"Điểm tựa" giúp người dân thoát nghèo
Với người nghèo, mỗi khi muốn vươn lên thay đổi cuộc đời đều phụ thuộc và những thứ "đầu tiên". Ấy là vốn, là chính sách, là định hướng...Vậy là ngân hàng chính sách, vốn tín dụng ưu đãi luôn được xem như "trụ cột", "bà đỡ" để nâng đỡ, hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo. Đến với Tuy Phước, tận mắt thấy những "cuộc đổi đời" từ nguồn vốn ưu đãi, mới thấm giá trị nhân văn của nó đối với đời sống con người...
Cơ hội tạo nguồn thu nhập lớn
Về với Phước Hưng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lần này, tôi được anh Nguyễn Văn Thi, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đưa đi giới thiệu một số gia đình là hộ nghèo trên địa bàn đã được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, tạo động lực để vươn tới ước mơ thoát nghèo, hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuổi thơ sinh ra và lớn lên trong một vùng quê tại khu vực trung du miền núi của Bình Định, khi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, giao thông kết nối vẫn có nhiều hạn chế, anh Thi là người hiểu rất rõ về những đổi thay của những vùng quê tại tỉnh nhà.
Trong suốt quãng đường, anh Thi vừa lái xe, vừa đảm nhận vai trò hướng dẫn viên, giới thiệu cho tôi về những địa danh, những con đường,… tại huyện Tuy Phước mà chúng tôi vừa đi qua. Xen vào đó là những câu chuyện về nông thôn xưa và nay, và thấy rằng những vùng quê đã dần khoác lên mình bộ diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang hơn, những con đường lớn tạo thuận lợi cho thông thương ngày càng nhiều hơn, nhiều hơn những cánh đồng được canh tác ứng dụng công nghệ giúp mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế,… và hơn hết là đời sống người dân ngày càng đủ đầy, ổn định hơn xưa. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân làm kinh tế giỏi, không những tạo ra được thu nhập cho gia đình mà còn góp phần xây dựng quê hương.
Anh Thi cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo là nhờ vào việc tiếp cận được nguồn chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi. Từ các chương trình cho vay này, hộ nghèo sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề để ổn định thu nhập, vay sinh viên,… khi không cần phải thế chấp tài sản như đi vay tại các ngân hàng thương mại. Mặt khác, tiếp cận được với nguồn vay vốn chính sách giúp cho các hộ nghèo không bị vướng vào tín dụng đen, tránh được nguy cơ nghèo càng thêm nghèo,…
Nhiều năm trước, anh Võ Văn Hiền (thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng), được hỗ trợ vay vốn chính sách để phát triển nghề trồng mai. Trước đây, anh Hiền bôn ba với nhiều công việc khác nhau như thợ hồ, đi làm thuê,… Thấy việc trồng mai cũng hiệu quả nên anh Hiền cũng tự về mày mò, trồng thí điểm một thời gian. Sau đó tiếp tục mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn chính sách 20 triệu đồng để đầu tư, phát triển nghề trồng mai. Với số tiền vay vốn được, anh Hiền sử dụng để mua thêm chậu, mua xơ dừa, phân bón để mở rộng quy mô vườn mai của mình.
Dẫn tôi tham quan vườn mai nằm ẩn sau đám ruộng vừa mới được gặt, anh Hiền vừa kể về hoàn cảnh của gia đình mình. Là một trong những hộ nghèo của xã Phước Hưng, anh Hiền một mình nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học, cùng với đó là mẹ già bị bệnh về thận. Mỗi thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, anh phải dậy từ 4 giờ sáng để đưa mẹ đến bệnh viện tỉnh để chữa bệnh. Khi đó, anh cũng tranh thủ tìm các công việc tại thành phố Quy Nhơn như làm thợ hồ để tạo thu nhập mỗi ngày. Còn những thời gian khác thì anh tranh thủ chăm sóc vườn mai của mình. Anh Hiền cho rằng công việc chăm mai bình thường cũng không tốn nhiều thời gian, anh vẫn có thể tranh thủ đi làm các công việc khác. Nếu xem trồng mai là nghề phụ của bản thân thì cũng đúng nhưng lại là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Trồng mai cũng như nuôi heo đất vậy, mỗi năm chỉ cho thu lại nguồn lợi vào dịp cuối năm nhưng lại là nguồn thu lớn, giúp cho anh có tiền để nộp học cho các con, có tiền sắm sửa tết và dành ra một khoản để tích góp, chữa bệnh cho mẹ,… Đồng thời, là nguồn vốn để anh Hiền tiếp tục đầu tư vườn mai cho các năm tiếp theo.
Hiện nay, ước tính vườn mai của anh Võ Văn Hiền có khoảng 400 gốc, dự kiến vụ tết năm nay sẽ xuất vườn được khoảng 250 gốc mai, thu nhập ước tính từ 60 – 80 triệu đồng. “Tuỳ vào nhu cầu thị trường, có khi giá mai cũng sẽ cao hơn nên thu nhập cũng sẽ tốt hơn, khi đó cũng sẽ tạo được phấn khởi và động lực cho tôi được mở rộng vườn mai, tạo niềm tin và giúp tôi cố gắng hơn để vươn lên thoát nghèo”, anh Hiền hào hứng chia sẻ.
