Xã hội

Quảng Bình: Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày một khởi sắc

Thanh Tùng 30/09/2024 - 22:16

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh Quảng Bình có dân số hơn 46 nghìn người, sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 18 xã, thị trấn trong tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên, bộ mặt nông thôn ngày một đổi khác, kinh tế ngày một cải thiện, ấm no.

Từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất

Vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2, có 9 xã biên giới với hơn 222 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN là 3.935 hộ, chiếm 35,2%; hộ cận nghèo là 1.919 hộ chiếm 17,2%.

3(3).jpg
Cuộc sống vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Bình ngày càng khởi sắc

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Quảng Bình nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, an ninh chính trị vùng DTTS&MN được giữ vững; nhiều chính sách được ban hành, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đã được đầu tư tiếp tục phát huy hiệu quả; ý thức tự giác, sự nỗ lực vươn lên đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi liên tục trong đồng bào DTTS tỉnh.

Hiện nhiều bản có đường giao thông đã được cứng hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân…

Cùng với đó, công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS đã được cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm, tình trạng thiếu đất sản xuất từng bước đã được giải quyết. Theo đó, các địa phương đã triển khai công tác giao gần 30.000 ha diện tích đất rừng sản xuất cho cộng đồng và người DTTS góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Các Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha Kẽ Bàng, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, Bắc Quảng Bình đã giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào DTTS hơn 130.000 ha rừng. Điều này giúp hạn chế tình trạng chặt phá rừng, đồng thời tăng thu nhập cho người dân, giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

1(5).jpg
Niềm vui của người dân tại xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá

Với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, sự đồng lòng, quyết tâm thoát nghèo, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như gia đình ông Hồ Văn Song, Hồ A Lai (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thuỷ), Hồ Thanh Bùi, Hồ văn Ngọc (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thuỷ), Hồ Văn Quý, Hồ Văn Tát, Hồ Văn Hơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) và nhiều cá nhân tiêu biểu khác… Những tấm gương làm kinh tế giỏi đã phần nào cho thấy công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm bình quân hàng năm 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng.

Phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, việc thực hiện công tác dân tộc của tỉnh Quảng Bình cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình như: địa bàn cư trú của đồng bào xa cách, phân tán, địa hình chia cắt hiểm trở; điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào vẫn còn quá thấp so với các khu vực khác trong tỉnh; cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Mặt khác, nhiều hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất sản xuất; trình độ, nhận thức của đồng bào cũng còn hạn chế, một bộ phận đồng bào có tư tưởng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa có ý thức phấn đấu, chủ động thoát nghèo vươn lên làm giàu;...

Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024-2029 sẽ chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS; ưu tiên đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, DTTS, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và các chính sách xã hội, chăm lo phát triển về y tế, giáo dục, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.

Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học ở vùng đồng bào DTTS theo quy định. Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục - xoá mù chữ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường vận động xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho những đối tượng dưới 35 tuổi. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh nội trú và bán trú. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong vùng đồng bào DTTS, trong đó chú trọng bổ sung đội ngũ giáo viên là người DTTS.

2(4).jpg
Đồng bào DTTS Quảng Bình có nhiều nét văn hoá đặc sắc

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS. Theo đó, quy hoạch hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; tổ chức giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cho từng hộ gia đình và cộng đồng; chuyển đổi các diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất lâm nghiệp để tăng giá trị; gắn đầu tư sản xuất với bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho đồng bào; thực hiện việc chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi tập trung, kết hợp chăn nuôi với trồng rừng, bảo vệ rừng; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, gắn với xây dựng nông thôn mới trong vùng DTTS; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các bản xa trung tâm; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Lắp đặt hệ thống điện lưới quốc gia đảm bảo đến năm 2029 có 100% hộ gia đình đồng bào có điện sinh hoạt; nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ phát triển sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân; phát triển các chợ đầu mối, chợ dân sinh để bà con có điều kiện giao lưu trao đổi hàng hóa; phát triển hạ tầng dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và nghe nhìn cho đồng bào.

Thanh Tùng