Xã hội

Thanh Hóa: Nông dân làm giàu từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Thanh Tâm 30/09/2024 - 22:08

Nhiều hộ dân ở huyện Hà Trung và Như Xuân (Thanh Hóa) vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Các hộ tự chủ trong phát triển kinh tế, không dựa dẫm trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Trồng hoa huệ trắng cho thu nhập cao gấp 4 lần trồng lúa

Nhiều hộ dân ở Hà Trung (Thanh Hóa) phát triển nghề trồng hoa huệ trắng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, gấp 4 lần so với trồng lúa.

Xã Hà Sơn được xem là thủ phủ hoa huệ trắng của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Cây hoa huệ trắng được trồng trên đất Hà Sơn gần 2 thập kỷ qua. Ban đầu, người dân trồng trong vườn, diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc bán ở chợ quê.

Khoảng 10 năm nay, hoa huệ được ưa chuộng trên thị trường. Nông dân ở Hà Sơn mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng hoa.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn, năm 2024 địa phương có 33ha, với 32 hộ trồng hoa huệ. Loài cây cho hoa trắng muốt, hương thơm thanh khiết này mang lại doanh thu khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm cho người trồng. Trung bình 1ha hoa huệ trắng cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Nghề trồng huệ tạo việc làm, thu nhập tốt cho gần 100 lao động ở địa phương

Gia đình bà Lê Thị Hồng (46 tuổi, ở thôn Quý Tiến) đã có kinh nghiệm trồng hoa huệ 10 năm nay. Hiện gia đình đang trồng 1,5ha hoa huệ trắng. Với diện tích canh tác trên, mỗi năm gia đình bà thu khoảng 400 triệu đồng, lãi gấp 4 lần cấy lúa.

a1(2).jpg
Trồng hoa huệ trắng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân xã Hà Sơn

Hoa huệ trắng dễ trồng nhưng muốn đạt hiệu quả kinh tế, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, từ khâu làm đất, bón phân, đặt giống cho đến việc phòng trừ sâu bệnh. Sau khi trồng được đánh luống cao 30-40cm, rộng 1,2m, tạo rãnh khoảng 40cm để dễ thoát nước vào mùa mưa. Mật độ trồng 5.000-6.000 củ huệ/sào. Trong quá trình trồng, chủ vườn phải đảm bảo giữ độ ẩm cho đất, theo dõi cây, vì hoa huệ thường bị nhện đỏ, nhiễm tuyến trùng vào đầu mùa mưa.

Đặc biệt, muốn cho hoa huệ phát triển tốt, củ giống phải to, sức sống tốt, đồng đều và sử dụng lượng phân bón phù hợp. Thời gian xuống giống phù hợp từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Hoa huệ cho thu hoạch sau 4 tháng trồng, thời gian thu hoạch hoa kéo dài 2 năm. Phân bón cho cây là phân hữu cơ, mỗi năm bón 4 lần.

Ông Phạm Hồng Hiền (46 tuổi, cũng ở thôn Quý Tiến) cho hay, 1ha hoa huệ đầu tư khoảng 50 triệu đồng/năm. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch đều sử dụng phương pháp thủ công (trồng củ, làm cỏ, cắt hoa đều bằng tay).

Theo ông Hiền, chuyển sang canh tác hoa huệ quy mô lớn, gia đình ông không chỉ có thu nhập tốt mà còn tạo được việc làm cho 2 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ, mức lương 200.000-250.000 đồng/ngày.

Để phát huy thế mạnh cây trồng này, người mong chính quyền địa phương hỗ trợ bà con nông dân tìm kiếm thị trường, tăng cường phối hợp với các đơn vị, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật canh tác, tập huấn hỗ trợ nông dân, đa dạng hóa giống cây trồng xen canh tăng vụ.

Hỗ trợ con giống giúp bà con thoát nghèo

Chỉ với 2 con dê được Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa tặng, nhiều hội viên ở xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đã thoát nghèo ở vùng đất khó.

Chị Kiều Thị Hiền (39 tuổi, thôn Ná Cà 2, xã Thanh Quân là người được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa tặng 2 con dê năm 2019, giờ đây, chị Hiền sở hữu đàn dê 17 con.

Tính theo giá thị trường bây giờ, chị Hiền đang có nguồn vốn tích lũy khoảng 50 triệu đồng từ đàn dê. Người phụ nữ đơn thân ở miền núi không nghĩ lại có thể thoát nghèo, có tiền tiết kiệm.

Chị Hiền cho biết, được Hội LHPN tặng dê, tiếp cho chị động lực làm kinh tế, nuôi con, chăm sóc mẹ già. Không chỉ vậy, khi tham gia mô hình hợp tác xã nuôi dê sinh sản, chị được cùng các chị em trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, tư vấn nghiệp vụ và định hướng phát triển loại hình kinh tế tập thể,…

Cũng như chị Hiền, gia đình chị Lang Thị Tuyến (39 tuổi, thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân) cũng thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ đàn dê. Chị Tuyến cho biết, vợ chồng chị không có công việc ổn định, kinh tế phụ thuộc vào 1ha đất đồi, nhà lại đông con nên gia cảnh lúc nào cũng nghèo khó.

a4(1).jpg
Từ 2 con dê được HLHPN tặng chị Tuyến đã thoát nghèo thành công

Theo chị Tuyến, nguồn vốn đầu tư cho nuôi dê thấp, chuồng trại cũng đơn giản, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, có thể tận dụng thức ăn xanh có sẵn từ tự nhiên để cho dê ăn, phân dê thì ủ để bón cho lúa, giảm được chi phí rất nhiều.

Được Hội LHPN và cán bộ thú y tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của gia đình chị Tuyến khỏe mạnh, sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Lúc nhiều nhất, gia đình chị Tuyến có tới 15 con dê.

Bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Quân, cho biết năm 2019 Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình Hợp tác xã nuôi dê sinh sản tại 15 hội viên là phụ nữ nghèo làm chủ hộ trên địa bàn xã. Sau 5 năm triển khai, mô hình phát huy hiệu quả, có 8/15 hộ đăng ký tham gia mô hình đã thoát nghèo.

Bà Tình đánh giá, mô hình nuôi dê có tỷ lệ sinh lãi cao, vốn đầu tư thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường thịt dê cao nên đầu ra được đảm bảo. Hiện, giá thịt dê hơi 130.000-150.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, cho biết mô hình nuôi dê do Hội LHPN hỗ trợ, tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, tạo nên phong trào phụ nữ làm chủ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

"Nhận thấy hiệu quả từ nuôi dê, nhiều gia đình đã tự đầu tư vốn nuôi dê. Từ 37 con dê được Hội LHPN tặng đến nay số lượng dê đã tăng lên gần 200 con. Đàn dê tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương", ông Nguyên chia sẻ.

Thanh Tâm