biết và phân loại loại cây cũng như đánh giá mức độ mật độ rừng và thay đổi của rừng qua thời gian thực thông qua việc phân tích dữ liệu vệ tinh liên tục, giúp phát hiện kịp thời các hoạt động phá rừng và mất rừng, từ đó giảm thiểu thất thoát các-bon và đảm bảo tính bền vững của rừng.
Nhìn vào tương lai, sự phát triển trong công nghệ vệ tinh mang lại hứa hẹn lớn cho việc giám sát môi trường và xác minh tín chỉ các-bon trong hệ sinh thái rừng ở Việt Nam. Sự tiến bộ trong công nghệ cảm biến được dự kiến sẽ cải thiện độ chính xác và chi tiết của dữ liệu môi trường. Sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo với dữ liệu vệ tinh có thể làm tăng hiệu quả phân tích và diễn giải các thay đổi môi trường và hệ sinh thái rừng.
Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát và xác minh tín chỉ các-bon rừng ở Việt Nam không chỉ mang lại những kết quả quan trọng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ ra quyết định chính sách và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
Việt Anh
Trình bày: Xuân Hà