Xã hội

Đắk Nông: Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc

Phạm Hoài 30/09/2024 - 22:13

Tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều người dân sống tại một số địa phương của tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là ở những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, tỉnh đang chỉ đạo gấp rút triển khai đồng bộ các giải pháp để giúp người dân dần thoát nghèo ổn định cuộc sống.

3.jpg
Người đồng bào ở vùng khó khăn Đắk Nông tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế giảm nghèo

Từng bước gỡ vướng

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ gia đình được vay vốn chính sách 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện một căn nhà. Ngoài những hộ đã được triển khai thực hiện trước đó thì còn rất nhiều hộ dân nằm trong diện được tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, do vướng phải quy hoạch của tỉnh Đắk Nông về phát triển du lịch nên chưa thể có nhà cửa khang trang.

Theo UBND xã Đắk Som (huyện Đắk Glong), tỉnh Đắk Nông hiện đang thực hiện quy hoạch để phát triển du lịch tại khu vực hồ Tà Đùng, nơi được ví là "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên". Chính vì thế, từ năm 2022 đến nay, xã Đắk Som không thể xây dựng các công trình mới, từ đó dẫn đến việc xã "nợ" gần 20 căn nhà của hộ nghèo. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: Hiện địa phương vẫn còn nhiều hộ nghèo và có nhu cầu về nhà ở. Song do vướng quy hoạch nên không thể xây dựng nhà cho các hộ dân. Hiện nay, nhiều căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng người dân vẫn phải chờ "tháo gỡ" vướng mắc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nam Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, mặc dù huyện và các địa phương đã cố gắng giải ngân các nguồn vốn xoá đói giảm nghèo để bà con nhanh chóng tiếp cận. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là vấn đề quy hoạch về bô-xít và du lịch chiếm diện tích đất của huyện rất lớn. “Phần lớn đất bà con ở và làm nương rẫy dính vào quy hoạch nên khi giải ngân thực hiện là không đúng và chưa phù hợp nên huyện cũng đang gặp khó”. Ông Thuần chia sẻ

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, trước những vướng mắc bất cập trên, tỉnh Đắk Nông cũng đã họp bàn và đang có những biện pháp khẩn trương để xử lý giúp người dân có điều kiện tốt nhất tiếp cận được những chế độ, chính sách được hưởng theo quy định. Riêng đối với những vướng mắc vượt tầm tỉnh thì tỉnh Đắk Nông có văn bản gửi các Bộ, ngành có liên quan xin ý kiến sớm nhất để tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. Đồng thời, tỉnh Đắk Nông cũng phấn đấu sẽ trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

anh-2(1).jpg
Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ nên đời sống ngày một ổn định

Quyết tâm hỗ trợ bà con

Theo đại diện lãnh đạo Đắk Nông, hiện tại lên kế hoạch hỗ trợ huyện miền núi Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% cuối năm 2025; phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong từ 1,8 lần so với năm 2020; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin...

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đến nay đạt rất thấp, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả cao nhất. Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai, bà Hạnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần phối hợp, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ. Trường hợp cần xin hướng dẫn của Trung ương thì các sở, ngành, địa phương phải chủ động tham mưu để tỉnh trình các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải.

Phạm Hoài