Mang nước sạch đến với người dân nghèo vùng cao
(TN&MT) - Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Mang nước sạch đến với người dân nghèo vùng cao
Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).
Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Niềm vui của người dân
Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên các loại ấu trùng dễ dàng xuất hiện.
Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ dân ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã được hỗ trợ téc nước, góp phần đảm bảo sức khoẻ và sinh hoạt cho người dân.
Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cụ thể, toàn huyện có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng.
Cũng giống như Thái Nguyên, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều công trình nước sạch tập trung được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang.
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn đầu tư, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng 19 công trình nước sạch tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, mỗi công trình trị giá 3 tỷ đồng. Trong đó, đã có 7 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100% công trình được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.
Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.234 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nguồn vốn đầu tư trên 9,7 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh đang tổ chức rà soát hộ nghèo là dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đề nghị hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán năm 2024. Căn cứ vào nhu cầu và việc bình xét đối tượng thụ hưởng có đơn đề nghị hỗ trợ, UBND các xã, thị trấn tham mưu cấp huyện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng.
Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng người, từng gia đình và xa hơn nữa là tạo điều kiện giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các cấp các ngành hết sức quan tâm. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp đời sống của bà con được nâng cao chất lượng.