Niềm tin về cuộc sống tốt đẹp hơn
Hơn hai năm trước, hộ chị Cao Thị Ngọc Thi cũng là một trong những hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn chính sách ưu đãi. Gia đình chị sống trong ngôi nhà nhỏ tại thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng), ngôi nhà đậm chất vùng quê khi nằm ẩn sau đám ruộng trồng rau, kế bên là con đường đất dẫn vào. Hoàn cảnh gia đình chị Thi có lẽ để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất bởi cả hai vợ chồng chị - trụ cột gia đình, lại là những người mang trong mình những căn bệnh khó chữa. Chồng chị là anh Nguyễn Thanh Quang bị bệnh từ nhỏ, hầu như không có khả năng lao động, đi đứng còn khó khăn, đến nói còn không được tròn vành rõ chữ. Còn chị, nhiều năm qua mang trong mình căn bệnh về thận, vẫn thường xuyên phải đến bệnh viện. Với hoàn cảnh trớ trêu, ấy vậy mà nhiều năm qua, vợ chồng chị vẫn cố gắng bươn chải, nuôi hai con ăn học.
Tâm sự với tôi, chị Thi cho biết gia đình trước đây chủ yếu làm nông bởi cả hai vợ chồng không thể đi xa. Thu nhập từ nghề nông cũng bấp bênh, chủ yếu là hái ít rau, ít quả trong vườn ra chợ bán, ngày no đủ thì ít mà ngày thiếu thốn thì nhiều. Cộng thêm hoàn cảnh sức khoẻ của vợ chồng nên thấy tương lai của gia đình thật mịt mờ. Cũng may là hộ nghèo nên con cái đi học cũng được ưu đãi, hỗ trợ về học phí, phần nào cũng bớt gánh nặng lên đôi vai chị. Rồi đến khoảng năm 2022, gia đình chị được tiếp cận với nguồn vốn chính sách, được vay 50 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Trước khi được vay vốn, chồng chị cũng được tạo điều kiện để tham gia lớp học nuôi bò, còn chị được tham gia lớp học trồng nấm. Vậy là người chồng bệnh tật bấy lâu nay đã có cái nghề trong tay…
Sau hai năm nuôi bò, từ 2 con bò đầu tiên, gia đình chị đến nay đã gầy được 5 con bò. Tuy đến nay chưa có thu nhập từ việc bán bò nhưng chị Thi luôn tràn đầy hi vọng bởi đàn bò chính là tài sản lớn nhất của gia đình bây giời. Đàn bò như là chỗ dựa về kinh tế khi nếu cần việc gì lớn như nộp học cho con, chữa bệnh cho vợ chồng hoặc mua sắm đồ thiết yếu thì có thể bán bớt để lo liệu được. Và hơn hết, có lẽ đàn bò cũng chính là chỗ dựa tinh thần lớn cho vợ chồng chị, là niềm tin về một tương lai tươi sáng, là “hậu phương” lớn để cho các con chị làm hành trang cho chặng đường sắp đến…
Bên cạnh những lời tự sự người vợ là những hoạt động của người chồng như cắt cỏ cho bò, dọn vệ sinh chuồng bò. Từng động tác dù hơi khó khăn để thực hiện bởi căn bệnh từ nhỏ và dù không thể trực tiếp chia sẻ nhưng những hành động cùng ánh mắt đầy nghị lực của anh Quang cũng làm cho tôi hình dung ra được nghị lực, sự cố gắng của người chồng, người cha này,…
Tôi xem đây là động lực cho gia đình tôi tiếp tục cố gắng để vươn lên, đến một ngày nào đó sẽ thoát nghèo nhờ nuôi bò. Vợ chồng sẽ cố gắng tận dụng giá trị từ việc được vay vốn để phát triển kinh tế, từ đó có được thu nhập ổn định. Và hơn hết là con cái tôi sẽ có cơ hội để tiếp tục đến trường, có cơ hội để học tập để sau này không phải ở trong hoàn cảnh khó khăn như bây giờ, chị Thi xúc động chia sẻ.
Chị Nguyễn Thi Nở, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng) cho biết, đến nay tổ có 59 tổ viên và đều được hỗ trợ vay vốn chính sách để phát triển kinh tế với nhiều ngành nghề khác nhau như nuôi bò, trồng mai, đan lát, trồng nấm rơm,… Nhờ tiếp cận được với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách mà bà con đã có cơ hội để ổn định cuộc sống, mang lại thu nhập tốt hơn. Nhờ có Ngân hàng Chính sách mà bà con có thể vay vốn không cần thế chấp và linh động trong các khoản vay. Đồng thời hạn chế được tình trạng vay nóng bên ngoài, kéo theo nguy cơ nợ chồng nợ, giúp công tác xoá đói giảm nghèo thực sự trở nên bền vững.