Môi trường

Các doanh nghiệp tăng trưởng kinh tế thông qua phục hồi và bảo vệ rừng

Hoài Thu 01/10/2024 - 19:32

(TN&MT) - Ngày 1/10, tại Hà Nội, Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) phối hợp với Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc tổ chức Chương trình "Tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng - Forest Ecopreneur 2024".

Chương trình được tổ chức thông qua Tổ chức Ươm tạo Bridge for Billions, thuộc khuôn khổ “Sáng kiến Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng - SAFE Initiative” nhằm góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh liên quan đến bảo tồn, phục hồi sự đa dạng dưới tán rừng cũng như thúc đẩy sinh kế tại địa phương. Chương trình được triển khai đồng loạt tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) là đơn vị triển khai chương trình tại Việt Nam.

img_0385.jpeg
Ông Alexis Corblin - Cố vấn kỹ thuật cấp cao UNEP phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Alexis Corblin - Cố vấn kỹ thuật cấp cao UNEP cho biết, tham gia Sáng kiến lần này giữa các nước, Việt Nam hiện dẫn đầu và là quốc gia đầu tiên tổ chức Ngày trình diễn cho chu kỳ ươm tạo đầu tiên của dự án SAFE. Thành tựu này chính là kết quả của sự cam kết cao đến từ Viện IID, các cố vấn và UNEP trong thời gian qua.

Sáng kiến SAFE nhằm mục đích bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương có giá trị đa dạng sinh học cao ở Bhutan, Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam. Một trong những mục tiêi của SAFE là tập trung vào việc ươm tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại bốn quốc gia, đồng thời, được Bridge For Billions hỗ trợ tại cấp khu vực và HID hỗ trợ tại Việt Nam.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong phát triển và xuất khẩu các mặt hàng nông sản toàn cầu, đồng thời cũng được coi là trung tâm toàn cầu về sản xuất và chuyển đổi gỗ, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá,… đóng góp chính vào sự phát triển của quốc gia. Từ những nỗ lực trong phát triển nền kinh tế - xã hội, diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 23% vào năm 1993 lên hơn 45% hiện nay.

“Tôi tin rằng những nỗ lực chung của chúng ta có thể đóng góp vào những xu hướng tích cực này, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tổn và phục hồi rừng. Kết thúc Chương trình ươm tạo kéo dài 6 tháng của UNEP và các đối tác; thông qua Chương trình này, chúng tôi sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm các sản phẩm từ các doanh nghiệp tham gia ươm tạo, cũng như sẽ tìm kiếm những người cố vấn và doanh nhân có động lực, và thật tuyệt vời nếu như mô hình tăng trưởng kinh tế cho doanh nghiệp, thông qua việc bảo vệ rừng được lan toả rộng rãi tới toàn thể cộng đồng…” - ông Alexis Corblin nhấn mạnh.

img_0383.jpeg
Bà Trương Thị Nam Thắng - Nghiên cứu trưởng, Viện nghiên cứu đổi mới và phát triển (IID) phát biểu tại Chương trình

Phát biểu tại Chương trình, bà Trương Thị Nam Thắng - Nghiên cứu trưởng Viện nghiên cứu đổi mới và phát triển (IID) chia sẻ,… Viện IID đóng vai trò triển khai Chương trình này tại Việt Nam với mục tiêu chính: Nâng cao năng lực kinh doanh thông qua khóa đào tạo trực tuyến trên nền tảng Bridge for Billions.

Ngoài ra, chương trình còn tổ chức các sự kiện kết nối, hội thảo chuyên gia nhằm tạo cơ hội giao lưu mở rộng mạng lưới và cung cấp kiến thức liên quan đến các chủ đề doanh nghiệp quan tâm. Chương trình Forest Ecopreneur 2024 tìm kiếm 100 doanh nghiệp có các dự án liên quan đến bảo vệ và phục hồi rừng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái rừng và sinh kế của cộng đồng địa phương.

