Yên Sơn (Tuyên Quang): Nỗ lực khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất sau bão lũ
(TN&MT) - Trên địa bàn huyện Yên Sơn, hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, hiện nay, các cơ quan chức năng, các địa phương đang nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất để đảm bảo phát triển kinh tế.
Thiệt hại nặng nề
Trận mưa lũ trong nửa đầu tháng 9/2024 đã đi qua, nhưng những thiệt hại đối với người dân Yên Sơn vẫn còn hiện hữu. Tại huyện Yên Sơn, nhiều diện tích cây ăn quả đang đến kỳ thu hoạch, sau thời gian dài ngập úng đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Những vườn bưởi sắp đến vụ thu hoạch tại thôn Bến và Minh Khai, xã Lực Hành giờ đây chỉ còn trơ lá. Quả rụng la liệt. Nhiều cây đã không còn sự sống. Những hộ dân có nguồn thu nhập chính từ cây trồng này phải chịu cảnh mất trắng do thiên tai.
Bà Lê Thị Yến, thôn Bến chia sẻ: mưa lũ gây ngập ủng toàn bộ diện tích gần 1 ha, với trên 100 cây bưởi da xanh, bưởi đường của gia đình. Trong khi vụ thu hoạch bưởi da xanh đang đến gần. Năm nay, năng suất sản lượng, chất lượng quả đều cao hơn năm trước. Ước tính phải thu được gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, giờ đây toàn bộ quả đều bị rụng hết. Nhiều cây bưởi đường trên 20 năm tuổi đã bị khô héo, không có khả năng cứu chữa.
Không chỉ cây bưởi mà nhiều diện tích na tại xã Lực Hành cũng bị thiệt hại nặng nề. Bà Nguyễn Thị Lợi, thôn Minh Khai cho biết: 140 cây na đang chuẩn bị vào mùa na trái vụ đã bị ngập nước hoàn toàn. Sau khi nước rút, cây trồng xơ xác, quả đã bị khô và ngả màu đen. Như mọi năm, na trái vụ cho thu nhập rất cao. Nếu chỉ tính giá 25.000 đồng/kg thì gia đình bà cũng phải thu về 20 triệu đồng.
Ông Trần Huy Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết: "Toàn xã có gần 80 ha cây ăn quả bị ngập bao gồm bưởi, na và hồng. Bà con sắp được thu hoạch nhưng lại bị thiệt hại. Xã đã tuyên truyền tới bà con vệ sinh, khử trùng phun sạch sẽ phù sa trên cây trồng còn sống. Đối với những diện tích cây bị hỏng, chúng tôi vận động bà con tu bổ, trồng mới để đảm bảo kinh tế".
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Sơn, mưa lũ đã làm trên 1.000 ha lúa, hoa màu, gần 400 ha cây ăn quả của người dân bị ngập úng, đổ gãy, nhất là tại các xã ven sông như Phúc Ninh, Lực Hành, Chiêu Yên...
Để giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng đã chủ động rà soát, thống kê thiệt hại; hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục, phòng chống dịch bệnh và cách thức chăm sóc lại cây trồng sau mưa lũ để đảm bảo tái sản xuất trong thời gia tới. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các loại vật tư nông sản không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá xảy ra.
Khẩn trương dọn dẹp, phòng tránh dịch hại cây trồng, vật nuôi
Theo Lý Minh Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng rà soát, xuống đến hộ gia đình để kiểm tra về mức độ thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ gia đình khắc phục hậu quả; tổ chức tổng vệ sinh, phun khử trùng tại các thôn.
Xã đã xây dựng kế hoạch khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng, khẩn trương dọn dẹp đồng ruộng, tuyên truyền, vận động bà con mua ngô giống về trồng cho kịp thời vụ. Đặc biệt, được sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xã Tân Long đã tiếp nhận được trên 900 phần quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3.
Ngay sau khi lũ rút, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân thu nhặt toàn bộ những quả đã bị thối, hỏng rơi rụng thu gom và tiêu hủy để đảm bảo không để lại tàn dư trên vườn, tránh tình trạng phát sinh nấm, dịch hại. Khuyến cáo bà con sử dụng các loại chế phẩm, ví dụ như Trichoderma để phòng chống nấm cho cây bưởi. Những cành tuy rằng rụng lá nhưng vẫn phải theo dõi để nếu như còn phục hồi, còn nảy mầm được, tiếp tục phun thuốc xử lý giữ được mầm lá mới, đảm bảo năng suất những năm tiếp theo. Những cành khô bà con nên cắt bỏ, loại bỏ để tập trung dinh dưỡng cho cây trồng.
Anh Đỗ Văn Việt, thôn Minh Khai, xã Lực Hành chia sẻ, mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến 40 cây bưởi của gia đình, ước tính thiệt hại hơn 5.000 quả bị gẫy rụng. Xót xa, nhưng việc cấp bách trước mắt là phải dọn dẹp vườn cây, tránh phát sinh bệnh hại sau này. Các cán bộ khuyến nông từ tỉnh, huyện, xã đã hướng dẫn anh cùng với bà con trong thôn các biện pháp phục hồi, chăm sóc cây bưởi như dọn dẹp vườn, cắt tỉa, rắc vôi bột khử trùng, bón phân, để đảm bảo sự phát triển của cây trồng những vụ tiếp theo.
Ông Nguyễn Ngọc Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết: Để giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động cụ thể tại từng địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong đó, tăng cường cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân các biện pháp phục hồi và kỹ thuật chăm sóc lại cây trồng sau mưa lũ. Tổ chức phun khử trùng, xử lý vệ sinh chuồng trại, đảm bảo cho vật nuôi được phát triển khỏe mạnh. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện sâu, bệnh hại trên cây trồng và dịch bệnh trên đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định trở lại.
Dự báo thời gian tới, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương và người dân nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó bảo vệ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi.