Phụ nữ Lào Cai chung tay giảm nghèo
(TN&MT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lào Cai đã tích cực chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và vị thế của phụ nữ, đưa công tác giảm nghèo đi vào thực tế và bền vững.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của Hội LHPN tỉnh Lào Cai trong công tác giảm nghèo, chúng tôi có buổi trao đổi với bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai xung quanh vấn đề này.
PV: Là thành viên của chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã phát huy vai trò của mình ra sao trong công tác giảm nghèo, thưa bà?
Bà Vũ Thị Tân:Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021- 2025; đồng thời được tỉnh Lào Cai phân công giúp đỡ xã Nậm Mả - huyện Văn Bàn thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã chủ động, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở thực hiện tốt các phong trào thi đua giảm nghèo bền vững và các phong trào thi đua chuyên đề do tỉnh phát động. Hỗ trợ, huy động nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các Chương trình tại cơ sở; hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Để đạt được hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về giảm nghèo bền vững cho các cấp Hội phụ nữ. Đồng thời tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vừng”…
Tập trung thực hiện công tác đào tạo tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi sản xuất, định hướng việc làm. Qua đó, đã tổ chức hơn 600 buổi tuyên truyền lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi/tổ phụ nữ với nội dung nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nội dung các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cho hơn 30 nghìn hội viên, phụ nữ.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các tổ chức dự án tổ chức gần 60 lớp tập huấn hướng dẫn cho 2.500 hội viên, phụ nữ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tư vấn chăm sóc khách hàng, maketting, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp Dự án GREAT (Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” ) tổ chức Diễn đàn “Tăng tốc đầu tư kinh doanh” có 29 dự án tham gia, kết nối với 22 nhà đầu tư, kết nối bán hàng online với tổng giá trị hỗ trợ ký kết trong ngày là 150 triệu đồng….
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN thường xuyên truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi/tổ, câu lạc bộ... về các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua các hoạt động tập huấn, truyền thông đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về các chủ trương chính sách của Nhà nước đối với các các hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất an toàn, hiệu quả, phù hợp với xu thế, nhu cầu của thị trường.
PV: Xin bà cho biết rõ hơn về các giải pháp phụ nữ giúp phụ nữ giảm nghèo mà Hội LHPN tỉnh Lào Cai đang áp dụng nhằm đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững?
Bà Vũ Thị Tân, về các giải pháp phụ nữ giúp phụ nữ giảm nghèo nhằm đưa công tác giảm nghèo đi vào thực tế và bền vững, chúng tôi đề ra phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cấp Hội rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, có giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như: Duy trì, phát triển mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo. Hàng tháng, các tổ sinh hoạt lồng ghép chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về chăn nuôi, trồng trọt; trợ giúp vốn ưu đãi dưới hình thức bảo lãnh tín chấp từ nguồn vốn các ngân hàng nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nữ nông thôn...
Hội phụ nữ tỉnh tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển, giảm nghèo bền vững. Phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, vay vốn sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp vận động tiết kiệm tại các chi hội phụ nữ nhằm giúp đỡ các hội viên nghèo khó khăn. Đến tháng 4/2024, tổng vốn vay Ngân hàng CSXH là 1.237.504,65 triệu đồng, gồm 19.250 hộ vay; số phụ nữ gửi tiền tiết kiệm đạt 549/549 tổ tiết kiệm vay vốn với 37.316 triệu đồng trên 20.569 hộ vay. Tổng dư nợ Ngân hàng NN và PTNT qua các cấp Hội đạt 847.159 triệu đồng cho 5.611 hộ vay trên 230 tổ TKVV.
Đồng thời, các cấp Hội đã tích cực vận động hộ vay vốn gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm & vay bốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay có 557/557 tổ TKVV đã thực hiện được tiết kiệm, số hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm là 20.330 với tổng tiền tiết kiệm đạt 33.915 triệu đồng.
Từ các nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển sản xuất, nuôi trồng, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, 3 từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
PV: Xin bà cho biết những kết quả đạt được về các mô hình phát triển kinh tế mà Hội LHPN tỉnh Lào Cai đang làm để hiện thực hoá mục tiêu phụ nữ giúp phụ nữ giảm nghèo?
Bà Vũ Thị Tân : Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 939 gắn với khâu đột phá của ĐHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường”. Các cấp Hội đã chỉ đạo duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng. Tính đến thời điểm báo cáo.
Hội PN tỉnh đang hỗ trợ và quản lý hỗ trợ 110 mô hình kinh doanh/1719 thành viên. Trong đó có: 12 hợp tác xã /119 thành viên, 12 tổ hợp tác/200 thành viên, 69 tổ liên kết sản xuất/1100 thành viên, 12 nhóm phụ nữ cùng sở thích/189 thành viên, 5 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp/111 thành viên. Các mô hình cơ bản đều hoạt động có hiệu quả, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia làm chủ quản lý mô hình được hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Qua đó đã tạo việc làm cho gần 2.000 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh, trong đó có lao động nữ là người dân tộc thiểu số, người yếu thế.
PV: Xin bà cho biết những khó khăn và các giải pháp để công tác giảm nghèo thực sự bền vững.
Bà Vũ Thị Tân: Về các mô hình phát triển kinh tế được triển khai nhằm giảm nghèo bề vững, hiện tại Hội phụ nữ các huyện đã áp dụng và cơ bản đã đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực tế cho thấy vẫn còn những khó khăn như, thị trường có nhiều biến động tăng, các nhu yếu phẩm, sử dụng năng lượng, đồ dùng thiết yếu đều tăng mạnh sau ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thể giới khiến hội viên phụ nữ càng gặp thêm nhiều khó khăn về tài chính. Một số hộ còn dè dặt dầu tư sản xuất vì chưa tìm được đầu ra bao tiêu cho sản phẩm và gặp khó khăn về tài chính; trình độ nhận thức của hội viên, phụ nữ chưa đồng đều nhất là ở các địa bàn vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời tiết diễn biến thất thường gây ảnh hưởng tới đời sống hội viên phụ nữ. Một số ít hội viên do còn hạn chế về nhận thức nên phần nào vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chưa có tính chủ động, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025; Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Hội viên phụ nữ và nhân dân về các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của địa phương về công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới gắn với việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động và khâu đột phá của tỉnh, của Hội để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường các hoạt động vay vốn và làm tốt công tác quản lý các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ thát triển kinh tế; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thông qua mở rộng hoạt động tín chấp, ủy thác với ngân hàng; chú trọng đến chất lượng hoạt động ủy thác cho vay do Hội quản lý đáp ứng nhu cầu của phụ nữ. Chú trọng quan tâm, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống tại các vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trân trọng cám ơn bà!