Sau quá trình tuyển chọn đã chọn ra 35 doanh nghiệp và 30 cố vấn tham gia 4 tháng đào tạo với các dự án và hoạt động trực tiếp và trực tuyến từ tháng 5 - tháng 9/2024. Dự án đã trải qua: 8 module đào tạo; sự kiện khai mạc diễn ra tại Hà Nội; 4 phiên Hội thảo chuyên gia; 3 phiên Sự kiện Kết nối tại các vùng miền: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Huế; chương trình thực địa tại Kon Tum và các phiên trao đổi, kết nối, hỗ trợ 1-1 khác dành cho doanh nghiệp và cố vấn.

Bà Nam Thắng cho biết, sự kiện Tổng kết dự án Demo Day ngày 1/10 lần này, hướng đến mục tiêu tạo cơ hội cho doanh nghiệp trình diễn kết quả học tập sau 4 tháng đào tạo và thuyết trình kế hoạch kinh doanh. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp, các cố vấn và người tham gia gặp gỡ, giao lưu, cũng như cùng nhau nhìn lại kết quả đã đạt được trong suốt quá trình nỗ lực vừa qua.

Trong Chương trình, các doanh nghiệp tham gia có sự hỗ trợ từ các chuyên gia, cố vấn đã giúp họ trong việc áp dụng các kiến thức, kỹ năng trong việc sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp bền vững và bảo vệ, phục hồi rừng sinh thái.

img_0382.jpeg
Ông Anyta Châu Nguyễn - đại diện Tà Lài Experience trình bày tham luận

Trong đó, ông Anyta Châu Nguyễn - đại diện Tà Lài Experience (Gia Cảnh, Định Quán, Đồng Nai) cho biết, đơn vị do Danida và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng năm 2011 và được mở rộng sang 4 lĩnh vực: Phát triển cộng đồng với các kỳ nghỉ Nhà dài truyền thống, bảo tồn thiên nhiên, thăm quan, trồng cây, bảo vệ rừng thông qua các chuyến đi giáo dục và các dự án phát triển bền vững.

Qua đó, Tà Lài Experience cũng đưa vào phát triển đội ngũ và cải thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo trường học và triển khai các lớp học tiếng Anh hàng tuần cho trẻ em địa phương.

Cũng là đối tác tư nhân tiên phong tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Tà Lài Experience hợp tác chặt chẽ với 3 nhóm dân tộc thiểu số, thúc đẩy cộng đồng địa phương và khu vực, bằng cách kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng, dự án khuyến khích du lịch có trách nhiệm; đồng thời, tập trung vào phát triển bền vững, hỗ trợ cả tăng trưởng kinh tế và bảo tồn khu vực.

img_0384.jpeg
Toàn cảnh Chương trình

Cùng với đó, bà Chảo Thị Yến - Hợp tác xã (HTX) Tri thức, Bản địa Goong (Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai) cho biết, HTX đưa định hướng phát triển thành một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, trong việc đưa công nghệ khoa học vào tối ưu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn công nghệ tri thức bản địa,… để tạo ra những sản phẩm tốt và an toàn nhất đến với người tiêu dùng, thông qua các bài thảo dược, thuốc nam của người Dao, nông sản bản địa và du lịch tạo tác động,…

Bà Chảo Thị Yến mong muốn, khi tham dự Chương trình, HTX sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề về: Các sản phẩm thảo dược và nông sản của HTX mang tính an toàn cao, có nguồn gốc thiên nhiên và các cơ sở khoa học rõ ràng; đồng thời, góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng bản địa và bảo tồn các loài cây quý.

Bên cạnh đó, Chương trình diễn ra buổi trao chứng nhận cho các cố vấn và các doanh nghiệp trong thời gian đào tạo kéo dài 4 tháng; các doanh nghiệp cũng trình bày nhiều tham luận về hoạt động của doanh nghiệp cũng như quá trình sản xuất sản phẩm thân thiện, phục hồi rừng, bảo vệ môi trường,…

Hoài Thu